Giải mã giá trị thanh long đao-bảo vật hơn 400 năm tuổi ở Hải Phòng

Định Nam đao, binh khí gắn liền với sự nghiệp bình thiên hạ của vua Mạc Đăng Dung (1483 - 1541). Đây là một báu vật hơn 400 năm trên nhiều lĩnh vực, là giá trị biểu tượng cho một dòng họ, một vương triều đã có nhiều thành tựu trong tiến trình lịch sử đất nước.

Số phận chìm nổi của long đao

Long đao có tên gọi là Định Nam đao - cổ vật của dòng họ Phạm gốc Mạc. Gia phả họ Phạm (viết chữ Hán Nôm trên chất liệu giấy gió đã ngả vàng; thời gian lập gia phả được xác định khoảng sau niên hiệu Duy Tân thứ 3). Hồi cố của con cháu họ Phạm gốc Mạc ở Xuân Trường, Nam Định cho biết: Cuối năm 1592, nhà Mạc thất thủ ở Thăng Long, quân Trịnh Tùng tấn công tàn phá Dương Kinh, thân vương Mạc Đăng Thận (cháu 4 đời của Mạc Đăng Dung), là người coi giữ Sơn Lăng, Cổ Trai, đã cải trang, mang 500 quân ra trấn giữ Đồ Sơn. Sau ông giả làm nhà buôn, xuống thuyền lánh nạn, đến đất Kiên Lao, huyện Giao Thủy, phủ Thiên Trường, trấn Sơn Nam Hạ định cư.

Khu tưởng niệm vương triều Mạc (thôn Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng).

Khu tưởng niệm vương triều Mạc (thôn Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng).

Trải qua 4 đời ở Kiên Lao, dòng họ Phạm gốc Mạc phân chi. Trưởng nam, ông Phạm Công An ở lại đất Kiên Lao; thứ nam, ông Phạm Công Úc về định cư ở Ngọc Tỉnh, Xuân Trường; ông thứ ba Phạm Đình Tú đi lập ấp ở Hoành Tây, phủ Thiên Trường.

Theo truyền ngôn của dòng họ, chi trưởng trông coi phần mộ tổ tiên; chi thứ mang theo Long đao về Ngọc Tỉnh định cư; chi út mang theo sách đồng về lập ấp Hoành Tây.

Định Nam đao, binh khí gắn liền với sự nghiệp bình thiên hạ của vua Mạc Đăng Dung (1483 - 1541).

Định Nam đao, binh khí gắn liền với sự nghiệp bình thiên hạ của vua Mạc Đăng Dung (1483 - 1541).

Gia phả dòng họ Phạm gốc Mạc tại Ngọc Tỉnh có ghi: Thời vua Lê Dụ Tông (1728), hai người con trai đức thủy tổ Phạm Công Úc là Phạm Công Dực và Phạm Công Dật lên kinh đô thi võ, khoa thi ấy cả hai ông đều đỗ võ quan, được triều đình tuyển dụng. Ông Phạm Công Dực theo vua Lê dẹp loạn, sau được thăng tới chức Đô thống phủ Tả Đô đốc, Lê triều Kiệt trung tướng quân, tước Dục Trung hầu. Ông Phạm Công Dật được phong chức Quản hữu chấn cơ Tín nghĩa Đô úy, tước Phạm sứ hầu.

Khâu đao tạo tác hình linh vật Nhai Tí (hay còn gọi Nhái Xế), đầu giống rồng, thân có vẩy, miệng há rộng làm bệ đỡ lưỡi đao, răng nanh nhô ra ngoài...

Khâu đao tạo tác hình linh vật Nhai Tí (hay còn gọi Nhái Xế), đầu giống rồng, thân có vẩy, miệng há rộng làm bệ đỡ lưỡi đao, răng nanh nhô ra ngoài...

Triều Nguyễn (đầu thế kỷ XIV), Long đao của dòng họ Phạm gốc Mạc bị thất lạc. Đến năm 1938, họ Phạm gốc Mạc thôn Ngọc Tỉnh trùng tu đừ đường, đào hồ bán nguyệt đã tìm thấy Long đao sau hơn 90 năm nằm sâu trong lòng đất. Khi đưa lên, đao bị gỉ sét ăn mòn nhiều chỗ cả phần lưỡi và cán đao. Dòng họ rước về từ đường phụng thờ như xưa.

Bảo vật quốc gia

Năm 2009 Nhân dịp Khánh thành Khu tưởng niệm vương triều Mạc (thôn Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng), Long đao được dòng họ Phạm Gốc Mạc ở Ngọc Tỉnh Xuân Trường Nam Định cung tiến và lưu thờ tại khu di tích từ đó đến nay. Trải cùng thịnh suy triều đại, nhật nguyệt thăng trầm, thanh Long đao cổ vẫn còn khá nguyên vẹn hình thức, đặc biệt là thần thái, uy dũng của một bảo vật vương triều. Bảo vật quốc gia được Thủ tướng Chính phủ công nhận là: Hiện vật gốc độc bản, hình thức độc đáo, kết tinh tài năng trí tuệ thuần Việt, mang đậm bản sắc văn hóa, dấu ấn thời đại dân tộc, và những giá trị tinh hoa, mỹ cảm riêng biệt của vùng đất cửa biển Hải Phòng.

Hơn 90 năm nằm sâu trong lòng đất, long đao bị gỉ sét ăn mòn nhiều chỗ cả phần lưỡi và cán đao.

Hơn 90 năm nằm sâu trong lòng đất, long đao bị gỉ sét ăn mòn nhiều chỗ cả phần lưỡi và cán đao.

Long đao có chiều dài 2,55 m, cân nặng 25,6 kg gồm 3 phần : Lưỡi đao, khâu đao (họng, chuôi cán) và cán đao. Long đao có mũi nhọn, lưỡi có hình tựa bán nguyệt, cán dài. Khâu đao là chốt nối giữa lưỡi đao và cán đao. Khi tháo lưỡi đao ra, cán đao thành một cây đoản côn. Khâu đao tạo tác hình linh vật Nhai Tí (hay còn gọi Nhái Xế), đầu giống rồng, thân có vẩy, miệng há rộng làm bệ đỡ lưỡi đao, răng nanh nhô ra ngoài, có mũi sư tử, trán lạc đà, mắt tròn to, tai hình quạt, từ hốc mắt tỏa ra hai bên râu đơn, cong, cuộn đầu; phía dưới (cổ) đúc nổi 4 râu tựa đao mác, hai râu giữa đan vắt chéo nhau, các râu bên roãng lượn sóng nhẹ mang phong cách mỹ thuật thời Mạc; thân khâu đao khắc hoa văn tựa vân mây và vẩy rồng. Lưỡi đao và cán đao để trơn, không trang trí hoa văn. Lưỡi đao và chuôi đao có màu đen của sắt; khâu đao có màu nâu ánh đỏ của chất liệu đồng.

Thanh long đao hiện tại được lưu thờ tại Nhà Chính điện của Khu tưởng niệm Vương triều Mạc.

Thanh long đao hiện tại được lưu thờ tại Nhà Chính điện của Khu tưởng niệm Vương triều Mạc.

Căn cứ phiếu trả kết quả xét nghiệm số 1370 ngày 16 tháng 7 năm 2019 của Phòng Nghiên cứu thực nghiệm khảo cổ học thuộc Viện Khảo cổ học cho biết : Kỹ thuật và vật liệu chế tạo thanh đao là loại hợp kim thuộc thế kỷ 16-17. Như vậy, dựa trên kết quả giám định của các chuyên gia, long mang phong cách Mạc - Lê Trung Hưng (thế kỷ XVI - XVII) với hình thức, trang trí tỉ mỉ, tinh tế, chưa từng xuất hiện trong các di tích và bảo tàng ở Việt Nam.

Hàng năm vào dịp tháng 8 âm lịch sẽ diễn ra Lễ hội kỷ niệm ngày mất của Thái tổ Mạc Đăng Dung.

Hàng năm vào dịp tháng 8 âm lịch sẽ diễn ra Lễ hội kỷ niệm ngày mất của Thái tổ Mạc Đăng Dung.

Hơn 400 năm đã trôi qua, với những giá trị hiện hữu, Long đao không chỉ là biểu tượng của dòng họ Phạm gốc Mạc mà còn là niềm tự hào của con cháu họ Mạc cả nước. Hàng năm vào dịp tháng 8 âm lịch sẽ diễn ra Lễ hội kỷ niệm ngày mất của Thái tổ Mạc Đăng Dung. Trong những ngày này có hàng nghìn du khách thập phương và con cháu các chi họ Mạc, gốc Mạc trên cả nước tấp nập, nô nức tìm về quê cha, đất tổ để được thắp nén tâm hương dâng lên tiên tổ và chiêm bái Long đao.

Hải Yến - Vĩnh Quân

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/giai-ma-gia-tri-thanh-long-dao-bao-vat-hon-400-nam-tuoi-o-hai-phong.html