Giải mã giá vàng trong nước tăng đột biến
Những người đang có vàng trong tay phân vân vì bán ra thời điểm này thì sợ giá còn tăng nữa nhưng nếu tiếp tục nắm giữ lại lo giá vàng 'nổ bong bóng'.
Từ sáng sớm 26-12, thị trường vàng trong nước tiếp tục ghi nhận những đợt tăng dữ dội của cả vàng miếng SJC lẫn vàng nhẫn 9999.
Cao nhất từ trước tới nay
Bảng điện tử thông báo giá vàng miếng SJC được các tiệm vàng liên tục cập nhật. Mỗi lần thay đổi, bước giá lại được điều chỉnh tăng thêm 200.000-400.000 đồng/lượng tùy doanh nghiệp.
Tính đến 10 giờ hôm qua, giá vàng miếng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 78,7 - 79,7 triệu đồng/lượng, tăng 1,3 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều mua - bán so với trước đó một ngày. Các công ty kinh doanh vàng lớn khác cũng tăng 1,3-1,5 triệu đồng/lượng, đẩy giá bán vàng miếng SJC vọt lên 79,8 triệu đồng/lượng.
Những ngày gần đây giá vàng SJC tăng chóng mặt, cứ sau mỗi ngày thiết lập mặt bằng giá mới. Ảnh: THÙY LINH
Thực tế trong mấy ngày gần đây giá vàng SJC tăng chóng mặt, cứ sau mỗi ngày lại thiết lập mặt bằng giá mới. Nhà đầu tư cũng không thể hình dung nổi vì sao giá vàng SJC trong nước lại liên tục thiết lập các mức kỷ lục. Ví dụ ngày 21-12, mốc 75 triệu đồng/lượng tiếp tục bị vượt qua. Đến 11 giờ hôm qua, giá vàng tăng kỷ lục lên 80 triệu đồng/lượng và chỉ nửa tiếng sau chuyển thành 80,30 triệu đồng/lượng.
Như vậy, chưa đầy một tháng qua, từ đầu tháng 12 đến nay, mỗi lượng vàng miếng SJC đã tăng khoảng 7 triệu đồng/lượng. Đây là mức tăng cao nhất tính theo tháng, đồng thời liên tiếp phá vỡ hàng loạt kỷ lục về giá.
Méo mặt vì lỡ vay vàng
Chị Mai Phương ở quận Tân Bình, TP.HCM kể năm 2020 chị cần tiền để mua nhà nên vay của người thân 5 lượng vàng miếng SJC. Lúc đó giá vàng miếng SJC khoảng 48 triệu đồng/lượng. Sau khi vay vàng, chị đem bán lấy tiền mặt để thanh toán tiền nhà.
Năm ngoái, thấy vàng miếng SJC loanh quanh ngưỡng 68-70 triệu đồng/lượng, chị đợi giá giảm sẽ tích lũy mua dần để trả nợ. Nhưng càng chờ giá càng đi lên và giờ đây giá liên tục tăng lên mức chưa từng có.
“Sau ba năm, với khoản vay chưa tới 150 triệu đồng nhưng giờ đây nếu người thân đòi thì tôi phải chi tới 240 triệu đồng ra mua vàng miếng SJC để trả. Con số này tương ứng với mức lãi suất lên đến 20%/năm, cao hơn rất nhiều so với lãi vay ngân hàng” - chị Phương than thở.
Tương tự, các loại vàng nhẫn 9999 cũng đã lấy lại đà tăng mạnh mẽ. Cụ thể, giá vàng nhẫn 9999 thương hiệu SJC đang được giao dịch quanh mức 62,35 triệu đồng/lượng (mua) và 63,4 triệu đồng/lượng (bán), tăng thêm 300.000 đồng/lượng so với chốt phiên trước đó một ngày.
Đáng chú ý đà tăng của giá vàng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại trong bối cảnh vàng thế giới được dự báo vẫn có nhiều cơ hội tỏa sáng.
Nhiều yếu tố đang hỗ trợ giá vàng
Giải mã nguyên nhân khiến giá vàng trong nước tăng cao bất thường, ông Trần Duy Phương, chuyên gia ngành vàng, cho rằng có ba nguyên nhân chính thúc đẩy giá vàng trong nước đi lên. Thứ nhất, do tâm lý người dân tin rằng xu hướng của giá vàng thế giới sẽ còn tăng cao.
Thứ hai và cũng là lý do quan trọng nhất, đó là lãi suất tiết kiệm hiện nay đã quá thấp và được dự báo sẽ tiếp tục giảm thêm. Do đó, những người vừa đáo hạn sổ tiết kiệm kỳ hạn một năm có xu hướng trích một nửa hoặc 1/3 số tiền để mua vàng.
Thứ ba, sức mua đối với vàng nhẫn 9999 và vàng miếng SJC trong thời gian gần đây là ngang nhau. Nhưng vì nguồn cung vàng miếng SJC quá khan hiếm, khi hơn 10 năm nay không được bổ sung thêm một lượng nào mà chỉ thỉnh thoảng dập mới những sản phẩm bị móp méo.
Do nguồn cung không có nên chỉ cần lực cầu vàng miếng SJC lên sẽ kéo theo giá có xu hướng bị đẩy cao bất thường. Còn với vàng nhẫn 9999, dù sức cầu tăng cao, song nó vẫn được bù đắp dễ dàng hơn nhờ việc mua đi bán lại nguồn vàng tích lũy trong dân nên giá không bị biến động quá mạnh.
Còn theo chuyên gia tài chính Trần Đình Phương, tình hình kinh tế vĩ mô khá ổn định, tỉ giá đã bắt đầu hạ nhiệt vì chỉ số đồng USD giảm, kể cả tính đến nhu cầu mua vàng cho mùa lễ hội cuối năm cũng khó có cơ sở để thổi bùng giá vàng trong nước lên mức cao kỷ lục như hiện nay.
Điều này chỉ có thể được lý giải do người mua không có sự lựa chọn nên buộc phải chấp nhận giá vàng SJC từ bên bán. Thậm chí bên bán cũng độc quyền ra giá mua. Bằng chứng là giá mua vàng SJC hiện thấp hơn giá bán 1 triệu đồng/lượng.
Ở góc độ khác, kể từ khi Nghị định 24/2012 ra đời với việc Nhà nước nắm quyền quản lý và sản xuất vàng SJC, đã không sản xuất thêm vàng miếng SJC nữa. Trong suốt 10 năm qua, chắc chắn lượng cung vàng trên thị trường ngày càng bị thu hẹp, một phần nằm trong két sắt của người dân, một phần chuyển hóa thành vàng trang sức và xuất khẩu.
“Chưa kể, người tiêu dùng Việt bị hiệu ứng FOMO, tức sợ bỏ lỡ không mua vàng bây giờ thì giá càng tăng cao. Đây cũng là một nguyên nhân lý giải vàng trong nước đang tăng kỷ lục như hiện nay” - ông Phương nói.
Nên bán vàng miếng SJC, mua vàng nhẫn 9999
Trên thực tế vàng đang trở thành kênh đầu tư rất hấp dẫn nếu so với các kênh đầu tư khác như chứng khoán, gửi tiết kiệm, bất động sản… Hơn nữa tính thanh khoản của vàng lại rất cao. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư phải cẩn trọng trong quyết định mua và bán vàng ở thời điểm này.
TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, khuyến nghị khi quyết định mua vàng lúc này cần rất cẩn trọng vì giá vàng đã rất cao. Việc đảo chiều của giá vàng có thể xảy ra vì dự đoán giá vàng trong tương lai là một thách thức và nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố. “Nhưng nếu bán thời điểm này là hợp lý vì giá vàng trong nước chưa từng thiết lập mặt bằng cao như hiện nay” - ông Thịnh nói.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng giá vàng đang nóng lên theo từng ngày vì nguồn cung hạn chế. Nhưng nếu quyết định mua vàng cần xem xét tình hình tài chính, phân bổ danh mục đầu tư hợp lý, không vay tiền để mua vàng. Cách tốt nhất để tránh rủi ro, nhà đầu tư có thể chọn mua vàng nhẫn vốn bám sát giá vàng thế giới chứ không có độ chênh lớn như vàng SJC hiện nay.
Chuyên gia kinh tế Trần Duy Phương cũng nêu quan điểm: Khả năng của giá vàng thế giới vẫn còn tăng nhưng thời điểm này nếu mua để đầu tư thì người dân nên mua vàng nhẫn 9999 sẽ bớt rủi ro hơn. Bởi chênh lệch giữa vàng nhẫn 9999 với giá vàng thế giới chỉ khoảng 2 triệu đồng/lượng, trong khi khoảng cách này của vàng miếng SJC với giá vàng quốc tế lên đến trên 18 triệu đồng/lượng.
“Trong trường hợp giá vàng thế giới lên khoảng 2.100-2.150 USD/ounce, giá vàng nhẫn 9999 có thể đạt đỉnh mới 65 triệu đồng/lượng. Còn vàng miếng SJC nếu lên vùng 80 triệu đồng/lượng, nhiều khả năng sẽ khiến nhà đầu tư tranh thủ chốt lời và đẩy giá loại vàng này rơi vào đợt điều chỉnh mạnh” - ông Phương lưu ý.
Vàng trong nước đắt hơn thế giới gần 20 triệu đồng/lượng
Trong suốt hai tuần qua, giá vàng thế giới luôn vượt trên mốc 2.000 USD/oucne. Đỉnh điểm nhất, ngày 4-12, giá vàng thế giới đã tăng kỷ lục lên 2.149 USD/ounce, tương đương 63 triệu đồng/lượng. Nhưng thời điểm này giá vàng trong nước cũng chỉ mới lên 74,2 triệu đồng/lượng.
Hiện giá vàng thế giới dao động quanh vùng 2.060 USD/ounce, tương đương 60,7 triệu đồng/lượng, trong khi giá vàng trong nước đã vọt lên 80,30 triệu đồng/lượng. Điều này có nghĩa giá vàng trong nước đang cao hơn giá vàng thế giới gần 20 triệu đồng/lượng
Theo giới phân tích, vàng thế giới tăng mạnh vì giới đầu tư dự báo kinh tế thế giới sẽ có suy thoái trong năm 2024. Hơn nữa thị trường đang kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất nhanh và mạnh trong năm 2024. Ngoài ra, vàng cũng phản ứng ngược với giá trị đồng USD. Giá USD đang giảm đã thúc đẩy giá vàng tăng trưởng.
Chưa hết, bất kỳ một rủi ro địa chính trị nào xảy ra lúc này sẽ kéo sự tăng vọt của vàng. Hiện cuộc xung đột tại Dải Gaza và cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga chưa có nhiều dấu hiệu hạ nhiệt. Sự không chắc chắn xung quanh những xung đột này đã khiến các nhà đầu tư chuyển một phần danh mục đầu tư của họ sang vàng. Các ngân hàng trung ương cũng trực tiếp mua vàng, tạo thành nền tảng hỗ trợ giá vàng.
Nguồn PLO: https://plo.vn/giai-ma-gia-vang-trong-nuoc-tang-dot-bien-post768754.html