Giải mã hình khắc trên đá tại suối Cỏ, xã Mỹ Thành
Mới đây, Sở VH-TT&DL phối hợp Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á thực hiện thám sát, nghiên cứu hình khắc trên đá tại suối Cỏ, xã Mỹ Thành (Lạc Sơn). Đây là những hình khắc không phải tùy tiện mà có ý thức và kỹ năng rất rõ ràng, liên quan đến tín ngưỡng cổ truyền của các cộng đồng cư dân cổ xưa sinh sống quanh vùng sơn khối lõi của tỉnh, nơi phân bố nhiều di tích gốc của Văn hóa Hòa Bình có niên đại trên 20 nghìn năm trước.
Hình khắc lớn trên khối đá có các vòng tròn đồng tâm tại suối Cỏ, xã Mỹ Thành (Lạc Sơn).
Suối Cỏ là một nứt gãy khá lớn nhận nước từ nửa phía Đông Nam của sơn khối, nơi giáp ranh giữa 2 huyện Lạc Sơn và Kim Bôi (các xã Mỹ Thành và Cuối Hạ). Phần lớn diện tích thung lũng có bãi đá khắc hình, nơi có độ rộng ước chừng 300 - 150m, phân bố ở độ cao 10 m so với mặt nước hiện tại, kéo dài khoảng 1.200m, hiện nay được khai thác tạo thành các thềm ruộng bậc thang trồng lúa, thấp dần về phía Đông, cao hơn về phía Tây, Bắc. Mật độ đá lăn nhô trên mặt ruộng cũng như dưới lòng suối đạt khoảng 10 - 30%, dày đặc hơn ở lòng suối. Cho đến nay mới phát hiện 2 khối đá lăn có hình khắc nằm cách nhau khoảng 25m đường chim bay. Cả 2 khối đá này đều thuộc loại đá lăn dạng granite tướng "ngưu tượng” (trâu, voi), tức có kích cỡ lớn khoảng trên dưới 5m3, đều ở thế chân ngập nước rìa phía Đông của con suối.
Tại khối đá đầu tiên (khối A) có 1 hình khắc khá lớn (khoảng 25 x 35cm), nằm xiên theo mặt dốc phía Đông của một khối đá lăn khoảng 4 - 5m3. Khối đá này nằm sát bờ bên trái dòng suối theo chiều nước chảy xuôi. Kỹ thuật tạo hình được làm bởi các rãnh đục chìm rộng khoảng 1,5cm, sâu khoảng 0,7cm, thể hiện rất rõ đồ án như hình một người bụng phệ giơ hai tay lên trời. Phía đỉnh hai tay là 2 hình tròn đồng tâm có chấm ở giữa, đường kính vành ngoài khoảng 6 - 7cm, trông mô típ vòng tròn đồng tâm này rất quen thuộc trên đồ đồng văn hóa Đông Sơn. Phần "mặt” khá mờ nên "mắt, mồm” cũng có thể chỉ đường viền của mộ ô trang trí. Phần "bụng” có đáy bằng, tạo trong lòng thành các khoanh với lõi nhân hình hạt đậu rìa cong lên phía trên.
Tiếp tục đi về phía thượng nguồn chừng 20 - 25m sẽ thấy một khối đá lớn hơn một chút (khối B), cũng ở sát bờ bên trái dòng suối có 4 cụm tạo thành 4 hình khắc độc lập. Các hình khắc ở đây phân bố trên bề mặt khá phẳng của đỉnh chóp khối đá. Diện tích phân bố các hình khắc khoảng 40 x 60cm, gồm 4 cụm hình khá giống nhau (hình phân bố chung các đồ án hình khắc). Đặc trưng chung của mỗi cụm là 2 hình tròn đồng tâm đường kính khoảng 7 - 8 cm ở phía trên. Phía dưới là 1 ô hình gần vuông có khoét hình giống 2 lỗ mũi như kiểu mõm lợn hoặc khuôn lòng hình hạt đậu như mặt khỉ…
Cách 2 khối đá lớn có hình khắc khoảng 50 m. Phần hở lên khỏi mặt đất có hình như một con cá lớn nằm hở lưng trên mặt ruộng, chiều dài 125 cm, rộng nhất hiện trên mặt ruộng là 60 cm. Điểm độc đáo đáng chú ý nhất là trên thân phần đá hở ra đếm được 9 hốc đá lõm xuống dạng lòng bát. Đường kính miệng hốc khoảng 6 - 9cm. Tạo hình tự nhiên khiến tưởng tượng như hình cá với đầu và mắt là phía có hốc đá sâu, rõ nhất.
Tiến sĩ Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á cho biết: Hiện tại do chỉ mới phát hiện 2 khối đá với 5 đồ án, trong đó rõ nét mới chỉ thấy 3, còn 2 khá mờ chưa nhận ra. Tuy nhiên có thể nhận thấy phong cách nghệ thuật khá nhất quán với chủ đề chung là các khuôn mặt người dạng thú. Các vòng tròn đồng tâm mang phong cách trang trí Đông Sơn thể hiện mắt người và phần thu nhỏ thể hiện mũi, miệng khá đồng nhất ở cả 5 hình khắc. Hình khắc ở khối A đặc biệt quan trọng vì kích cỡ lớn hơn, vị trí hướng ra phía người thờ cúng. Tư duy bộc lộ của người khắc cho thấy vừa như muốn thể hiện một người đứng giơ hai tay nâng hai vật tròn đồng tâm. Nhưng khi đối chiếu với 4 hình ở khối đá B, nếu thống nhất vòng tròn đồng tâm là mắt thì bức khắc ở khối đá A có thể là chân dung mô phỏng của một vị thần, trong đó đôi mắt được đưa cao lên ra khỏi khuôn mặt. Điều đáng nhấn mạnh và đáng chú ý là các đồ án khắc trên đá thể hiện sự chuyên môn, điêu luyện của các thầy cúng thời tối cổ. Nét khắc và nội dung khá thống nhất. Dụng cụ khắc khá chuyên nghiệp. Hoàn toàn không phải tự tạo ngẫu hứng của người đi rừng hay trẻ chăn trâu nào cả. Vì thế chúng ta có quyền hy vọng phát hiện thêm ở xung quanh những chứng cứ lễ nghi cổ truyền, ví như hòn đá 9 lỗ và mộ cự thạch mà thoạt đầu chúng tôi ngờ ở cụm đã khoanh có phiến đá phẳng kê bên trên.
Để thực hiện các bước lưu trữ, các chuyên gia đã thực hiện đổ khuôn silicon lấy mẫu hình khắc trên đá, phủ keo bảo quản hình khắc tại chỗ và đã cho ra 2 phiên bản chất liệu composite; chụp ảnh tư liệu, lập hồ sư ảnh di tích; định vị tọa độ GPS và sa bàn hóa bằng 3D - Flycamera. Hiện nay, các phiên bản đã được hoàn thiện và chuyển giao cho Bảo tàng tỉnh Hòa Bình để lưu giữ và bảo quản phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày.