Giải mã loại tên lửa hành trình 9M370 Burevestnik - 'vũ khí ngày tận thế' của Nga
Các chuyên gia phương Tây chỉ ra rằng vụ nổ hôm 8/8 ở miền bắc nước Nga, dẫn đến việc rò rỉ phóng xạ, có lẽ gây ra bởi thất bại của một vụ thử nghiệm tên lửa hành trình mới sử dụng năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, họ vẫn không thực sự nắm chắc đặc điểm của loại tên lửa này và chỉ có thể phỏng đoán đó là vũ khí ngày tận thế.
Theo tin của CNN, Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 3 năm ngoái đã ca ngợi loại tên lửa 9M370 Burevestnik, (tên NATO đặt cho là SSC-X-9 Skyfall) có tầm bắn không giới hạn và có thể đột nhập bất kỳ hệ thống phòng không nào của Mỹ. Sau khi phóng, nó có thể bay vòng quanh trái đất nhiều lần, có thể ở trên không gian suốt mấy ngày và sau đó có thể lao xuống tấn công mục tiêu ở một góc độ bất ngờ.
Ông Jon Hawkes, Phó Chủ nhiệm môn Chiến tranh mặt đất tại Công ty Jane's IHS Markit, chỉ ra rằng: thiết kế động lực của loại tên lửa này không ngoài hai loại: một loại sử dụng động cơ kiểu hút khí và làm nóng không khí bằng lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ rồi phụt ra tạo thành sức đẩy phản lực. Loại thứ hai là sử dụng động cơ tên lửa nhiệt hạch để đốt nóng nhiên liệu hydro lỏng sau đó phun ra để tạo lực đẩy.
Jon Hawkes cho rằng do phía Nga nhấn mạnh rằng đây là tên lửa có tầm bắn không giới hạn, nên nhiều khả năng sẽ áp dụng loại thiết kế thứ nhất vì tầm bắn của loại sử dụng nhiên liệu hydro bị hạn chế.
Một quả tên lửa 9M370 Burevestnik được lắp ráp trong nhà máy
CNN chỉ ra rằng một vấn đề lớn với loại tên lửa này là khí thải phụt ra từ lò phản ứng hạt nhân sử dụng làm nguồn năng lượng, có thể trở thành một loại bom bẩn phát tán bức xạ.
Do đó, nhà nghiên cứu Mark Galeotti của Viện nghiên cứu quân sự Hoàng gia Anh (RUSI) đã chỉ ra rằng đây là loại “vũ khí ngày tận thế”. Theo ông, “chỉ khi nào xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện, mới có thể sử dụng loại vũ khí này. Đây là một loại tên lửa hành trình có thời gian ở lại trên không lâu và sẽ tạo ra một cái đuôi bụi phóng xạ”.
Những vũ khí gây bất ngờ của ông Putin
Tháng 3 năm 2018, sau hội nghị thượng đỉnh Donald Trump - Vladimir Putin tại Phần Lan, Nga đã nhân cơ hội này trưng bày một số vũ khí mới. Khi đó Putin nói rằng những vũ khí này sẽ khiến cho hệ thống phòng thủ của NATO “trở nên vô tác dụng”.
Vào thời điểm đó, Nga đã trưng bày 5 loại vũ khí mới: tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân Burevestnik, hệ thống tên lửa siêu thanh Avangard, tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Sarmat, máy bay không người lái dưới nước Poseidon và tên lửa siêu thanh Kinzhal.
Ngày 6 tháng 2 năm 2019, một trong những vũ khí, tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân Burevestnik (“Burevestnik” trong tiếng Nga là Én biển bão táp, nó được tình báo Mỹ gọi là KY30 hay SSC-X-9 “Skyfall”; sau đây gọi là tên lửa hành trình năng lượng hạt nhân), một lần nữa lọt vào tầm ngắm của công chúng. Trang web Popular Mechanics của Mỹ tiết lộ rằng gần đây, Nga đã tiến hành các thử nghiệm mới về loại tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân này.
Một tên lửa 9M370 Burevestnik đang trên đường bay
Loại tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân này được thiết kế để tránh hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ. Sau khi được phóng, nó tiếp tục bay hàng giờ hoặc thậm chí vài ngày, lợi dụng tầm bắn “gần như không có giới hạn” của tên lửa, để tìm ra điểm yếu của mạng lưới phòng thủ chống tên lửa và hoàn thành nhiệm vụ tấn công chiến lược mà hầu hết các vũ khí trước đây không thể thực hiện được.
Nghe ra có vẻ rất hay, nhưng trên thực tế, trong hơn một năm sau khi công bố loại vũ khí này vào tháng 3 năm 2018, Nga đã không tiến hành thử nghiệm thêm về loại vũ khí này; nghĩa là “vũ khí cực hạn” này không có nhiều tiến triển có tính thực chất.
Tình trạng này mãi gần đây mới có sự thay đổi. Vào ngày 29 tháng 1, quân đội Nga đã tiến hành thêm một cuộc thử nghiệm về tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân tại Kapustin Yar, một trong những địa điểm thử nghiệm vũ khí lớn của Nga. Lần thử nghiệm cuối cùng lần trước là vào tháng 11 năm 2017, khi đó quân đội Nga đã phóng thử một tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân tại khu thử nghiệm Pan'kovo trên đảo Novaya Zemlya ở Bắc Cực. Khi đó, sau cuộc thử nghiệm, một vài tàu Nga thậm chí còn nhặt được các mảnh vỡ và vật liệu hạt nhân trên Biển Barents.
Tên lửa 9M370 Burevestnik cắt tầng đẩy phụ sau khi phóng
Tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân không phải do Nga phát minh đầu tiên. Công nghệ này có lịch sử lâu đời. Đầu những năm 1960, Mỹ đã cố gắng phát triển một tên lửa sức đẩy bằng năng lượng hạt nhân tương tự. Vào thời điểm đó, dự án được gọi là Dự án Pluto (Sao Diêm vương), với mục đích phát triển hệ thống tên lửa siêu âm đẩy bằng năng lượng hạt nhân độ cao thấp. Tên lửa năng lượng hạt nhân này của Mỹ được thiết kế để bay với vận tốc Mach 3.5 ở độ cao thấp rồi tiến công các mục tiêu của kẻ thù sau chuyến bay đường dài. Tuy nhiên, dự án Pluto cuối cùng đã bị bác bỏ vì hai lý do. Thứ nhất, sự xuất hiện của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa; thứ hai, không có cách nào để thực hiện các thử nghiệm bay thực tế mà không thải ra bức xạ độc hại.
Tương lai nào cho 9M370 Burevestnik?
Vậy bây giờ, người Nga phát triển một tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân như thế liệu có thể thành công? Nhất là, xem xét tên lửa đạn đạo liên lục địa hiện tại của Nga hiện tại rất mạnh so với tình hình Mỹ vào đầu những năm 1960, có cần thiết phải phát triển một tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân như vậy không?
Các chuyên gia tình báo Mỹ đã phân tích, các tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân của Nga không thể bay với tốc độ Mach 3.5, nhưng nó có một ưu thế vượt trội so với các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa: tầm bay gần như không có giới hạn, chưa từng có. Tên lửa hành trình hiện đại sử dụng động cơ phản lực turbin khí hoặc động cơ phản lực cánh quạt, thường chỉ có tầm bắn mấy ngàn km. Đó là giới hạn được quyết định bởi khả năng mang nhiên liệu của chúng. Tuy nhiên, tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân có thể bay lâu trong vài ngày và có thể di chuyển với đường bay phức tạp để khai thác các lỗ hổng của hệ thống phòng không đối phương.
Vụ cháy nổ hôm 8/8 tại Biển Trắng khiến 5 nhà khoa học Nga thiệt mạng được phương Tây cho là vụ thử nghiệm tên lửa 9M370 Burevestnik thất bại
Nga có thể phóng tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân từ lục địa Âu - Á, sau đó băng qua Thái Bình Dương, vòng qua Nam Mỹ rồi đi vào không phận Mỹ từ vùng vịnh. Tuyến đường tấn công này trước đây là không thể, nhưng nếu tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân được phát triển thành công sẽ trở thành hiện thực. Điều này sẽ buộc Mỹ phải tiến hành nâng cấp rất tốn kém cho mạng lưới phòng không của họ, bởi vì hệ thống phòng không này luôn cho rằng các cuộc không kích sẽ đến từ phía Bắc, phía Tây hoặc phía Đông, đối với phía Nam thì không cần đề phòng.
Tuy nhiên, cần xét đến sự phức tạp và nguy hiểm của động cơ hạt nhân. Hiện tại, tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân hiện đang được phát triển ở Nga chưa đạt tiêu chuẩn. Cho đến nay, nó mới chỉ thực hiện mấy vụ phóng thử nghiệm và các tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân vẫn đang trong giai đoạn phát triển rất dài. Tất nhiên, kết cục thực tế có thể không như điều ông Putin chờ đợi. Có thể cho đến cuối cùng nó vẫn không phát triển được và thậm chí có thể bị đem ra mặc cả và “chết luôn” trong các thỏa thuận kiểm soát vũ khí trong tương lai.