Ở một góc của công viên Vị Xuyên, trung tâm TP Nam Định, có một ngôi mộ rất đặc biệt mà hầu như người dân nào ở nơi đây cũng biết đến.
Đó chính là mộ của nhà thơ Tú Xương (Trần Tế Xương, 1870 - 1907), một nhà thơ lỗi lạc và là một đứa con ưu tú của mảnh đất Nam Định.
Ngôi tọa lạc tại mảnh đất xưa kia thuộc làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định - nơi chôn nhau cắt rốn của Tú Xương. Trong nhiều thập niên, mộ chỉ là một nấm đất nằm âm thầm bên hồ, đến mức đã lan truyền trong dân gian mấy vần thơ sau: Xè xè nấm đất bên hồ/ Hỏi ra mới biết rằng mồ Tú Xương!
Phải đến cuối năm 1989, mộ cụ Tú được xây mới trên nền mộ cũ và sau vài lần trùng tu thì có diện mạo như ngày nay, với các cấu trúc đá vững chãi và giàu thẩm mỹ.
Bốn mặt quanh mộ đều có bậc tam cấp lát gạch với bốn bồn hoa nằm ở bốn góc. Xung quanh là khoảng sân rộng rãi và thoáng đãng, luôn được che phủ bởi những tán cây xanh.
Trên mặt mộ là một phiến đá nằm nghiêng khắc tên nhà thơ cùng quê quán, năm sinh, năm mất.
Liền kề là tấm bia đá, với cả hai mặt bia đều có khắc thơ.
Mặt trước bia là hai câu trong bài thơ nổi tiếng "Sông lấp" của Tú Xương: "Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/ Giật mình lại tưởng tiếng ai gọi đò" (hiện có các ý kiến cho rằng phải thay chữ "lại" trong câu hai bằng chữ "còn" mới đúng nguyên tác thơ của cụ Tú).
Mặt sau bia là hai câu được cho là của cụ Nguyễn Khuyến khóc cụ Tú: "Kìa ai chín suối xương không nát/ Có lẽ ngàn thu tiếng vẫn còn".
Cách mộ nhà thơ Tú Xương không xa là hồ Vị Xuyên. Đây là phần còn sót lại của sông Vị Hoàng - con sông đã tạo cảm hứng cho nhà thơ thành Nam viết nên bài thơ bất hủ "Sông lấp".
Quốc Lê