Giải mã nguồn thu của những trường đại học 'nghìn tỉ' tại TP.HCM
Một số trường đại học có tổng nguồn thu lên đến hàng nghìn tỉ đồng nhưng trong đó, thu từ học phí chiếm đến hơn 90%, thậm chí 98%.
Thời điểm này, nhiều trường đại học (ĐH) tại TP.HCM đã công bố đề án tuyển sinh ĐH chính quy năm 2024. Trong đó, một trong những thông tin đáng chú ý, được nhiều người quan tâm là thông tin về học phí, tài chính của trường.
Không những thế, các thông tin về tài chính cũng được các cơ sở đào tạo ĐH cập nhật cụ thể trong thực hiện ba công khai theo quy định Bộ GD&ĐT.
Nguồn thu hàng nghìn tỉ đồng/năm
Cụ thể như theo đề án tuyển sinh năm 2024 của ĐH Kinh tế TP.HCM, năm 2024, ĐH này dự kiến tuyển sinh 7.900 chỉ tiêu cho 56 chương trình học tại TP.HCM và 630 chỉ tiêu cho 16 chương trình học tại phân hiệu tỉnh Vĩnh Long.
ĐH này cũng công bố thông tin tổng thu hợp pháp năm 2023 là hơn 1.679 tỉ đồng, chi phí đào tạo một sinh viên ở năm 2023 là 32,5 triệu đồng.
So với năm trước đó, nguồn thu này tăng hơn 200 tỉ đồng. Bởi theo công khai tài chính ở năm 2022, ĐH này có tổng thu hơn 1.440 tỉ đồng.
Còn tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, tổng nguồn thu của trường ở năm 2023 là hơn 1.010 tỷ đồng. Tổng chi phí đào tạo một sinh viên theo trường là 30,5 triệu đồng. Nguồn thu này tăng hơn 167 tỉ đồng so với năm trước đó.
Bên cạnh 2 trường này, tại TP.HCM còn có bốn trường ĐH khác thường nằm trong tốp có nguồn thu hàng năm cao nhất, lên đến cả nghìn tỉ đồng. Đó là Trường ĐH Văn Lang, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Trường ĐH Tôn Đức Thắng và Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.
Số trường này chiếm hơn một nửa số trường trên cả nước đạt tổng thu cao nhất vài năm trở lại đây.
Một số trường khác cũng có tổng thu cao, tiệm cận mức nghìn tỉ đồng này, như Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), tổng nguồn thu năm 2023 là 946,738 tỉ đồng, tăng hơn năm trước đó vài chục tỉ đồng. Chi phí đào tạo một sinh viên ở năm 2023 là 33,71 triệu đồng/năm học….
Chủ yếu thu từ học phí
Nhìn vào số liệu công khai tài chính từ các cơ sở đào tạo, những đơn vị có nguồn thu lớn hoặc là trường tư có quy mô đào tạo lớn, hoặc là trường công lập tự chủ tài chính. Bởi nguồn thu từ ngân sách không có hoặc chiếm tỉ lệ rất thấp nên yếu tố tạo nên nguồn thu “khủng” đó chủ yếu thu từ học phí của người học.
Cụ thể như theo thông tin công khai tài chính từ Trường ĐH Tôn Đức Thắng, tổng thu năm 2022 hơn 1.067 tỉ đồng, trong đó hơn 90% là nguồn thu từ học phí, với hơn 963 tỉ đồng.
Học phí của trường với bậc ĐH ở hệ đại trà là 24,6 đến 55,2 triệu đồng/năm học ở năm 2023-2024; chương trình chất lượng cao từ 48,5 đến 52,63 triệu đồng/năm học, chương trình đào tạo bằng tiếng Anh từ 73,4 đến 74,8 triệu đồng/năm. Đào tạo thạc sĩ có học phí từ 26,66 đến 31,32 triệu đồng/năm và tiến sĩ là 60,5 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, nguồn từ nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, chuyển giao tri thức và tài trợ của trường…đạt 56,5 tỉ đồng, chiếm chỉ hơn 0,05%; còn lại là nguồn thu hợp pháp khác và một phần nhỏ từ ngân sách nhà nước.
Tương tự, với Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, tổng thu năm học 2022-2023 hơn 1.162 tỉ đồng, trong đó đến hơn 98% nguồn thu từ học phí với hơn 1.141 tỉ đồng, Nguồn từ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và nguồn thu khác chỉ hơn 20 tỷ đồng, chiếm tỉ lệ không đáng kể.
Được biết, quy mô đào tạo của trường thời điểm này hơn 30.000 người học. Học phí hệ ĐH chính quy từ hơn 37,1 đến hơn 63,5 triệu đồng/năm học, thạc sĩ với học phí 48-54 triệu đồng/năm học và tiến sĩ là 67,5 triệu đồng/năm học.
Còn với Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH), năm học 2022-2023 trường có tổng thu từ học phí 1.145 tỉ đồng. Quy mô đào tạo của trường thời điểm này hơn 30.000 người học.
Mức học phí ở năm học này trường thu 33-40 triệu đồng/năm học với hệ ĐH chính quy, 50 triệu đồng/năm với đào tạo thạc sĩ và 80 triệu đồng/năm với đào tạo tiến sĩ.
Hay như theo số liệu từ Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, ở năm học 2022-2023, trường thu 843 tỉ đồng, trong đó học phí là 740 tỉ đồng, chiếm hơn 87%.
Khả quan hơn là từ ĐH Kinh tế TP.HCM khi ở năm 2022, tổng thu ĐH này là hơn 1.440 tỉ đồng nhưng trong đó học phí thu gần 961 tỉ đồng, chỉ chiếm khoảng 66,7%.
Trong khi đó, quy mô đào tạo của trường hơn 36.000 người học, riêng bậc ĐH hơn 31.000. Học phí ở bậc ĐH trường thu 16-35 triệu đồng/năm học, thạc sĩ là 30,75 triệu đồng/năm, tiến sĩ hơn 56,3 triệu đồng/năm.
Đáng chú ý, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của trường hơn 363 tỉ đồng, chiếm hơn 25%. Còn lại là một phần nhỏ từ ngân sách và nguồn thu hợp pháp khác.
Hay như tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), ở năm 2022-2023, tổng nguồn thu hơn 885 tỉ đồng, trong đó, học phí là hơn 561 tỉ đồng, chiếm hơn 63%. Cạnh đó là ngân sách hơn 129 tỉ đồng, chiếm hơn 14%; nghiên cứu khoa học chuyển giao công nghệ và nguồn khác gần 200 tỉ đồng, chiếm gần 22,6%.
Các trường ĐH đang phụ thuộc quá nhiều vào học phí
Hiện nay, cả nước có 244 cơ sở giáo dục ĐH, trong đó 172 cơ sở công lập; 67 cơ sở ngoài công lập.
Riêng tại TP.HCM có 57 cơ sở giáo dục ĐH, trong đó có 13 trường ngoài công lập.
Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam năm 2023, các trường ĐH công lập tại Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào học phí, tức là đóng góp của hộ gia đình và đang ngày càng tăng.
Như năm 2017, tỉ lệ này chiếm 57% nguồn thu của trường ĐH trong khi ngân sách nhà nước chỉ 24%. Đến năm 2021, hộ gia đình đóng góp đến 77% còn ngân sách chỉ chiếm 9%. Cụ thể các nguồn thu như sau:
PHẠM ANH