Giải mã những tuyên bố gây chấn động của Tổng thống Trump

Từ kế hoạch mua Greenland đến ý định sáp nhập Canada, các tuyên bố gần đây của ông Trump hé lộ một tầm nhìn địa chính trị đầy táo bạo, đậm dấu ấn học thuyết Monroe thế kỷ XXI.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái). Ảnh: AP/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái). Ảnh: AP/TTXVN

Theo kênh CNN ngày 25/1, các tuyên bố gây chấn động của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc có thể mua lại Greenland, sáp nhập Canada và kiểm soát Kênh đào Panama không chỉ là những phát ngôn thất thường, mà còn là biểu hiện sống động của một tư duy địa chính trị mang đậm dấu ấn của quan điểm "Nước Mỹ trên hết".

Quan điểm của ông Trump về “Nước Mỹ trên hết” là sử dụng sức mạnh của Washington để theo đuổi không ngừng các lợi ích quốc gia hẹp hòi, thậm chí bằng cách ép buộc các đồng minh nhỏ hơn.

Các chuyên gia cho rằng, Tổng thống Trump đang vật lộn với các thách thức an ninh quốc gia trong một thế giới mới được định hình bởi sự trỗi dậy của Trung Quốc, sự bất bình đẳng của toàn cầu hóa và sự bất đồng giữa các cường quốc. Ông Trump không chỉ đơn thuần là một nhà đầu tư bất động sản, mà còn là một nhà chiến lược với những ý đồ mở rộng ảnh hưởng của Mỹ.

Hal Brands, Giáo sư về các vấn đề toàn cầu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Nâng cao Johns Hopkins, nhận định rằng ông Trump đang hướng tới một "chủ nghĩa lục địa" có thể thay thế cho "chủ nghĩa toàn cầu" truyền thống. Các tuyên bố của ông Trump về Greenland hay Panama thực chất là một bản cập nhật táo bạo của Học thuyết Monroe năm 1823, nhằm chống lại ảnh hưởng của các cường quốc như Trung Quốc, Nga và Iran tại Tây bán cầu với tuyên bố: "Chúng tôi cam kết duy trì nền độc lập của mình khỏi sự xâm lấn của các thế lực nước ngoài". Chương trình Monroe thế kỷ 21 đặc biệt nhắm vào các mối quan hệ kinh tế, quân sự và tình báo của Trung Quốc tại các quốc gia như Venezuela, Bolivia, Nicaragua và Cuba.

Những cảnh báo không phải là lời nói suông

Khi được hỏi về khả năng sử dụng vũ lực để kiểm soát Kênh đào Panama hay Greenland, ông Trump không loại trừ khả năng này. "Tôi sẽ không loại trừ khả năng này, có thể Mỹ sẽ cần phải làm gì đó", Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump nói trong cuộc họp báo tại Mar-a-Lago ở Florida.

Thậm chí, ông còn gợi ý sẽ đánh thuế Đan Mạch ở mức cao nếu không đạt được nhượng bộ về Greenland, và mô tả việc trao trả Kênh đào Panama năm 1999 là một sai lầm. Ông Trump khẳng định Mỹ "đã trao Kênh đào Panama cho Panama. Chúng tôi không trao nó cho Trung Quốc, và họ đã lạm dụng nó".

Những tuyên bố này phản ánh triết lý cốt lõi của Tổng thống Trump: mỗi quốc gia nên theo đuổi lợi ích của mình một cách đơn phương, với sự quyết đoán và không khoan nhượng. Ông Trump từng tự hào tuyên bố tại Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2020: "Tôi đặt nước Mỹ lên trên hết, và các bạn cũng nên đặt quốc gia của mình lên trên hết".

Quan điểm của ông cũng thể hiện nguyên tắc “Nước Mỹ trên hết” là sử dụng sức mạnh của Washington để theo đuổi không ngừng các lợi ích quốc gia hẹp hòi, thậm chí bằng cách ép buộc các đồng minh nhỏ hơn.

Trước bối cảnh này, phản ứng từ các quốc gia bị nhắm đến là sự lo ngại. Thủ tướng Canada Justin Trudeau công khai chỉ trích: "Không có một cơ hội nào về việc Canada sẽ trở thành một phần của Mỹ". Về phần mình, Aaja Chemnitz, nghị sĩ Quốc hội Đan Mạch, cho biết người dân Greenland cảm thấy "khá đáng sợ và khó chịu" trước những tuyên bố của ông Trump.

Hệ quả ngoại giao

Các chuyên gia cảnh báo rằng cách tiếp cận này là một rủi ro lớn và có vẻ như sẽ đi ngược lại luật pháp quốc tế. Và ông Trump có thể làm tổn hại đến quyền lực của nước Mỹ bằng cách phá hoại các liên minh được xây dựng qua nhiều thế hệ và bị bạn bè xa lánh. Một số chuyên gia chính sách đối ngoại thậm chí còn lo ngại rằng các mối đe dọa và áp lực của Mỹ ở Mỹ Latinh thực sự có thể đẩy các quốc gia xích lại gần Trung Quốc hơn.

CNN lưu ý, ông Trump khó có thể đạt được điều mình muốn với Canada, Panama hay Greenland. Vì vậy, chiến lược của ông có thể hướng đến việc đạt được những thỏa thuận tốt hơn cho Mỹ - có thể là giảm giá cho các tàu thuyền của Mỹ đi qua tuyến đường thủy quan trọng giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, Mỹ tiếp cận nhiều hơn với các khoáng sản đất hiếm ở Greenland, cũng như một thỏa thuận thương mại mới với Canada có thể mang lại lợi thế cho các nhà sản xuất Mỹ.

Tổng thống Trump sẽ mô tả bất kỳ điều nào trong số này là một chiến thắng lớn mà chỉ ông mới có thể đạt được, ngay cả khi chúng kết thúc không giống kỳ vọng như hiệp ước Mỹ-Mexico-Canada trong nhiệm kỳ đầu của ông.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo CNN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/giai-ma-nhung-tuyen-bo-gay-chan-dong-cua-tong-thong-trump-20250126100918527.htm