Video drone và robot chó bắn nhau bằng pháo hoa khơi dậy cuộc thảo luận tương lai chiến tranh không người lái
Video máy bay không người lái và robot chó bắn pháo hoa vào nhau lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội Trung Quốc, khơi dậy các cuộc thảo luận sôi nổi về tương lai của chiến tranh không người lái.
Trong video, máy bay không người lái với pháo hoa được gắn vào càng hạ cánh bắt đầu bắn vào robot chó trên mặt đất. Robot chó di chuyển tới lui, né pháo hoa và bắn trả máy bay không người lái bằng pháo hoa gắn trên lưng.
Tại một thời điểm, máy bay không người lái bắt đầu bay vòng quanh robot chó, buộc nó phải di chuyển để đối phó với mối đe dọa mới.
Chưa rõ máy bay không người lái và robot chó này được điều khiển từ xa hay hoạt động tự động. Vị trí quay video dài 10 giây này cũng không được tiết lộ. Máy bay không người lái dường như là mẫu DJI T-series dùng trong nông nghiệp, còn robot chó có vẻ thuộc dòng Go do Unitree Robotics sản xuất. Unitree Robotics là công ty phát triển robot có trụ sở tại thành phố Hàng Châu, Trung Quốc.
Cuộc đối đầu này đã nhận được hàng triệu lượt xem và hàng chục nghìn lượt thích trên mạng xã hội, với nhiều người liên tưởng đến chiến tranh hiện đại ngoài đời thực.
“Một video như thế này chắc chắn sẽ đi vào lịch sử. Nó sẽ được ghi nhớ như cuộc ‘chiến máy móc’ đầu tiên”, một người dùng mạng xã hội bình luận.
Một người khác cho rằng video có thể là dấu hiệu của “mối đe dọa tiềm tàng sắp xảy ra”.
“Với những người không biết, nó giống như pháo hoa mừng năm mới. Song với những người hiểu rõ, đây là bình minh của chiến tranh hiện đại được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI)”, người này viết.
Một số người bình luận việc kiểm soát không phận là yếu tố then chốt, trong khi có người lập luận rằng robot chó vượt trội trong việc di chuyển qua các địa hình phức tạp. Những người khác còn gợi ý kết hợp cả hai: Triển khai robot chó thông qua việc vận chuyển bằng máy bay không người lái để đáp ứng các nhu cầu hoạt động tại những khu vực xa xôi hoặc địa hình hiểm trở.
Các hệ thống không người lái ngày càng thay đổi diện mạo chiến tranh hiện đại. Tháng trước, Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết đã cung cấp hơn 1,2 triệu máy bay không người lái cho các lực lượng vũ trang trong năm 2024. Theo hãng tin Reuters, Nga dự kiến sản xuất gần 1,4 triệu máy bay không người lái trong cùng năm 2024. Cả hai nước thường xuyên báo cáo về việc triển khai hàng trăm máy bay không người lái trong các cuộc tấn công đồng loạt.
Ngành công nghiệp máy bay không người lái được các nhà hoạch định chính sách công nghiệp của Trung Quốc coi là một lĩnh vực chiến lược quan trọng. Trong khi quân đội nước này đã đặt mục tiêu nâng cao khả năng chiến đấu của các phương tiện bay không người lái, thậm chí bắt đầu triển khai robot chó ở các cuộc tuần tra và diễn tập.
Trong cuộc tập trận quân sự chung Rồng Vàng giữa Trung Quốc và Campuchia vào tháng 5.2024, quân đội Trung Quốc đã trình diễn hai mẫu robot chó B1 và Go2 do Unitree Robotics sản xuất. Các robot chó này được thiết kế cho các nhiệm vụ trinh sát và tấn công trên chiến trường.
Tại triển lãm hàng không Chu Hải hồi tháng 11.2024, China North Industries Group Corporation (Norinco) đã giới thiệu robot sói của mình, có khả năng đảm nhiệm các vai trò chuyên biệt như trinh sát, vận chuyển và tấn công trong các chiến dịch bầy đàn.
China North Industries Group Corporation (Norinco) là tập đoàn công nghiệp quốc phòng lớn của Trung Quốc, thuộc sở hữu nhà nước. Đây là một trong những nhà cung cấp thiết bị quân sự, vũ khí, công nghệ quốc phòng hàng đầu tại Trung Quốc và trên thế giới.
Một phát ngôn viên Unitree Robotics trước đây khẳng định rằng các sản phẩm của họ chỉ nhằm mục đích sử dụng dân sự.
Trung Quốc hạn chế xuất khẩu máy bay không người lái
Trong khi đó, Trung Quốc đã thắt chặt các hạn chế với việc xuất khẩu máy bay không người lái và các linh kiện có thể được sử dụng cho mục đích quân sự, khẳng định rằng nước này phản đối “việc sử dụng máy bay không người lái dân sự cho các mục đích phi hòa bình”.
Các quy định được Trung Quốc công bố đầu tháng 8.2024 và thực hiện dưới dạng hai lệnh mới. Lệnh đầu tiên yêu cầu các nhà xuất khẩu máy bay không người lái Trung Quốc phải xin giấy phép trước khi vận chuyển một số sản phẩm và các linh kiện chính ra nước ngoài. Lệnh thứ hai đặt trách nhiệm đánh giá xem các nhà sản xuất máy bay không người lái có khả năng được sử dụng cho "phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, hoạt động khủng bố hoặc mục đích quân sự".
Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết các quy tắc này bổ sung cho các biện pháp kiểm soát xuất khẩu máy bay không người lái từng được ban hành vào năm 2015, thiết kế để kiềm chế nguy cơ chuyển đổi một số máy bay không người lái dân dụng có hiệu năng cao và đặc tính chuyên nghiệp sang mục đích quân sự.
“Là nước sản xuất và xuất khẩu máy bay không người lái lớn, Trung Quốc quyết định mở rộng mức độ kiểm soát xuất khẩu máy bay không người lái một cách tương đối dựa trên quá trình đánh giá và chứng minh đầy đủ”, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết.
DJI (có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc) cho biết kể từ tháng 4.2022, công ty đã tạm dừng mọi hoạt động kinh doanh tại Nga và Ukraine, liên tục nhấn mạnh rằng các sản phẩm của mình được thiết kế chỉ để sử dụng cho mục đích dân sự và lên án mọi hành vi lạm dụng công nghệ của họ cho mục đích quân sự.
DJI đã vướng vào tranh cãi sau khi máy bay không người lái của họ được phát hiện trên chiến trường ở Ukraine. Công ty đã tạm dừng các hoạt động kinh doanh tại Nga và Ukraine một tháng sau khi xảy ra cuộc chiến giữa hai nước này.
DJI trở thành công ty lớn đầu tiên của Trung Quốc viện dẫn lý do xung đột để ngừng bán hàng tại Nga.
Các quan chức Ukraine từng cáo buộc DJI làm rò rỉ dữ liệu về quân đội Ukraine cho Nga. Đây là cáo buộc mà công ty này gọi là "hoàn toàn sai sự thật".
Một phát ngôn viên của DJI nói việc ngừng kinh doanh ở Nga và Ukraine "không phải để đưa ra tuyên bố về bất kỳ quốc gia nào, mà là về các nguyên tắc của chúng tôi".
"DJI phản đối bất kỳ việc sử dụng máy bay không người lái nào của chúng tôi để gây hại và chúng tôi đang tạm ngừng bán hàng ở hai quốc gia này để đảm bảo không ai sử dụng máy bay không người lái của chúng tôi trong chiến đấu", DJI thông báo.
Quân đoàn robot chó của Trung Quốc có tiềm năng chống khủng bố, giải cứu con tin
Quân đoàn robot chó đã được Trung Quốc sản xuất từ đầu năm 2024, với hầu hết cỗ máy bốn chân này trở thành thú cưng điện tử mới lạ hoặc thực hiện các nhiệm vụ đơn giản, chẳng hạn mang đĩa cho vận động viên điền kinh. Thế nhưng, video do quân đội Trung Quốc công bố thông qua truyền thông nhà nước những năm gần đây cho thấy một số robot chó này được trang bị vũ khí và đưa vào các cuộc tập trận quân sự trực tiếp.
Các nhà phê bình đánh giá video là tuyên truyền, cho rằng cấu tạo nhỏ bé sẽ khiến những robot chó không phù hợp để xử lý độ giật của súng tiêu chuẩn, chứ đừng nói đến việc bắn súng với tốc độ và độ chính xác của một người lính được huấn luyện.
Tuy nhiên, những người khác nhìn thấy tiềm năng to lớn của công nghệ mới nổi này và cho rằng robot chó có thể cách mạng hóa chiến tranh trong tương lai.
Thủy quân lục chiến Mỹ đã mua một số con để đánh giá hiệu quả chiến đấu của robot chó do Trung Quốc sản xuất vào năm 2023.
Nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc cho thấy những robot chó này có thể bắn tốt hơn cả binh lính dày dạn kinh nghiệm khi sử dụng súng.
“Nghiên cứu chứng minh tính khả thi của một nền tảng tấn công có chân”, nhà khoa học hàng đầu Xu Cheng và nhóm của ông viết trong một bài báo được bình duyệt trên Tạp chí Kỹ thuật Trung Quốc.
Một bài báo đã được bình duyệt là được đánh giá bởi các chuyên gia trong lĩnh vực đó trước khi xuất bản. Quá trình bình duyệt nhằm đảm bảo rằng bài báo đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng cao về nội dung và hình thức. Các bài báo được bình duyệt thường được xuất bản trên tạp chí khoa học uy tín.
Xu Cheng là giáo sư kỹ thuật cơ khí tại Đại học Khoa học và Công nghệ Nam Kinh. Ông cũng là Phó chủ tịch Hiệp hội Vũ khí hạng nhẹ Trung Quốc. Đại học Khoa học và Công nghệ Nam Kinh từ lâu đã bị Mỹ đưa vào danh sách đen do có mối quan hệ chặt chẽ với Quân đội Trung Quốc.
Xu Cheng và các đồng nghiệp của ông viết trong bài báo trên Tạp chí Kỹ thuật Trung Quốc: “Chiến tranh đô thị, bao gồm các hoạt động chống khủng bố, nhiệm vụ giải cứu con tin cũng như việc giải phóng đường phố và các tòa nhà, đã dần trở nên nổi bật như một khía cạnh cơ bản của xung đột đương đại. Cảnh quan đô thị, với mê cung những con phố giao nhau và những tòa nhà cao chót vót chen chúc nhau, đặt ra những thách thức đặc biệt cho các nền tảng chiến đấu không người điều khiển. Các nền tảng này phải vượt qua địa hình không có cấu trúc và thực hiện các hành động phức tạp như di chuyển, leo trèo và nhảy, khiến các thiết kế bánh xe và bánh xích truyền thống trở nên không phù hợp.
Các nền tảng bốn chân, dựa trên nguyên tắc sinh học, có thể sử dụng những điểm hỗ trợ mặt đất độc lập để nâng cao tính cơ động và khả năng thích ứng trong môi trường chiến đấu đô thị phức tạp”.
Các quốc gia khác cũng đã thử sử dụng robot chó trong chiến đấu. Ngay từ năm 2015, hãng Boston Dynamics đã phát triển một robot bốn chân khổng lồ cho quân đội Mỹ. Song do tiếng ồn quá lớn và những hạn chế khác, công nghệ này chưa bao giờ vượt quá giai đoạn thử nghiệm.
Đến năm 2020, Boston Dynamics giới thiệu Spot, mẫu robot chó dân sự có giá từ 70.000 USD đến 140.000 USD.
Ở Trung Quốc, ban đầu robot chó của nước này tụt hậu so với các đối tác Mỹ về tiến bộ công nghệ. Thế nhưng, khoảng cách đó đã thu hẹp đáng kể những năm gần đây.
Chó robot Trung Quốc giờ đây có thể đi lên cầu thang, thực hiện các động tác nhào lộn như lộn ngược, vượt qua bãi rác hoặc rừng nhiệt đới và duy trì hoạt động chạy liên tục trong gần 4 giờ khi mang vật nặng 20kg.
Thêm vào đó, nhờ ngành công nghiệp điện tử đang phát triển và chuỗi công nghiệp hoàn chỉnh của Trung Quốc, giá một con robot chó đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất là 3.000 USD, ít hơn cả mức giá 4.000 USD của một bộ pin dành cho Spot. Song, điều này không có nghĩa là robot chó Trung Quốc sẵn sàng chiến đấu ngay khi ra khỏi nhà máy.