'Giải mã' sát thủ cuồng ghen và kỹ năng thoát hiểm
Thời gian qua, liên tiếp xảy ra những vụ giết người mà những nạn nhân đều là những người vợ, người yêu của hung thủ. Chuyên gia tâm lý học tội phạm Đào Trung Hiếu đã có những kiến giải dưới góc độ tâm lý xã hội, đồng thời có những khuyến cáo về kỹ năng để nạn nhân tự bảo vệ...
Sống không mục đích dễ lệch chuẩn
Con người dưới góc nhìn xã hội là sản phẩm của hoàn cảnh, môi trường sống. Nói chính xác hơn hành vi ứng xử của con người là kết quả từ sự tương tác giữa các đặc điểm tâm lý cá nhân và môi trường sống. Môi trường sống tác động đến những người phạm tội ở hai khía cạnh. Về mặt lâu dài, được sinh ra, lớn lên trong môi trường, nếu bị ảnh hưởng những yếu tố tiêu cực, con người sẽ hình thành một nhân cách lệch lạc. Nhân cách đó, trong những hoàn cảnh điều kiện cụ thể, tức thời cũng tiêu cực sẽ làm nảy sinh ý định thực hiện tội phạm. Những hoàn cảnh đó có thể là thất tình, ghen tuông, tranh chấp tài sản, khó khăn kinh tế...
Tuy nhiên, vẫn phải khẳng định rằng những hoàn cảnh khó khăn tức thời đó không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hành vi phạm tội. Chính sự suy thoái về nhân cách mới là nguyên nhân trực tiếp quyết định một ai đó có thực hiện hành vi phạm tội hay không.
Với giới trẻ hôm nay, họ đang bị tác động chi phối và có “nhiều điều kiện” để có những hành vi lệch chuẩn.
Nhưng điều tôi muốn đề cập đó chính là lối sống của giới trẻ. Rất nhiều bạn trẻ ngày nay sống không có mục đích, sống “mờ nhạt”. Không nhiều người trẻ có thể trả lời được câu hỏi “sinh ra để làm gì” nếu không nói là họ chưa từng đặt ra cho mình câu hỏi đó.
Bên cạnh đó, nhóm xã hội này đang chịu những tác động rất xấu của môi trường, đó là văn hóa phẩm đồi trụy, độc hại, các trò game online bạo lực. Những thứ nảy dễ làm người trẻ đắm chìm và hành động theo thói quen trong thế giới ảo.
Trong khi đó, giới trẻ, do đặc điểm thể chất, lứa tuổi lại tràn đầy hay nói đúng hơn là dư thừa năng lượng. Họ luôn có nhu cầu “làm điều gì đó” và nếu những năng lượng đó không được đặt đúng chỗ, không được dành cho những mục đích đúng đắn như học tập, phấn đấu, rèn luyện, rất dễ trở nên “phá phách”, quá đà, lệch chuẩn.
Hiện tượng lệch lạc trong tâm lý của một số bạn trẻ ngày nay, muốn hiểu nó phải tính đến các yếu tố tiêu cực từ môi trường xã hội làm nảy sinh một số hiện tượng lệch chuẩn. Ví dụ như hiện tượng cuồng mộ Khá “Bảnh”, Diệp Minh Tuyền... Đây chính là sự lệch lạc thang giá trị dẫn đến một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ có lối sống ích kỷ, thiếu trách nhiệm với tương lai, thiếu trách nhiệm với gia đình, cộng đồng và với bản thân mình.
Cũng chính lối sống không mục đích, nhạt nhòa khiến con người không hiểu hết giá trị cuộc sống thậm chí coi thường chính cuộc sống của mình vô trách nhiệm với cuộc sống của mình và đỉnh điểm đó là sự coi thường sinh mạng chính mình.
Và một người coi thường cả sinh mạng chính mình thì chắc chắn họ không thể quý trọng sinh mạng đồng loại. Thực tế những vụ án gần đây, đối tượng thường ra tay tàn độc với người khác, đoạt mạng họ và sau đó cũng tự mình tìm lấy cái chết.
Những người sống không có mục đích, có thể thường ngày với hàng xóm với những người xung quanh họ khá bình thường, thậm chí hiền lành. Tuy nhiên, khi bản thân họ sống không có mục đích đồng nghĩa họ rất dễ bị tác động để lệch ra khỏi “quỹ đạo sống” hàng ngày. Chính vì vậy trong nhiều vụ án, sau khi đối tượng gây án, hàng xóm cảm thấy bất ngờ, bàng hoàng...
Nhưng tất nhiên, khi nói đến giới trẻ, chúng ta cũng phải thừa nhận họ là sản phẩm của cả một nền giáo dục còn rất nhiều vấn đề đáng nói. Chúng ta có rất nhiều lỗ hổng trong lời giải bài toán xây dựng con người.
Lối sống phổ biến của xã hội hiện nay là coi trọng giá trị vật chất, thực dụng, cá nhân chủ nghĩa. Trên cái nền tâm lý chung đó, lại gặp hàng loạt yếu tố bất lợi khác tác động lên tâm lý: Đó là những khó khăn về kinh tế, thất nghiệp, phân tầng xã hội bất hợp thức, hố ngăn cách giàu nghèo, tiêu cực, tham nhũng, làm ăn bất chính... làm nghèo đi nguồn lực đất nước, xói mòn lòng tin... dẫn đến tâm lý đố kỵ, bị đè nén, không lối thoát, tiêu cực.
Cuộc sống khó khăn, đẩy con người vào trạng thái hoạt động cường độ cao để kiếm sống, dẫn đến mệt mỏi, căng thẳng, áp lực cũng là nguyên nhân dẫn đến cách hành xử mang tính bạo lực. Vì vậy khi nảy sinh mâu thuẫn bức xúc, họ có thiên hướng chọn giải pháp “tự xử”, dùng bạo lực để giải quyết chứ không làm theo đòi hỏi của pháp luật.
Kỹ năng yêu và kỹ năng... chia tay
Tôi muốn lưu ý các cặp đôi có mâu thuẫn tình ái, đặc biệt trong giai đoạn chia tay, xuất phát từ trạng thái cuồng ghen và thái độ ứng xử không đúng đã dẫn đến những vụ án mạng đau lòng mà chúng ta đã chứng kiến trong những ngày qua. Một điểm chung rất dễ nhận thấy ở các đối tượng gây án là họ có vấn đề về mặt tâm lý, chủ yếu là ghen tuông tình ái, tâm lý ức chế vì không được thỏa mãn mong muốn theo đuổi người mình thích song lại không biết cách tự giải tỏa. Khi chia tay, một bên muốn chấm dứt quan hệ, một bên lại muốn níu kéo, duy trì quan hệ yêu đương đã không còn. Vì thế gây bức xúc tâm lý cho cả hai bên, nhưng thường thì bên níu kéo sẽ bức xúc hơn.
Thiếu hụt kỹ năng sống, không có kỹ năng ứng xử văn hóa, không làm chủ được kỹ năng dẫn đến đổ vỡ các mối quan hệ, đặc biệt là khi yêu. Đến khi chia tay, sự lệch lạc trong nhận thức và thái độ sống lại một lần nữa đẩy những người này đến những hành vi thiếu kiểm soát. Thực ra chuyện chia tay trong quan hệ tình cảm cũng là việc bình thường trong cuộc sống. Một mối quan hệ chỉ đem lại những mâu thuẫn xung đột thì cũng cần chấm dứt. Nhưng với một số những kẻ ích kỷ mang sẵn sự lệch lạc trong nhân cách, họ sẽ coi đó là sự xúc phạm, là sự sỉ nhục, cần phải trừng phạt, phải trả thù đối tượng đã dám “coi thường” mình. Đây chính là biểu hiện rõ nhất của sự ích kỷ, thiếu tôn trọng người khác.
Về phía các cô gái, họ cũng cần được học hỏi trang bị về kỹ năng ứng xử văn hóa trong tình yêu và khi chia tay. Đối với những đối tượng có biểu hiện ích kỷ, lệch chuẩn, họ phải có những ứng xử đặc biệt.
Chẳng hạn khi thấy đối tượng có những dấu hiệu của hành vi tội ác như nói lời hăm dọa, đe dọa, chặn đường uy hiếp... thì nên nói với người thân như cha mẹ, thầy cô, nhà trường, thậm chí nói với bố mẹ anh ta để được giúp đỡ, góp phần hóa giải những ức chế tâm lý của đối tượng. Tuyệt đối không nên âm thầm chịu đựng hoặc coi như không có chuyện gì xảy ra. Cần phải có ai đó nói với đối tượng rằng những hành vi ứng xử như vậy là sai trái. Nếu như hành vi đó không dừng lại thì phải báo với cơ quan công an để kịp thời can thiệp, ngăn chặn.
Trong khi yêu và chia tay, các cô gái nên có thái độ yêu đương lành mạnh, trong sáng. Khi chia tay tránh tuyệt đối không làm tổn thương đến nhau. Giai đoạn chia tay rất nhạy cảm, người ta trượt từ trạng thái hưng phấn sang trạng thái kia tiêu cực, dễ nảy sinh những hành vi kích động, cảm xúc tiêu cực ức chế rất khó kiểm soát. Nếu không có những phương pháp ứng xử khéo léo, phù hợp thì rất dễ kích động “con quỷ dữ” đang ngủ yên trong đáy sâu của những nhân cách bất ổn.
Biểu hiện tâm lý của mỗi kẻ phạm tội là khác nhau, nhưng vẫn có những dấu hiệu chung dễ nhận thấy, nếu người nào tinh ý, nhạy cảm và có thái độ quan sát tốt là cảm nhận được. Trong nhiều trường hợp, đối tượng trước khi “ra tay” thường có những lời đe dọa nạn nhân. Vậy nên điều cần làn làm tránh hết sức cơ hội đối mặt 1-1 với đối tượng. Trong các cuộc tranh cãi, nếu đối tượng có hành vi bất thường, tấn công hay gây bạo lực thì không nên tranh cãi gay gắt hay cự tuyệt thẳng thừng mà phải mềm mại khéo léo hóa giải, hoãn binh, tìm cơ hội thoát khỏi cục diện nguy hiểm và chạy trốn, kêu cứu hay có những giải pháp chủ động khác.
Trong trường hợp đối tượng quyết tâm duy trì ý định giết hại đến cùng, để bảo vệ mình, các cô gái nên trang bị thêm võ thuật tự vệ. Đây là sự thật, kể cả trong đời sống thường ngày, con gái vẫn nên học võ để phòng thân. Trong tình huống nguy hiểm, biết võ thuật sẽ giúp họ thoát thân, bảo vệ được mạng sống.