Giải mã sức hút ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam
Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa tiềm năng lớn để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, với sự tham gia của hàng loạt tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. Mặc dù cơ hội để phát triển là rất lớn, tuy nhiên những thách thức, khó khăn cũng không nhỏ.
Hàng loạt tập đoàn công nghệ toàn cầu muốn đầu tư hợp tác
Công nghiệp bán dẫn được xem là ngành công nghiệp nền tảng và trọng yếu Quốc gia trong vòng 30-50 năm tới. Việt Nam đã xây dựng chiến lược Quốc gia về công nghiệp bán dẫn. Đây cũng là ngành được Thủ tướng Chính phủ mong muốn phát triển đột phá trong thời gian tới.
Trong những năm gần đây, một số công ty công nghệ trong nước như FPT, Viettel, VNPT… đang nỗ lực tham gia hệ sinh thái hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam. Thậm chí các ngành phụ trợ cũng nhìn thấy cơ hội lớn từ thị trường này. Các nhà cung cấp lớn trong lĩnh vực công nghệ cao như Samsung, Intel, Foxconn... đã có mặt tại Việt Nam.
Trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Mỹ, 2 bên đặc biệt nhấn mạnh hợp tác đột phá là đổi mới sáng tạo và công nghệ cao. Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Mỹ về phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden (tháng 9/2023). Gần đây, các tập đoàn sản xuất vi mạch bán dẫn hàng đầu thế giới như NVIDIA, Intel, Samsung… đã có nhiều chuyến thăm, làm việc, khẳng định sự quan tâm, đẩy mạnh nghiên cứu cơ hội đầu tư, phát triển, hướng tới xây dựng các trọng điểm sản xuất bán dẫn tại Việt Nam.
Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam Ramachandran cho rằng, việc các doanh nghiệp nước ngoài đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam xuất phát từ môi trường đầu tư có nhiều thuận lợi. Bên cạnh đó, Việt Nam rất hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài bởi có trữ lượng đất hiếm lớn thứ 2 thế giới, nhưng chưa được khai thác.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Việt Nam có một số lợi thế chính để khẳng định mình đã sẵn sàng cho ngành công nghiệp bán dẫn, như quyết tâm chính trị cao; môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; lực lượng lao động có chất lượng; có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với hầu hết các nước có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển.
Chính phủ đã xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn và đưa vào danh sách các ngành, lĩnh vực được hưởng các ưu đãi cao nhất theo pháp luật về đầu tư từ chính sách thuế đến các hỗ trợ đầu tư chuyên biệt. Ngoài ra, Chính phủ khuyến khích hợp tác và đầu tư từ các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn thông qua việc ký kết các thỏa thuận thương mại và hợp tác kỹ thuật, cũng như việc cung cấp hỗ trợ tài chính và hợp tác nghiên cứu.
Mặt khác, với lợi thế nằm ở trung tâm Đông Nam Á, giúp Việt Nam dễ dàng kết nối với các thị trường lớn trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia. Điều này làm cho Việt Nam trở thành điểm lý tưởng để thiết lập cơ sở sản xuất và phân phối bán dẫn cho khu vực. Ngoài ra, với vị trí địa lý tiếp giáp với Trung Quốc và Ấn Độ (2 thị trường lớn với nhu cầu cao về sản phẩm công nghệ, sẽ giúp Việt Nam có thể tận dụng để mở rộng xuất khẩu và thu hút đầu tư từ các công ty muốn tiếp cận những thị trường này.
Cần cách tiếp cận đột phá, nhanh chóng
Trong bối cảnh chuỗi giá trị bán dẫn đang dần dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á, Việt Nam có đầy đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn. Đây là cơ hội và cũng là thách thức với Việt Nam, khi đòi hỏi phải có hạ tầng, thể chế và nhân lực phù hợp để đáp ứng yêu cầu phát triển, thu hút đầu tư ngành công nghiệp bán dẫn.
Thực tế, cơ sở hạ tầng và logistics để hỗ trợ các ngành công nghiệp, nhất là ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam còn nhiều hạn chế. Theo Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2023, nhóm chỉ số cơ sở hạ tầng tại Việt Nam chỉ đứng thứ 71/132 quốc gia. Thách thức nữa đối với ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam chính là nguồn nhân lực chất lượng cao. Sự thiếu hụt nhân tài có kỹ năng, kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến là một rào cản rất lớn.
Theo báo cáo từ Bộ TT&TT, nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin, công nghiệp số của Việt Nam khoảng 150.000 kỹ sư/năm, nhưng hiện mới đáp ứng được 40-50%. Trong đó, riêng nhu cầu nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn chỉ đáp ứng khoảng 20%.
Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương Vũ Quang Hùng đánh giá, để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam thì đòi hỏi rất nhiều công đoạn phức tạp, đầu tư lớn và trình độ nguồn nhân lực rất cao, đặc biệt là trong khâu thiết kế. Trong ngành công nghiệp bán dẫn, quy trình sản xuất gồm các khâu là thiết kế, sản xuất và đóng gói, kiểm tra. Việt Nam đã tham gia ngành công nghiệp bán dẫn từ rất lâu nhưng chỉ được ở khâu đóng gói, kiểm tra cho một số nhà sản xuất chíp như intel... Chíp bán dẫn có rất nhiều chủng loại, tính năng và độ phức tạp khác nhau, Việt Nam chỉ mới đáp ứng được trong khâu đóng gói các loại chíp đơn giản.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái cho rằng, để vượt qua những thách thức đồng thời hướng đến mục tiêu trở thành một trung tâm về thiết kế, dịch vụ thiết kế, đóng gói và kiểm thử, Việt Nam phải có cách tiếp cận đột phá, khai thác tối đa lợi thế của nước đi sau. Xác định rõ mục tiêu để tập trung nguồn lực phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn giai đoạn đến năm 2030 và 2050.
Đồng thời, cần xây dựng hệ sinh thái công nghiệp vi mạch bán dẫn nhằm kết nối các viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp. Hình thành một số trung tâm nghiên cứu mạnh về vi mạch bán dẫn. Thu hút đầu tư theo hướng doanh nghiệp nước ngoài là cầu nối hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn toàn cầu, có đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam…
Đặc biệt, cần đẩy mạnh hoạt động đào tạo, gia tăng nhanh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/giai-ma-suc-hut-nganh-cong-nghiep-ban-dan-tai-viet-nam.html