Giải mã sức mạnh của Beechcraft King Air – 'ngựa thồ trên không' của quân đội Mỹ

Không chỉ được sử dụng nhiều ở Mỹ, Beechcraft King Aircòn được cung cấp cho các đồng minh như Anh, Nhật Bản, Indonesia, Israel và các nước NATO.

Beechcraft King Air 90A phục vụ một hãng hàng không y tế tư nhân của Mỹ. (Nguồn: Top War)

Beechcraft King Air 90A phục vụ một hãng hàng không y tế tư nhân của Mỹ. (Nguồn: Top War)

Được biết, dòng máy bay Beechcraft King Air đã phục vụ Không quân Mỹ hơn 55 năm. Trải qua nhiều lần hiện đại hóa, dòng máy bay này đang được đánh giá là một trong những mẫu máy bay hiện đại nhất hiện nay.

Ước tính, đã có khoảng 7.000 chiếc được sản xuất liên tục kể từ thời điểm ra mắt.

Lịch sử ra đời

Đầu những năm 1960, Tập đoàn Beechcraft bắt đầu lên ý tưởng phát triển một loại máy bay đa năng hạng nhẹ. Ý tưởng này lấy cảm hứng dựa trên hình mẫu của chiếc máy bay hai động cơ Beech Queen Air (đã ngừng sản xuất vào năm 1967). Giống nhưngười tiền nhiệm, Beechcraft King Aircũng là loại máy bay đa năng nhưng có hai động cơ phản lực cánh quạt hạng nhẹ với thiết bị hạ cánh có thể thu phóng vào bên trong linh hoạt.

Tất cả các mẫu Beechcraft King Air chia thành hai nhóm lớn: King Air (bao gồm mẫu 90 và 100) và Super King Air (bao gồm các mẫu 200, 300/350). Kể từ năm 1996, nhà sản xuất đã khai tử dòng Super King Air nên sau đó dòng này được đặt đơn giản là Beechcraft King Air 350 hay King Air 200.

Vì nhằm phục vụ cho lợi ích của quân đội Mỹ nên ban đầu Beechcraft King Air được ưu tiên sử dụng làm máy bay chở nhân viên, quân nhân. Sau này, dòng máy bay này còn tham gia cả các hoạt động vận tải hàng không hạng nhẹ. Dần dần, King Air đã trở thành máy bay đa dụng, hội tụ những ưu điểm lý tưởng và đạt được sự cân bằng giữa hiệu suất tốt, chi phí mềm và đặc tính dễ sử dụng.

Beechcraft King Air bay nhanh hơn và cao hơn so với loại máy bay chạy bằng piston khác cùng hãng, đặc biệt là khả năng cất cánh và hạ cánh tại các sân bay nhỏ và từ các đường băng ngắn, kể cả những sân bay không trải nhựa và sân bay dã chiến.

Linh hoạt theo từng mục tiêu nhiệm vụ

Mẫu máy bay Beechcraft King Air bắt đầu được sản xuất hàng loạt từ năm 1964 và được quân đội Mỹ sử dụng tích cực để giải quyết nhiều nhiệm vụ khác nhau. Ngoài chức năng vận tải và vận chuyển binh lính - hành khách, máy bay có thể thực hiện các nhiệm vụ càn quét, tiến hành trinh sát khu vực, tham gia chụp ảnh trên không và hỗ trợ các nhiệm vụ cần liên lạc trên chiến trường. Đặc biệt, ở phiên bản chuyên chở khách, máy bay được trang bị cabin điều áp.

Dòng Super King Air, bắt đầu được phát triển vào năm 1969 và được sử dụng rộng rãi cho mục đích thương mại, quân đội và dân sự. Đã từng có một thời gian, dòng Super King Air trở thành đại diện không thể thiếu trong lực lượng vũ trang các nước, tham gia phục vụ một số cơ quan chính phủ thế giới.

Không chỉ được sử dụng nhiều ở Mỹ, Beechcraft King Aircòn được cung cấp cho các đồng minh như Anh, Nhật Bản, Indonesia, Israel và các nước NATO.

Máy bay Shadow R1 thuộc Không Lực Hoàng Gia Anh. (Nguồn: Top War)

Máy bay Shadow R1 thuộc Không Lực Hoàng Gia Anh. (Nguồn: Top War)

Beechcraft King Air 350 ngày nay là phiên bản cải tiến mới nhất. Đây được coi là phiên bản chuẩn và là tiền đề để phát triển thêm các mẫu tiên tiến phù hợp với nhu cầu của tương lai.

Máy bay trang bị cặp động cơ phản lực cánh quạt PWC PT6A-60A. Nhờ việc trang bị hai động cơ mạnh mẽ như vậy, uy lực của dòng máy bay này đủ để tăng tốc máy bay lên tốc độ 500 km/h. Chiều dài tối đa của máy bay là 14,22 m, sải cánh 17,65 m, cao 4,37 m. Diện tích cánh chiếm khoảng 28,8 mét vuông và kích thước của cabin lần lượt với chiều dài 5,94m x chiều rộng 1,37m x chiều cao 1,45 m.

Tất cả các máy bay đều được trang bị thiết bị hỗ trợ hạ cánh, bao gồm một hệ thống trục gồm ba bánh có thể thu vào. Tất cả các mẫu hiện đại đều được trang bị buồng lái bằng kính với màn hình LCD độ phân giải cao và hệ thống điều khiển điện tử.

Máy bay phản lực cánh quạt Beechcraft King Air còn được sử dụng rộng rãi làm phương tiện trinh sát. Có hơn 25 phiên bản cải tiến của dòng máy bay này có tính trinh sát cao và được nhiều quốc gia ưa chuộng.

Trong quân đội Mỹ, Beechcraft King Air đã được sử dụng rộng rãi trong hơn 40 năm. Kể từ năm 1984, Beechcraft King Air có tên là RC-12.

Dòng máy bay trinh sát Beechcraft King Air cũng đang tham gia vào các nhiệm vụ của Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh với phiên bản Shadow R1 (Bóng tối) với nhiệm vụ chính là giám sát, thu thập ghi nhận mục tiêu và trinh sát.

Beechcraft King Air giúp nâng cao khả năng nhận biết tình huống đang diễn ra trên mặt đất và trên không, góp phần thúc đẩy và tăng độ chính xác trong quá trình đưa ra quyết định ở từng tình huống chiến đấu.

Máy bay Shadow R1 của Anh còn được trang bị hệ thống giám sát điện quang hiện đại, hệ thống hồng ngoại. Ngoài ra, phiên bản này còn trang bị thêm hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa và có thể mang theo các phương tiện chiến tranh điện tử.

(theo Top War)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/giai-ma-suc-manh-cua-beechcraft-king-air-ngua-tho-tren-khong-cua-quan-doi-my-161478.html