Giải mã tiếng tru rợn người của chó sói
Tiếng tru của chó sói, khiến nhiều người rợn tóc gáy. Khác với suy đoán thông thường, các nhà khoa học phát hiện, đây là hành vi thường phản ánh sự nhớ thương của chó sói đối với một cá thể gần gũi nhưng đã cách xa bầy đàn.
Sói cất tiếng tru vào ban đêm có thể để tỏ lòng nhớ thương đối với một cá thể gần gũi đã rời đàn. Ảnh: Alamy.
Theo các nhà nghiên cứu, chó sói nhiều khả năng sẽ cất tiếng tru thống thiết khi một thành viên gần gũi trong gia đình của chúng rời bỏ đàn.
Kết quả kiểm tra đối với lượng hoóc môn ở loài động vật này cho thấy, phản ứng tru không liên quan đến sự căng thẳng. Điều này ám chỉ, chúng đơn giản chỉ đang nhớ thương bạn bè, anh em hoặc bạn tình của mình.
"Các dữ liệu thu được của chúng tôi chỉ ra rằng, việc tru lên ở chó sói không phải là một phản ứng căng thẳng đơn giản do phải xa lìa các cá thể gần gũi. Thay vào đó, nó có thể được sử dụng linh hoạt hơn để duy trì liên lạc và có lẽ hỗ trợ việc tái hợp với các đồng minh", tiến sĩ Friederike Range đến từ trường Đại học Dược thú y (Vienna, Áo) và là người đứng đầu nghiên cứu, nói.
Tạp chí Current Biology cho biết, nhóm nghiên cứu đã giám sát 9 con sói được bắt nhốt từ 2 đàn khác nhau ở Trung tâm Khoa học về chó sói của Áo. Mỗi ngày, các chuyên gia dắt những con sói đã bị xích này đi dạo, mỗi con một lần. Họ quan sát thấy, mỗi lần chúng được đưa ra ngoài, các con sói còn lại sẽ bắt đầu tru lên thống thiết.
Trong một nỗ lực nhằm điều tra căn nguyên của hành vi đó, nhóm nghiên cứu đã thu thập mẫu máu của chó sói để đo lượng hoóc môn cũng như thông tin về các mối quan hệ trong đàn. Họ cũng ghi lại thời điểm các con sói sẽ phản ứng và con vật nào tru nhiều nhất.
Nhóm nghiên cứu khám phá ra rằng, chó sói tru nhiều hơn khi một con sói đặc biệt gần gũi với nó hoặc thuộc phân cấp xã hội cao hơn, rời đàn. Không có bất kỳ liên hệ nào giữa lượng hoóc môn gây căng thẳng với mức độ tru của chúng.
Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện, khi phần còn lại trong nhóm có thể cảm nhận được sự hiện diện của thành viên trong đàn, ngay cả khi không tận mắt nhìn thấy, chúng cũng không cất tiếng tru. Dẫu vậy, nếu chúng được đưa trở lại vào rừng, chúng sẽ bắt đầu tru lên.
Trong một nghiên cứu trước đó, các nhà khoa học thuộc Đại học Nottingham Trent (Anh) từng nhận thấy, tiếng tru của mỗi con sói mang tính cá thể cao, ám chỉ loài động vật này có thể nhận dạng được bằng tiếng tru đặc trưng. Họ hy vọng, phát hiện này sẽ mang tới cho các nhà bảo tồn một cách thức chính xác để lần theo dấu vết của chó sói - loài động vật đóng một vai trò thiết yếu trong chuỗi thức ăn, nhưng có thể là tai họa đối với người nông dân.