Giải mã 'tứ bảo' của ông đồ

Nhiều năm trở lại đây, thú chơi chữ, xin chữ đầu xuân được nhiều người quan tâm hơn. Cứ độ 25 tháng Chạp, ở nhiều nơi đã bắt đầu xuất hiện các ông đồ áo the khăn xếp, giấy bút mực nghiên, chăm chú thả hồn vào từng con chữ.

Ở Hà Nội, nơi hoạt động cho chữ diễn ra nhộn nhịp nhất là Văn Miếu Quốc Tử Giám, sau đó là đền Ngọc Sơn, vườn hoa Lý Thái Tổ, phố Bà Triệu, hay trong một số ngôi chùa, đình.

Ông đồ cho chữ thì nhiều, nhưng có lẽ viết tốt hơn cả là các cụ thuộc nhóm Nhân Mỹ học đường, Hương Nam học đường, Cảo Thơm thư hiên.. còn các ông đồ hiện đại nổi tiếng hơn cả là nhóm “Nhị Thập Bát Tú”, mà đối với họ “thư pháp” thực sự đã là một nghệ thuật với các tên tuổi như họa sĩ Lê Quốc Việt, thư họa gia Xuân Như Vũ Thanh Tùng, Phạm Văn Tuấn, Tiểu Hạng Nguyễn Trung Hoàng Long, Nam Long Nguyễn Quang Duy, Trường phong Phạm Văn Ánh, Nguyễn Đức Dũng, Trần Trọng Dương, Lê Huy Hoàng, Trần Xuân Thế, Diệu Quang, những người thường đứng viết ở sân Văn Miếu mỗi dịp tết.

 Xin chữ ngày Xuân. Ảnh: Quỳnh Phương.

Xin chữ ngày Xuân. Ảnh: Quỳnh Phương.

Yếu tố quan trọng tạo nên nét đẹp văn hóa xin chữ - cho chữ ấy là làm sao cho đúng lễ, đúng tinh thần của người xưa, nếu không nhiều người đánh đồng như là một hoạt động mua bán trao đổi thuần túy.

Mà theo đúng tinh thần xưa thì trước hết ông đồ phải có trình độ uyên thâm, đọc thông kinh điển, bút pháp điêu luyện, là người có đức hạnh và cốt cách, bởi lẽ ông là người thay cho Thánh hiền ban tặng chữ cho người xin, thông qua chữ để giáo hóa; dạy bảo và giảng giải về lễ nghĩa, là người mẫu mực khuôn thước về tài đức cho người khác noi theo nên phong thái và cử chỉ cũng như lời nói phải lấy chuẩn mực và nho phong làm đầu, từng nét bút con chữ đều truyền tải được tinh thần thiện mỹ và qua đó hướng cho người xin lĩnh hội được những giá trị tinh thần gửi gắm trong từng chữ để tặng cho người xin.

Với mỗi ông đồ, tại thư phòng hay không gian viết chữ đều có bốn vật quý gọi là văn phòng tứ bảo ( bốn thứ quý giá trong thư phòng) gồm giấy, bút, mực, nghiên. Có lẽ, trong xã hội hiện đại, ít ai quan tâm đến điều này, song giá trị bất biến của tứ bảo vẫn không thể tách rời trong quá trình cho chữ của các ông đồ.

Thứ nhất là Bút lông: Trong bốn vật quý, có lẽ bút được coi trọng hàng đầu vì đó là công cụ chính đóng vai trò quan trọng nhất để thực hiện việc viết chữ. Đầu bút chủ yếu được làm từ lông tơ của một số con vật.

Tùy theo tính chất của giấy hoặc ý đồ của nhà thư pháp mà họ chọn các kiểu ngòi bút cho phù hợp. Nếu viết nhanh trên giấy mỏng thì ngòi là lông chim trĩ, nếu viết chữ to trên giấy bìa hoặc vải lụa thì ngòi là lông chồn, mèo, hổ, đắc dụng nhất là lông thỏ,…

Muốn viết chữ to hay nhỏ, sử dụng mực màu lỏng hay đặc quánh… người ta dùng bút có ngòi bằng lông cứng (như lông đuôi ngựa) hay mềm (như lông thỏ).

Hiện nay, người ta làm ngòi bằng sợi tổng hợp nhưng không hơn được lông thú nhờ ưu điểm ngậm mực nhiều, nét chữ tưa ra cũng là một yếu tố tạo dáng đặc biệt, giúp chữ viết đẹp hơn.

Trong nhiều thời đoạn trước đây, thư phòng của văn nhân, bút quan trọng như kiếm của võ tướng, việc chọn bút, sử dụng bút hay vệ sinh bảo quản bút cũng nói lên đặc điểm tính cách của mỗi con người khi sử dụng, lúc cầm bút viết chữ ông đồ như thả hồn vào từng cử chỉ điệu bộ, phong thái toát lên truyền tải ý nghĩa mà con chữ được viết ra.

Thứ hai là giấy. Trước khi xuất hiện giấy, người ta vẽ lên vách núi, mai rùa, xương thú, trên lá cây hay ván gỗ, đồ gốm rồi các chất liệu bằng kim loại…

Cho đến đời Đông Hán, vào năm 105, Thái Luân tạo ra giấy, tạo một bước ngoặt lịch sử hết sức phấn khởi trong việc phục vụ ghi chép và làm sách. Công dụng chủ yếu của giấy là để ghi chép, bày tỏ tâm tư, tình cảm, phổ biến tư tưởng và ghi chép mọi diễn biến lịch sử cùng là những dấu ấn tiến hóa xã hội loài người từng thời kỳ. Sự phát minh sản phẩm văn hóa này đã đánh dấu một bước ngoặt vượt bậc của nền văn minh nhân loại. Và thư pháp, không thể tách rời giấy.

Khác với ghi chép và làm sách, giấy ông đồ dùng viết chữ thường có kích thước mà màu sắc đa dạng, với nhiều ông đồ viết chữ, ngoài tinh thần chung là giấy trắng mực đen thì để phù hợp với cung mệnh người xin chữ mà chọn màu sắc của giấy để tương sinh tương dưỡng cho thân chủ, hay dùng giấy kết hợp với chữ viết để tạo thành khái niệm chơi chữ hàm nghĩa rộng lớn, ví như viết chữ Phúc thì ông đồ chọn giấy hồng để có khái niệm hồng phúc (phúc lớn), hay viết chữ Long thì chọn giấy vàng tạo khái niệm hoàng long (rồng vàng), viết chữ Thanh chọn giấy trắng tại ý nghĩa thanh bạch (trong sạch)…

Như vậy, câu chuyện xin chữ càng tăng thêm vẻ đẹp, ý nghĩa và giá trị cho người viết cũng như tăng thêm khái cảm đối với người được tặng chữ vậy.

Thứ ba là mực: Vào thời Ngụy Tấn, người ta mới chế ra thỏi mực bằng cách lấy khói sơn hòa với than tùng hoặc bồ hóng khuấy với dầu thực vật, keo thực vật (nhựa thông) làm thành những thỏi mực vuông và dài, gọi là mực Tàu.

Văn phòng “tứ bảo”. Ảnh: L.G.

Văn phòng “tứ bảo”. Ảnh: L.G.

Trong tiếng Hán tượng hình, chữ được biểu đạt bằng một chữ Hắc (đen) bên trên và chữ Thổ (đất) ở phía dưới. Nó nói lên nguồn gốc chất liệu đầu tiên của sản phẩm này. Đó là một loại đá đen tự nhiên. Trong lúc viết thư pháp, mài một đĩa mực là lúc người nghệ sĩ đặt hết tâm hồn, để cho lòng tĩnh lặng. Đổ một chút nước lên mặt nghiên, một tay giữ nghiên cho vững, tay kia cầm thỏi mực quay đều đặn, chầm chậm theo hình tròn cho tới khi mực sánh lại.

Mực tốt không bao giờ nghe tiếng kêu giật âm khi mài và người biết cách mài không thể cho thỏi mực mòn vạt một bên. Song, để đáp ứng nhịp độ nhanh của cuộc sống hiện đại, ngày nay, mực cũng được sản xuất và bán ra dưới dạng đóng chai để tiết kiệm thời gian cho người sử dụng.

Tuy nhiên, theo quan niệm truyền thống của người xưa, mực phải được mài trên nghiên đá, mới là thứ mực sống và có tinh thần, là thứ mực chứa đựng sự hài hòa âm dương. Và công đoạn mài mực không phải là việc tốn thời gian mà chính là lúc người nghệ sĩ có thể tập trung tâm thức trước khi múa bút tạo nên tác phẩm của mình, bởi vậy động tác mài mực và âm thanh mài mực đã đi vào nhiều tác phẩm thi ca nổi tiếng của nhiều thi gia.

Thứ tư là nghiên: Nghiên xuất hiện cùng thời với mực. Có hình dạng như một miếng ngói có một chỗ trũng, trẹt để mài mực và chứa mực dùng vào việc viết chữ. Đối với văn nhân, thư gia cái nghiên là người bạn quý, và bản thân của nghiên cũng là vật quý, vì nó thường được chế tác bằng ngọc, đá quý, cẩm thạch, có thể cũng chỉ bằng đá thường hay sành. Và tất nhiên nghiên càng đẹp thì càng có giá trị.

Một cái nghiên tốt bao giờ mài cũng trơn và không nghe tiếng kêu. Trong bốn vật quý, nghiên tuy không giữ vai trò then chốt nhưng được các văn nhân xưa xem trọng hơn cả, bởi nó gắn bó cả đời với người sử dụng, xem nghiên như miếng ruộng, bút như cây cày, rất cần thiết cho đời sống: “Nghiên ruộng bút cày”. Người xưa cho rằng nghiên đá là vật linh để trấn giữ thư phòng là nơi tụ hội khí tinh anh của trời đất.

Viết một bức đại tự, đôi câu đối hay bức thư pháp cần mài mực một cách khoan thai để cho hồn lắng đọng rồi tập trung tinh thần thả hồn vào con chữ. Có lẽ vì thế, mà nghiên bút là vật dụng không thể tách rời của văn nhân.

Quả vậy, quá trình cho chữ của ông đồ gắn với tứ bảo, nó có mối quan hệ mật thiết để nói lên tính cách và phong thái, trình độ cũng như đức hạnh của mỗi ông đồ, qua đó cũng có mối tương tác với người xin chữ, tạo thành một chỉnh thể thống nhất hòa quyện vào nhau, đẩy không gian và ý nghĩa của việc cho chữ - xin chữ lên một tầm cao, một ý nghĩa văn hóa và mỹ thuật đặc thù.

Nguyễn Đức Bá

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/giai-ma-tu-bao-cua-ong-do-577905/