Giải mã việc Mỹ điều 'bóng ma bầu trời' B-2 Spirit tới Trung Đông

Việc Mỹ điều máy bay ném bom tàng hình chiến lược B-2 Spirit tới Trung Đông đã gửi đi thông điệp cứng rắn tới Houthis và Iran.

Người phát ngôn của Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ cho biết một số máy bay ném bom tàng hình hạng nặng B-2 Spirit của nước này đã được điều động tới căn cứ quân sự Diego Garcia ở Ấn Độ Dương trong tuần này, tờ The Wall Street Journal ngày 27-3 đưa tin.

Trước đó, ngày 15-3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phát động cuộc không kích quy mô lớn nhắm vào giới lãnh đạo và cơ sở hạ tầng của Houthis ở nhiều khu vực tại Yemen nhằm đáp trả các cuộc tấn công vào tàu thuyền trên biển Đỏ mà nhóm vũ trang thân Iran này gây ra.

Ông Trump cũng đã cảnh báo Iran rằng Tehran sẽ phải chịu trách nhiệm nếu Houthis tiếp tục các cuộc tấn công vì Mỹ cho rằng Iran đứng sau hỗ trợ Houthis. Ông cũng khẳng định Iran sẽ phải đối mặt với hoạt động quân sự nếu tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân.

Vì sao Mỹ triển khai “bóng ma bầu trời”?

B-2 Spirit là máy bay ném bom chiến lược tàng hình đầu tiên trên thế giới, được mệnh danh là “bóng ma bầu trời” và có giá khoảng 2,2 tỉ USD.

Đây là máy bay ném bom tàng hình tầm xa với công nghệ cao giúp nó khó bị phát hiện, nghe thấy hoặc định vị bằng radar. Nó được thiết kế để tránh các hệ thống phòng không tinh vi cũng như triển khai vũ khí thông thường hoặc hạt nhân.

 Máy bay ném bom đa năng B-2 Spirit của Mỹ. Ảnh: KHÔNG QUÂN MỸ

Máy bay ném bom đa năng B-2 Spirit của Mỹ. Ảnh: KHÔNG QUÂN MỸ

Các cựu quan chức quốc phòng Mỹ nhận định việc triển khai các máy bay ném bom này giúp tăng cường đáng kể khả năng của quân đội Mỹ trong việc tấn công vào các boongke sâu do Houthis và Iran xây dựng.

B-2 là máy bay tàng hình duy nhất của Mỹ có thể mang bom phá boongke thông minh hạng nặng GBU-57 (hay còn được gọi là Massive Ordnance Penetrator) có trọng lượng khoảng 13,6 tấn.

Căn cứ mà máy bay này đến là Diego Garcia, cách lãnh thổ Houthis quản lý khoảng 4.000 km và cách Iran khoảng 5.300 km trong khi máy bay có phạm vi tiếp nhiên liệu là hơn 11.100 km.

Trong cuộc không kích vào Houthis của Mỹ hôm 15-3, nhà phân tích an ninh Trung Đông Mohammed al-Basha của tổ chức tư vấn Basha Report có trụ sở tại Mỹ, cho rằng cuộc tấn công này đã nhắm trúng kho tên lửa, vũ khí, đạn dược trong các khu phức hợp đường hầm ở thủ đô Sana (Yemen). Nó đã làm sập một số lối vào đường hầm, mặc dù hình ảnh vệ tinh thương mại cho thấy Houthis đã có thể khôi phục lại bằng cách đào các lối vào mới.

Việc tăng cường sức mạnh nhắm vào các cấu trúc ngầm, trong đó có kho vũ khí và nơi trú ẩn của lãnh đạo Houthis, cho thấy Mỹ quyết tâm tiêu diệt tận gốc lực lượng này.

Lực lượng hùng hậu nhắm vào Iran, Houthis

Theo phân tích hình ảnh vệ tinh của Planet Labs của chuyên gia Ian Ellis-Jones, chuyên về các vấn đề an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, máy bay ném bom B-2 được máy bay chở hàng C-17A Globemaster III hộ tống. Chiếc máy bay chở hàng này có thể chở nhân sự, thiết bị hỗ trợ và đạn dược cho các hoạt động ném bom tầm xa.

Tuần trước, Lầu Năm Góc đã điều nhóm tác chiến tàu sân bay thứ hai đến Trung Đông, nhằm tăng cường hỏa lực cho lực lượng Mỹ chống lại Houthis và đảm bảo sự hiện diện liên tục của tàu sân bay Mỹ trong bối cảnh căng thẳng khu vực gia tăng.

 Các máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit của Mỹ đậu tại căn cứ Diego Garcia hôm 26-3. Ảnh: PLANET LABS PBC

Các máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit của Mỹ đậu tại căn cứ Diego Garcia hôm 26-3. Ảnh: PLANET LABS PBC

Ông John Hannah, cố vấn an ninh quốc gia cho cựu Phó Tổng thống Dick Cheney, cho rằng việc tập trung hỏa lực áp đảo chưa từng có của Mỹ ở gần khu vực này nhằm gửi tín hiệu đến Houthis rằng nếu họ không dừng tấn công ngay lập tức, mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn rất nhiều.

Giới chuyên gia cũng cho rằng động thái này cũng nhằm thể hiện sức mạnh của Mỹ trước Iran.

Ông William Wechsler, giám đốc cấp cao các chương trình Trung Đông của tổ chức nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương, cho rằng Mỹ đã dùng những cuộc tấn công vào Houthis ở Yemen làm gương để chứng minh rằng họ có đủ khả năng và quyết tâm giáng một đòn mạnh vào Iran và ngăn chặn nước này sở hữu vũ khí hạt nhân.

Cựu Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Michael Patrick Mulroy cho biết máy bay ném bom này có xu hướng được sử dụng để tạo hiệu ứng tâm lý áp đảo trước một cuộc tấn công lớn. Bằng cách triển khai chúng, Mỹ đang nhắn gửi Iran rằng "hãy đến bàn đàm phán hoặc sẽ phải đối mặt với lực lượng quân sự áp đảo".

Những lần xuất kích của “bóng ma bầu trời”

Dù là máy bay ném bom xịn bậc nhất nhưng số lần máy bay này được triển khai trong suốt 30 năm phục vụ trong lực lượng Mỹ chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Máy bay ném bom B-2 này lần đầu tiên được sử dụng trong cuộc chiến ở Kosovo, khi một mình nó đã phá hủy ⅓ tổng số mục tiêu trong 8 tuần đầu tiên của cuộc xung đột.

Sau đó, nó đã dẫn đầu lực lượng Mỹ trong nỗ lực đáp trả các cuộc tấn công khủng bố ngày 11-9-2001, khi tấn công các vị trí của Taliban ở Afghanistan và mở đường cho các lực lượng Mỹ tiến vào nước này.

Chiếc máy bay này cũng có mặt trong lực lượng khởi động cuộc chiến tranh năm 2003 ở Iraq, thả hơn 680 tấn đạn dược trước cuộc đổ bộ trên bộ.

Lần gần nhất máy bay ném bom này hoạt động là vào tháng 10, khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden lúc đó điều hai máy bay ném bom tàng hình B-2 từ căn cứ không quân Whiteman ở bang Missouri để tấn công lãnh thổ Houthis cách đó gần 12.000 km.

ĐỨC HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/giai-ma-viec-my-dieu-bong-ma-bau-troi-b-2-spirit-toi-trung-dong-post841267.html