'GIẢI MẬT' HỒ SƠ MỸ SƠN, HỘI AN: Giữ cho muôn đời sau

Nâng cao ý thức và sự đồng thuận của cộng đồng để giữ gìn, phát huy giá trị di sản cho muôn đời sau là điều mà tỉnh Quảng Nam đã và đang hướng tới

Tháng 9 này, tỉnh Quảng Nam đang tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 20 năm đô thị cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới và 10 năm Cù lao Chàm (Hội An) được công nhận Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, nhằm quảng bá hình ảnh đến bạn bè quốc tế và kêu gọi nâng cao ý thức cũng như sự đồng thuận của cộng đồng để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, giá trị thiên nhiên.

Định hình thương hiệu du lịch

Theo ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, dù chịu nhiều áp lực của quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa, tác động mặt trái của phát triển du lịch, tác động của biến đổi khí hậu... nhưng với sự chỉ đạo đúng hướng của Chính phủ và địa phương, sự nỗ lực của cơ quan chuyên môn, sự đồng thuận của người dân, sự hướng dẫn kịp thời của UNESCO, sự giúp đỡ đầy thiện chí của các nhà khoa học, các tổ chức và bè bạn quốc tế, đến nay công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Hội An, Mỹ Sơn đạt được nhiều thành tựu nổi bật.

Đô thị cổ Hội An, khu Đền tháp Mỹ Sơn được trao tặng nhiều giải thưởng quan trọng, được bình chọn nhiều danh hiệu cao quý, được đánh giá là mẫu kinh nghiệm điển hình về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù lao Chàm với hệ sinh thái rừng, biển phong phú, đa dạng và ẩn chứa các nền văn hóa từ xa xưa đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

Năm 2018, lượng khách du lịch đến Hội An đạt gần 5 triệu lượt, tăng gấp gần 50 lần so với năm 1999 Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Năm 2018, lượng khách du lịch đến Hội An đạt gần 5 triệu lượt, tăng gấp gần 50 lần so với năm 1999 Ảnh: HOÀNG TRIỀU

"Di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn và Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù lao Chàm đã góp phần xây dựng thương hiệu du lịch Quảng Nam và là động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương" - ông Hồng đánh giá.

So với bề dày lịch sử hình thành, phát triển của đô thị cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn thì 20 năm được công nhận là Di sản văn hóa thế giới chỉ như một cái chớp mắt. Tuy nhiên, 20 năm đó thực sự là kỳ tích và thành quả thu được thật đáng tự hào. Tại Mỹ Sơn, nếu 20 năm trước, khách tham quan chỉ vài trăm lượt thì đến năm 2018, số lượng khách đạt được 400.000 lượt, doanh thu hơn 62,1 tỉ đồng. Trong đó, đối tượng khách ngày càng mở rộng, thị trường khách đa dạng. Còn tại Hội An, năm 1999, khách đến TP này vào khoảng 100.000 lượt thì trong năm 2018, lượng khách đạt gần 5 triệu lượt; nguồn thu từ bán vé tham quan đạt hơn 266 tỉ đồng.

Để di sản mãi tỏa sáng

Ông Phan Hộ, Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn, cho biết ý thức cộng đồng của người dân địa phương đã thay đổi và nâng cao rất nhiều. Trước đây, người dân thường vào khu di tích phá rừng, đốt than, chăn thả trâu bò và thậm chí phá hoại di tích nhưng giờ đây, ý thức bảo vệ của họ rất cao. Khi Mỹ Sơn phát triển du lịch, người dân cũng được hưởng lợi. Các chuyên gia nước ngoài đã đào tạo hàng trăm người dân địa phương để trực tiếp trùng tu Mỹ Sơn.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, khẳng định nếu không có sự đóng góp của cộng đồng thì Hội An sẽ trở thành một cái xác không hồn bởi Hội An là "di sản sống". Từ xưa đến nay, dù có nhiều sự đổi thay nhưng bao nhiêu thế hệ cộng đồng đã đến đây và cùng chung sống, cùng giữ gìn nếp ăn, nếp ở, nếp nhà để tạo nên một Hội An độc đáo, hoàn toàn khác biệt so với các di sản hay các điểm du lịch khác. Trong khi đó, người dân ở Cù lao Chàm, Hội An nổi tiếng là một cộng đồng có ý thức cao trong bảo vệ môi trường, bảo vệ khu sinh quyển.

Ông Đinh Hài, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, cho rằng một điều rất may mắn là người dân Quảng Nam có nhận thức về di sản và đóng vai trò rất lớn trong việc bảo vệ, bảo tồn Hội An, Mỹ Sơn. Quá trình phát triển có lúc làm méo mó di sản, đòi hỏi những người có trách nhiệm phải tỉnh táo.

Trên thực tế, du lịch tăng trưởng nóng đang là thách thức với di sản, nhất là đối với Hội An. Chính vì thế, việc nâng cao ý thức cộng đồng, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng là điều kiện tiên quyết để đô thị cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn và Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù lao Chàm ngày càng tỏa sáng và mãi trường tồn theo thời gian.

Trung tâm du lịch độc quyền

Ông Nguyễn Công Hường, nguyên Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn, tỏ ra tin tưởng vào thế hệ lãnh đạo trẻ sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian qua để đưa Mỹ Sơn tỏa sáng hơn nữa. Tuy vậy, ông Hường cũng lưu ý việc phát triển du lịch ở Mỹ Sơn phải phù hợp với không gian và sự bền vững, vừa phát triển vừa bảo tồn di tích. Giá trị Mỹ Sơn không chỉ hiện hữu trên những đền tháp mà chính là không gian bao phủ xung quanh. Hơn 1.000 ha rừng bao bọc Mỹ Sơn làm cho di sản thêm thâm nghiêm, trầm mặc hơn, việc phục hồi cảnh quan rừng sẽ tạo lên sản phẩm du lịch văn hóa rất đặc thù.

"Mỹ Sơn bây giờ phải khẳng định không chỉ làm tốt công tác bảo tồn mà còn trở thành một trung tâm du lịch độc quyền của tỉnh và cả nước. Cả dải đất miền Trung có nhiều di tích Chăm nhưng Mỹ Sơn vẫn là trung tâm, vẫn là kinh thành của người Chăm. Nếu chúng ta phát huy về mặt du lịch văn hóa thì văn hóa Mỹ Sơn có sự khác biệt và độc đáo" - ông Hường đánh giá.

TRẦN THƯỜNG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/giai-mat-ho-so-my-son-hoi-an-giu-cho-muon-doi-sau-20190906212654291.htm