Giải ngân chậm làm nghẽn nhiều chương trình mục tiêu quốc gia

Giai đoạn 2021-2025, tại Quảng Nam, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển hỗ trợ trực tiếp để thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia trên địa bàn 9 huyện miền núi đạt hơn 3.443 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2023 đến nay, tỷ lệ giải ngân ở Quảng Nam chỉ đạt gần 11,5%. Ảnh: Đoàn Hữu Trung- TTXVN

Từ đầu năm 2023 đến nay, tỷ lệ giải ngân ở Quảng Nam chỉ đạt gần 11,5%. Ảnh: Đoàn Hữu Trung- TTXVN

Riêng năm 2023, nguồn vốn hỗ trợ thực hiện chương trình cho các huyện miền núi hơn 1.730 tỷ đồng. Nhưng đến nay, Quảng Nam mới giải ngân hơn 262 tỷ đồng. Việc giải ngân chậm đã làm nghẽn nhiều chương trình mục tiêu quốc gia khi đầu tư cho miền núi.

Tại Phước Sơn, giai đoạn 2023-2025, huyện có nhu cầu hỗ trợ nhà ở cho 1.646 hộ dân, nhưng hiện Trung ương chỉ bố trí vốn cho 273 hộ. Trong khi đó, với nhiều dự án, tiểu dự án địa phương không có nhu cầu thì lại được cấp nguồn vốn lớn, dẫn đến không hiệu quả trong triển khai chương trình mục tiêu quốc gia.

Ông Hồ Công Điểm - Phó chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho rằng, nên phân cấp cho các địa phương linh hoạt điều chỉnh giữa dự án này với dự án khác, nếu dự án đó địa phương không có nhu cầu. Đồng thời, đề nghị Trung ương cân nhắc khi phân bổ nguồn vốn phải đáp ứng nhu cầu dự án; tránh trường hợp giao vốn cho dự án mà không có nhu cầu thì không tiêu hết tiền, ảnh hưởng tiến độ giải ngân.

Tỉnh Quảng Nam có tỷ lệ giải ngân vốn từ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia rất thấp. Năm 2022, chỉ giải ngân 30% với trên 487 tỷ đồng. Từ đầu năm 2023, tỷ lệ giải ngân chỉ đạt gần 11,5%. Nguyên nhân được chỉ ra là khi phía Trung ương ban hành nhiều văn bản, lại sửa đổi nhiều lần nên gây khó khăn cho địa phương. Sau đó, tỉnh, huyện lại phải ban hành văn bản cập nhật. Đây là vấn đề gặp phải ở nhiều địa phương trên cả nước.

Mặt khác, có dự án vừa triển khai đã phải dừng lại, có dự án còn nằm trên giấy, không giải ngân được. Nghịch lý ở chỗ, nguồn vốn từ Chương trình rất lớn nhưng tiến độ giải ngân quá chậm, người nghèo miền núi chưa thụ hưởng được bao nhiêu. Một trong những bất cập được chỉ ra trong việc không thể giải ngân là quy định yêu cầu người dân phải lập dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.

Ông Lê Thanh Hưng - Bí thư Huyện ủy Nam Trà My cho biết, để đảm bảo các thủ tục thì cán bộ xã phải "xắn tay áo" làm thay cho dân. Câu hỏi đặt ra là khi mục tiêu dự án là nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân trong liên kết phát triển sản xuất nhưng cán bộ lại làm thay thì liệu bà con có phát huy được vai trò chủ thể hay không.

"Chủ thể của dự án phải vào cuộc ngay từ đầu, mà muốn như thế thì thủ tục phải hạn chế rườm rà. Thủ tục nào cũng có cán bộ xã, trưởng thôn làm thay thì người dân sẽ không thấy được những vấn đề mà bản thân mình cần làm để từ đó cố gắng, nỗ lực, quyết tâm bỏ công sức chăm sóc, triển khai dự án đó. Làm như thế họ sẽ ỷ lại như là được cho không vậy" - ông Hưng chia sẻ.

Một trong những dự án được nhiều người hy vọng có cơ hội thoát nghèo là “Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị”.

Dự án này có nguồn vốn lớn nhất trong các dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, dự kiến hỗ trợ các địa phương thực hiện trong 5 năm với hơn 20.060 tỷ đồng.

Thế nhưng, 2 năm nay, dự án này vẫn nằm im trên giấy. Quy định về đấu thầu đang gây khó cho việc giải ngân. Vì theo quy định, dự án sử dụng vốn sự nghiệp trên 100 triệu đồng phải tổ chức đấu thầu. Khổ nỗi, các tổ nhóm lại không có tư cách pháp nhân để tham gia đấu thầu nên khó thực hiện quy định này. Các địa phương vùng miền núi có đến hơn 90% dân số là người dân tộc thiểu số, người dân cũng không hiểu đấu thầu là gì, rất khó trong triển khai thực hiện.

Ông Trần Anh Tuấn - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, thực tế, tại các huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đội ngũ cán bộ ít, địa bàn rộng, núi rừng hiểm trở, năng lực và trình độ cán bộ cơ sở và người dân còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trong khi đó, chương trình có quá nhiều điểm mới, nhiều nội dung chưa rõ ràng, không phù hợp, càng khó triển khai thực hiện. Đó là chưa kể tâm lý của một bộ phận cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, không dám triển khai công việc.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhấn mạnh: "Cần tiếp tục đưa các tổ công tác xuống cơ sở để hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy tiến độ dự án và tiểu dự án. Chúng ta nói Trung ương chậm, nhưng đến khi Trung ương đã tháo gỡ được những khó khăn thì về địa phương mới khởi động lại từ đầu thì cũng không thực hiện được".

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, Quảng Nam cần đánh giá cụ thể nguyên nhân chủ quan và khách quan, làm rõ trách nhiệm của ban chỉ đạo và từng thành viên ban chỉ đạo các cấp. Đồng thời, kiểm điểm người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng giải ngân chậm./.

Trần Tĩnh/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/giai-ngan-cham-lam-nghen-nhieu-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia/304687.html