Giải ngân thấp, nhiều tập thể, cá nhân ở Kon Tum bị yêu cầu kiểm điểm

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum yêu cầu nhiều cơ quan của tỉnh này phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm do giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 thấp.

Ngày 12/5, theo nguồn tin của Tiền Phong, ông Lê Ngọc Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum vừa ký văn bản yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bệnh viện Y dược - Phục hồi chức năng, huyện Tu Mơ Rông, Sở Kế hoạch và Đầu tư phải kiểm điểm tập thể, cá nhân vì có tỷ lệ giải ngân năm 2022 đạt thấp.

Bệnh viện Y dược - Phục hồi chức năng tỉnh Kon Tum đạt tỷ lệ giải ngân thấp

Bệnh viện Y dược - Phục hồi chức năng tỉnh Kon Tum đạt tỷ lệ giải ngân thấp

Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo xử lý trách nhiệm hoặc tham mưu cấp thẩm quyền xử lý trách nhiệm các đơn vị, nhà thầu vi phạm tiến độ thi công, chậm hoàn thiện hồ sơ, thủ tục liên quan đến công trình, dự án do đơn vị mình làm chủ đầu tư. Việc xử lý trách nhiệm phải hoàn thành và báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nội vụ) trước ngày 25/5.

Việc kiểm điểm các cơ quan này được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum chỉ đạo phải thực hiện.

Theo đó, các dự án có tỉ lệ giải ngân vốn (năm 2022) dưới 50% gồm: Dự án Hồ chứa nước Đăk Pokei (giai đoạn 1) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư; Dự án nâng cấp bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh Kon Tum lên 165 giường do Bệnh viện Y dược - Phục hồi chức năng là chủ đầu tư; Dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng các xã vùng ATK do UBND huyện Tu Mơ Rông làm chủ đầu tư; Dự án Hỗ trợ phát triển khu vực biên giới - Tiểu dự án tỉnh Kon Tum do Sở Kế hoạch và Đầu tư làm chủ đầu tư.

UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu 4 đơn vị trên chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2022 còn lại, ngay sau khi được cho phép kéo dài giải ngân sang năm 2023 theo quy định.

Riêng đối với Tiểu dự án Đường liên xã thuộc dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng các xã vùng ATK (xã An toàn khu; vùng An toàn khu cách mạng thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ - tỉnh Kon Tum) do UBND huyện Tu Mơ Rông làm chủ đầu tư, nếu không được Trung ương cho phép kéo dài, để mất vốn thì phải có hình thức kỷ luật nghiêm đối với chủ đầu tư theo đúng chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Đối với kế hoạch vốn đầu tư năm 2023, tỉnh Kon Tum yêu cầu các địa phương chủ động xử lý dứt điểm những tồn tại, vướng mắc, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thanh toán vốn đầu tư… Không để xảy ra các trường hợp giải ngân chậm như năm 2022.

Năm 2022, tỉnh Kon Tum giải ngân được gần 2.800 tỷ đồng, đạt khoảng 81,2% so với thực nguồn kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 địa phương đã giao (gần 3.400 tỷ đồng) và đạt khoảng 92% kế hoạch vốn Trung ương giao (hơn 3.000 tỷ đồng).

Đình Văn

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/giai-ngan-thap-nhieu-tap-the-ca-nhan-o-kon-tum-bi-yeu-cau-kiem-diem-post1533652.tpo