Giải ngân với những cổ phiếu dự báo có có kết quả kinh doanh quý 2 tăng trưởng tốt

Theo khuyến nghị của công ty chứng khoán, nhà đầu tư ngắn hạn nên duy trì tỷ trọng hợp lý. Nhà đầu tư trung - dài hạn nắm giữ danh mục hiện tại, các vị thế xem xét gia tăng tỷ trọng mới, đánh giá cẩn trọng dựa trên kết quả kinh doanh quý 2 và triển vọng cuối năm của các doanh nghiệp đầu ngành...

Chứng khoán tuần 8/7-12/7, sau tuần giao dịch phục hồi trước đó thị trường tiếp tục tăng điểm đến phiên ngày thứ tư và có thời điểm VN-Index lên đến mốc 1.297,96 điểm, tuy nhiên áp lực bán những phiên cuối tuần khiến cho VN-Index kết tuần giảm -2,29 điểm (-0,18%) về mốc 1.280,75 điểm.

HNX-Index kết tuần tại mốc 242,41 điểm (+2,71 điểm, tương ứng +1,12%). Độ rộng thị trường phiên cuối tuần nghiêng về bên bán với 198 cổ phiếu giảm giá, 117 cổ phiếu tăng giá, 64 cổ phiếu tham chiếu tại HOSE. HNX giao dịch với 95 cổ phiếu giảm giá, 60 cổ phiếu tăng giá và 63 cổ phiếu tham chiếu.

Thanh khoản trên cả 2 sàn tuần này có sự cải thiện so với tuần giao dịch trước đó khi khối lượng khớp lệnh +32,91% tại HOSE và +31,66% tại HNX. Khối ngoại tuần này tiếp tục đà bán ròng với -4.501,94 tỷ đồng tại HOSE, vẫn tiếp tục tập trung mạnh tại mã FPT (-1.732 tỷ), bên cạnh đó bán ròng mã MWG (-644 tỷ), VHM (-521 tỷ) và MSN (-508 tỷ)...ở chiều ngược lại, mua ròng mã HDB (+473 tỷ), TNH (+163 tỷ)...

Cùng với đó, bán ròng tuần này từ khối ngoại cũng diễn ra trên sàn HNX với -4,68 tỷ đồng, tập trung tại các mã IDC (-37 tỷ), PVI (-31 tỷ) và NTP (-10 tỷ), chiều mua ròng nổi bật với PVS (+27 tỷ), LAS (+12 tỷ), VGS (+9 tỷ)...

Nhóm ngành giảm điểm tuần này là công nghệ thông tin sau thời gian tăng điểm mạnh vừa qua với các mã tiêu điểm như FPT (-3,53%), CMG (-0,62%), ICT (-8,61%), ITD (-4,1%)...

Ngoài nhóm công nghệ thông tin, một số nhóm cổ phiếu khác cũng có diễn biến tiêu cực như viễn thông, tiêu biểu với MFS (-14,58%), ABC (-11,9%), TTN (-4,33%)... Nhóm cổ phiếu bia giao dịch trong sắc đỏ với SAB (-3,45%), BHN (-2,17%)... nhóm cổ phiếu thực phẩm giảm điểm với MSN (-2,48%), VNM (-1,34%), DBC (-3,55%)...

Nhóm cổ phiếu Vingroup khởi sắc phiên cuối tuần với thông tin về việc tất toán lô trái phiếu trị giá 500 triệu USD, qua đó giúp cho các cổ phiếu tăng điểm như VIC (+0,85%), VHM (+0,13%), tuy nhiên cổ phiếu VRE (-0,24%).

Ghi nhận trong tuần này, một số ngành khác chứng kiến nhiều mã tăng điểm như ngành dầu khí với PVB (+6,99%), BSR (+4,82%), PLX (+5,35%), OIL (+2,13%)... Nhóm ngành hóa chất cũng giao dịch tích cực với CSV (+17,38%), DGC (+0,4%)... Đa số cổ phiếu ngành phân bón có một tuần giao dịch trong sắc xanh, cụ thể là DCM (+6,13%), LAS (+19,57%), BFC (+15,73%)...

Nhóm cổ phiếu bất động sản, ngân hàng, dịch vụ tài chính tuần vừa qua diễn biến phân hóa, phần lớn đi ngang hoặc giảm nhẹ ngoài một số mã tích cực như NTL (+14,5%), HDG (+6,44), MBS (+7,01%), BVS (+7,4%)…

 Diễn biến chỉ số VN-Index trong thời gian qua

Diễn biến chỉ số VN-Index trong thời gian qua

Giải ngân với những cổ phiếu dự báo có có kết quả kinh doanh quý 2 tăng trưởng tốt

Chứng khoán SHS

Xu hướng ngắn hạn VN-Index vẫn tích lũy trong vùng 1.250 điểm - 1.300 điểm. Sau khi gặp vùng kháng cự mạnh quanh 1.300 điểm. VN-Index đang chịu áp lực điều chỉnh phiên thứ 3 liên tiếp, kiểm tra lại vùng giá cân bằng của kênh tích lũy này quanh 1.275 điểm, tương ứng giá trung bình 20 phiên gần nhất.

Áp lực điều chỉnh này đang khá bình thường khi giá giảm, thanh khoản suy giảm nhất là khi VN-Index đã có 7 phiên tăng điểm liên tục. Trường hợp tích cực nếu VN-Index phục hồi tốt ở vùng hỗ trợ ngắn hạn 1.270-1.275 điểm thì khả năng quay trở lại kiểm tra vùng khá 1.300 điểm vẫn có thể xảy ra.

Xu hướng trung của VN-Index là vẫn tích lũy với biên độ hẹp dần trong vùng 1.245- 1.255 điểm đến 1.300 điểm, nửa trên của kênh 1.180 điểm - 1.200 điểm đến 1.300 điểm, mở rộng lên 1.320 điểm.

VN-Index cũng đang phục hồi tốt khi kiểm tra lại cạnh dưới đường xu hướng trung hạn nối các vùng giá thấp từ tháng 11/2023 đến nay, và đang nổ lực phục hồi kiểm tra lại vùng 1.300 điểm, tương ứng cạnh trên đường xu hướng nối vùng giá cao nhất tháng 9/2023, 3/2024 và 6/2024. Trong đó 1.200 điểm là vùng giá cao nhất năm 2018, 1.300 điểm - 1.320 điểm là vùng giá cao nhất tháng 6, 8/2022.

Thanh khoản thị trường duy trì ở mức thấp khi nhà đầu tư đang chờ các thông tin về kết quả kinh doanh quý 2 của doanh nghiệp. Chúng tôi cho rằng thị trường diễn biến tích lũy tích cực, nếu không có các yếu tố tiêu cực bất định mới xuất hiện thì VN-Index kỳ vọng sẽ hướng đến vùng kháng cự quanh 1.300 điểm khi các yếu tố như căng thẳng địa chính trị trên thế giới, áp lực lạm phát, tỷ giá, khối ngoại bán ròng hạ nhiệt.

Nhà đầu tư ngắn hạn nên duy trì tỷ trọng hợp lý. Nhà đầu tư trung - dài hạn nắm giữ danh mục hiện tại, các vị thế xem xét gia tăng tỷ trọng mới, đánh giá cẩn trọng dựa trên kết quả kinh doanh quý 2 và triển vọng cuối năm của các doanh nghiệp đầu ngành.

Ngắn hạn những phiên trước, chúng tôi không khuyến nghị mua đuổi khi VN-Index hướng đến vùng giá 1.300 điểm, vì đây không phải vùng giá thực sự hấp dẫn. Khi VN-Index tiếp tục điều chỉnh, trường hợp tỷ trọng dưới mức trung bình, có thể xem xét giải ngân. Mục tiêu là các mã cổ phiếu đầu ngành, dự báo có có kết quả kinh doanh quý 2 tăng trưởng tốt, triển vọng tích cực trong cuối năm.

Trải mua lại từng phần vị thế trading khi chỉ số lùi về các ngưỡng hỗ trợ

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)

Diễn biến giảm điểm nhưng trong thế giằng co và thanh khoản thấp cho thấy đặc điểm của một nhịp điều chỉnh tích lũy hơn là phân phối. Mặc dù VN-Index đang thiếu các dòng cổ phiếu dẫn dắt đủ để tạo dựng một nhịp tăng mạnh, nhưng sự luân phiên tăng thành các nhịp ngắn của một số mã vẫn đang đủ sức giúp giữ nhịp cho xu hướng tăng chung. Nhà đầu tư được khuyến nghị có thể trải mua lại từng phần vị thế trading khi chỉ số lùi về các ngưỡng hỗ trợ.

Chốt lời đối với các cổ phiếu có diễn biến tăng giá nhanh

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)

Thị trường tăng điểm bất thành và tiếp tục trạng thái kém sắc. Thanh khoản giảm so với phiên trước, cho thấy nguồn cung chưa gây áp lực lớn cho thị trường nhưng dòng tiền hỗ trợ tạm thời hạ nhiệt.

Mặc dù đà giảm điểm vẫn còn nhưng tín hiệu nến cho thấy động lực điều chỉnh đang giảm dần qua 3 phiên, đồng thời thị trường vẫn đang được hỗ trợ tại vùng 1.277 – 1.280 điểm. Dự kiến thị trường sẽ tiếp tục được hỗ trợ vào đầu tuần giao dịch mới và có cơ hội hồi phục trở lại để kiểm tra lại nguồn cung.

Nhà đầu tư cần quan sát diễn biến cung cầu tại vùng hỗ trợ để đánh giá trạng thái thị trường. Có thể cân nhắc vùng giá tốt của một số cổ phiếu để mua lướt ngắn hạn nhưng nên chốt lời đối với các cổ phiếu có diễn biến tăng giá nhanh đến vùng cản trong thời gian gần đây để bảo toàn thành quả.

Kết quả kinh doanh quý 2 chi phối mạnh đến quyết định giao dịch của nhà đầu tư

Chứng khoán Mirae Asset

Nhìn chung trong tuần VN-Index đang có trạng thái đi ngang cùng với tâm lý lưỡng lự của nhà đầu tư. Về mặt kỹ thuật, mốc tâm lý 1.300 đang là thử thách lớn khi lần gần nhất chỉ số vượt mốc này và đã giảm trở lại nhanh ngay sau đó. Về mặt thông tin, kết quả kinh doanh quý 2 sẽ là yếu tố đánh giá sự kì vọng của nhà đầu tư với các nhóm cổ phiếu và nhóm ngành vừa qua có hợp lý hay không.

Quan trọng hơn, kết quả kinh doanh đang được nhà đầu tư quan tâm hàng đầu trong việc lựa chọn cổ phiếu trong 6 tháng vừa qua, do đó việc chờ đợi thông tin này có lẽ đang chi phối mạnh đến quyết định giao dịch của nhà đầu tư. Điểm số kỹ thuật ngắn hạn đang ở mức +2 điểm (trung tính). Hệ số P/E của VN-Index đạt 15,9x

Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thuonggia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.

Bảo Châu

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/giai-ngan-voi-nhung-co-phieu-du-bao-co-co-ket-qua-kinh-doanh-quy-2-tang-truong-tot-post553300.html