Giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia: Gỡ dứt điểm các vướng mắc tránh chậm trễ
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công các chương trình mục tiêu quốc gia 4 tháng qua đang cao hơn tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chung của cả nước, nhưng vẫn còn khó khăn, vướng mắc khiến cho tỷ lệ giải ngân chưa đạt như kỳ vọng. Hàng loạt các giải pháp trọng tâm đã được Bộ Tài chính nêu ra để thực hiện từ nay đến cuối năm.

Giải ngân nhanh vốn đầu tư công giúp xóa bỏ khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Ảnh tư liệu
4 tháng giải ngân được 20% kế hoạch vốn
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương đã phân bổ trên 21.652 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương (đạt khoảng 98,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao) cho các đơn vị và cấp trực thuộc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG).
Đồng thời, các cơ quan trung ương và địa phương cơ bản hoàn thành việc phân bổ, giao dự toán kinh phí thường xuyên nguồn ngân sách trung ương thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững và CTMTQG xây dựng nông thôn mới. Riêng CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi do mới được giao kinh phí chi thường xuyên ngày 16/4/2025, nên các đơn vị đang triển khai phân bổ.
Tuy nhiên, cũng theo báo cáo từ Bộ Tài chính, một số địa phương còn tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, chưa chủ động quyết định vấn đề thuộc thẩm quyền phân cấp; còn gặp lúng túng khi áp dụng các quy định của Luật Đấu thầu mới. Đặc biệt, một số địa phương chưa thực sự chủ động thực hiện công tác rà soát, chuẩn bị phê duyệt nhiệm vụ, hoàn thiện thủ tục đầu tư ngay từ khâu lập dự toán, kế hoạch nên không kịp phân bổ vốn, giao dự toán, kế hoạch và triển khai thực hiện, giải ngân vốn ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao dự toán, kế hoạch.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương đang tập trung cho công tác kiện toàn, sắp xếp bộ máy tổ chức, do đó đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các CTMTQG.
Từ thực tế này đã dẫn đến tiến độ giải ngân nguồn vốn các CTMTQG chưa đạt như kỳ vọng. Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, đối với vốn đầu tư công thực hiện các CTMTQG, tính đến hết tháng 4 vừa qua giải ngân được khoảng 7.773,9 tỷ đồng, đạt 20%. Trong đó, vốn kéo dài từ các năm trước chuyển sang ước khoảng trên 671 tỷ đồng, đạt 13% kế hoạch; vốn kế hoạch năm 2025 ước khoảng trên 7.102 tỷ đồng, đạt 21% kế hoạch.
Ước giải ngân theo từng chương trình đến hết ngày 30/4/2025 như sau: CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ước khoảng trên 2.694 tỷ đồng, đạt 16% kế hoạch; CTMTQG giảm nghèo bền vững ước khoảng trên 793 tỷ đồng, đạt 18% kế hoạch và CTMTQG xây dựng nông thôn mới ước khoảng trên 4.285 tỷ đồng, đạt 23% kế hoạch.
Hiệu quả rất rõ nhưng giải ngân đang chậm
Năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, do đó việc giải ngân nhanh vốn đầu tư công nói chung và vốn đầu tư công các CTMTQG càng có ý nghĩa thúc đẩy hoàn thành mục tiêu này. Hơn nữa, trong nhiều năm trở lại đây, nguồn vốn đầu tư công dành cho các CTMTQG đã được sử dụng rất hiệu quả, từ đó các kết cấu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế ra đời giúp xóa bỏ khoảng cách giữa đồng bằng, miền núi, thành thị và nông thôn.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, mặc dù hiệu quả từ nguồn vốn này mang lại đã rất rõ, nhưng tiến độ giải ngân thì lại đang chậm. Do đó, cần phải có các giải pháp mạnh hơn nữa giúp đẩy nhanh việc giải ngân từ nay đến cuối năm.
Ông Dương Bá Đức - Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính cho biết, với chức năng và nhiệm vụ của mình, Bộ Tài chính đang yêu cầu Bộ Dân tộc và Tôn giáo khẩn trương hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 để tháo gỡ dứt điểm các vướng mắc về thể chế trong triển khai thực hiện CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các cơ quan chủ trương trình (Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Dân tộc và Tôn giáo) khẩn trương đôn đốc, kiểm tra, giám sát, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc khó khăn trong tổ chức thực hiện, đặc biệt trong bối cảnh sáp nhập, hợp nhất tổ chức bộ máy chính quyền địa phương tại các cấp, đảm bảo quá trình triển khai thực hiện các CTMTQG được liên tục, đồng bộ, hoàn thành mục tiêu 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 đã được Quốc hội giao.
Ngoài ra, khẩn trương thực hiện đánh giá, tổng kết kết quả thực hiện từng CTMTQG giai đoạn 2021 - 2025 cũng như rà soát, đề xuất phương án phân bổ vốn, kinh phí còn lại của 3 CTMTQG gửi Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Đối với các bộ, ngành, địa phương, Vụ trưởng Vụ Đầu tư cho biết, Bộ Tài chính yêu cầu tiếp tục quán triệt và phát huy cao nhất vai trò của cấp ủy, chính quyền và Ban Chỉ đạo CTMTQG các cấp trong chỉ đạo, điều hành, xử lý dứt điểm những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, về công tác tổ chức để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn các CTMTQG tại trung ương và địa phương, phấn đấu hoàn thành, hoàn thành vượt các mục tiêu Quốc hội giao trong giai đoạn 2021 - 2025.
Các bộ, ngành, địa phương kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách có liên quan đến quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình phù hợp với chủ trương sắp xếp, tổ chức bộ máy hành chính tại các cấp, đảm bảo cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện các CTMTQG liên tục, không gián đoạn, phấn đấu hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của từng chương trình đã được Quốc hội giao.
Đồng thời, tập trung hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, cấp trực thuộc triển khai thực hiện đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư, dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, các nhiệm vụ khác trong thực hiện các CTMTQG; tăng cường lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác có cùng mục tiêu trong phân bổ, sử dụng nguồn lực đảm bảo trọng tâm, trọng điểm, tránh chồng chéo, dàn trải.
3 chương trình mục tiêu quốc gia đã hoàn thành một số nhóm cơ bản
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 4/2025, cả 3 CTMTQG đã hoàn thành một số nhóm mục tiêu.
Cụ thể, đối với CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong 9 nhóm mục tiêu cụ thể được Quốc hội giao, đã có 6 nhóm cơ bản hoàn thành và vượt mục tiêu cơ bản đề ra gồm: tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số (vượt 0,4%); thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số (vượt 1,3 lần); nhóm mục tiêu về giáo dục (5/5 mục tiêu); nhóm mục tiêu lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề (vượt 17,8%)...
CTMTQG giảm nghèo bền vững, ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2025 duy trì mức giảm 0,8 - 1%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số năm 2025 giảm trên 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo năm 2025 giảm từ 4 - 5%/năm...
Đối với CTMTQG xây dựng nông thôn mới, đến tháng 4/2025, ở cấp xã, cả nước đã có 6.024/7.696 xã (78,3%) đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 23 xã so với tháng3/2025; 7 huyện đã có xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và ra khỏi danh sách huyện “trắng xã nông thôn mới”.
Ở cấp huyện, đến tháng 4/2025 cả nước có 312 đơn vị cấp huyện thuộc 60 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 5 huyện so với tháng 3/2024, chiếm 48,4% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước.
Ở cấp tỉnh, có 23 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 15 tỉnh, thành phố cố 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới và 100% đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới.