Giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm đạt hơn 14% kế hoạch
Theo Bộ Tài chính, ước giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến ngày 30/4/2025 là 128.512,9 tỷ đồng, đạt 14,32% kế hoạch, đạt 15,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Bộ Tài chính vừa có công văn số 5587/BTC-ĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước 3 tháng, ước 4 tháng đầu năm 2025.
Về giải ngân vốn kế hoạch năm 2025, Bộ Tài chính cho biết, lũy kế giải ngân từ đầu năm đến ngày 31/3/2025 là 80.306,8 tỷ đồng, đạt 8,95% kế hoạch, đạt 9,72% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Ước giải ngân từ đầu năm đến ngày 30/4/2025 là 128.512,9 tỷ đồng, đạt 14,32% kế hoạch, đạt 15,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong khi đó, cùng kỳ năm 2024 đạt 15,64% kế hoạch và đạt 16,64% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Như vậy, so với tỷ lệ giải ngân trong 3 tháng đầu năm (tháng 1 đạt 1,26%; tháng 2 đạt 5,43%, tháng 3 đạt 9,72% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), tiến độ giải ngân trong tháng 4 đã bắt đầu có sự tăng tốc, bắt kịp tiến độ so với cùng kỳ năm trước.
12 địa phương giải ngân vốn đầu tư công dưới 10%
Trong 4 tháng qua, 10 Bộ, ngành và 35 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân so với kế hoạch Thủ tướng giao đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Một số Bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân trên 20% như: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (86,43%); Đài Tiếng nói Việt Nam (73,82%); Ngân hàng Chính sách xã hội (41,16%); Bộ Công an (27,24%); Hội Liên hiệp phụ nữ (20,66%).
Các địa phương giải ngân trên 30% như: Phú Thọ (44,39%); Lào Cai (43,45%); Thanh Hóa (39,147%); Hà Nam (38,44%); Bắc Kạn (32,61%); Hà Tĩnh (31,88%); Tuyên Quang (31,08%), Hà Giang (30,64%), Lâm Đồng (30,08%).
Tuy nhiên, cũng trong 4 tháng qua, còn 9 Bộ, ngành và địa phương chưa giải ngân (Văn phòng Chủ tịch nước, Thanh tra Chính phủ, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Kiểm toán nhà nước…).
Và 15 Bộ, ngành giải ngân dưới 5% (như Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Ngoại giao; Bộ Y tế; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh…) và 12 địa phương giải ngân dưới 10% (như Khánh Hòa; Cao Bằng; Bình Dương; Đồng Nai; An Giang; Sóc Trăng; Quảng Trị…).
Kiến nghị, giải pháp của Bộ Tài chính để đẩy nhanh giải ngân vốn
Để triển khai đảm bảo tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025, Bộ Tài chính đề xuất triển khai một số kiến nghị và giải pháp trọng tâm sau:
Đối với số vốn đã phân bổ, tiếp tục thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đôn đốc đẩy mạnh phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2025.
Đối với số vốn ngân sách trung ương chưa phân bổ chi tiết sau ngày 15/3/2025: Bộ Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổng hợp đề xuất bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2025 của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương, báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2025 theo quy định.
Đối với các dự án ODA: Đề nghị các cơ quan chủ quản, chủ dự án bám sát tiến độ thực hiện dự án và tiến độ điều chỉnh dự án, kịp thời tháo gỡ ngay vướng mắc, khó khăn trong triển khai dự án và giải ngân, chỉ đạo tập trung đẩy mạnh giải ngân các dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, công tác đấu thầu, ký kết hợp đồng. Phối hợp với Bộ Tài chính để kịp thời trao đổi với nhà tài trợ trong trường hợp có vướng mắc phát sinh.
Đồng thời rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức triển khai, đặc biệt đối với các dự án có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, trải dài trên nhiều địa phương, thời gian thi công gấp rút, điều kiện địa hình, thời tiết khó khăn, thiếu thốn nguyên vật liệu...
Tăng cường kiểm tra, giám sát, phân công rõ trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành đảm bảo khoa học, hiệu quả công việc.
Các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương báo cáo cụ thể những vấn đề vướng mắc, khó khăn gắn với từng dự án, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện như: về thể chế (nêu rõ vướng mắc tại điểm, khoản, Điều của Luật, Nghị định, Thông tư...), về xác định rõ khâu vướng mắc trong tổ chức thực hiện (đề xuất chủ trương đầu tư, chuẩn bị đầu tư, quyết định đầu tư, giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thanh quyết toán...) và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp, thẩm quyền xử lý vướng mắc.