Giải ngân vốn đầu tư công: Cần vào cuộc với trách nhiệm cao
Tỷ lệ giải ngân 4 tháng đầu năm 2022 đạt thấp và giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021. Với tiến độ này, lượng vốn cần giải ngân từ nay đến cuối năm còn rất lớn. Để đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất khi hết năm ngân sách, rất cần sự vào cuộc với trách nhiệm cao hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư.
Còn 17 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân vốn
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, nếu không tính số kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương các địa phương giao tăng trên 41.994 tỷ đồng, thì tổng số vốn đầu tư đã phân bổ là trên 477.844 tỷ đồng, đạt 92,23% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết còn hơn 40.261 tỷ đồng, chiếm 7,77% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Tuy nhiên, cũng theo báo cáo từ Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân 4 tháng đầu năm 2022 ước đạt 18,48% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (18,65%); trong đó, vốn trong nước đạt 19,57% (cùng kỳ năm 2021 đạt 20,74%), vốn nước ngoài đạt 3,25% (cùng kỳ năm 2021 đạt 2,02%).
Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân 4 tháng đầu năm 2022 đạt thấp, nguyên nhân là do các chủ đầu tư của một số bộ, ngành, địa phương chưa quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác giải ngân vốn đầu tư công. Minh chứng rất cụ thể là cùng một cơ chế, chính sách nhưng có bộ, ngành, địa phương giải ngân cao, bên cạnh đó vẫn còn đến 17 bộ, cơ quan trung ương đến nay vẫn chưa thực hiện giải ngân như: Bộ Ngoại giao, Ủy ban Dân tộc, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam…
Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Hồng Vân
Bên cạnh đó, các dự án khởi công mới đang thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà thầu tư vấn; đang lập thiết kế bản vẽ thi công và tổng dự toán nên chưa giải ngân kế hoạch vốn được giao. Một số dự án gặp vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Đồng thời, giá vật liệu xây dựng thời gian vừa qua tăng cao, nhất là sắt, thép, xăng dầu, nguồn cung cấp vật liệu cho các công trình lớn còn hạn chế.
Đối với các dự án sử dụng vốn nước ngoài, một số dự án sử dụng vốn vay, vốn nhà tài trợ giải ngân theo hình thức ghi thu ghi chi, quá trình thực hiện phải tuân thủ theo quy trình của nhà tài trợ, qua nhiều bước, các bước thực hiện phải xin ý kiến của nhà tài trợ. Một số dự án đang trong quá trình tổng hợp danh mục thiết bị từ dự án thành phần để chuẩn bị thủ tục đấu thầu quốc tế.
Chủ động và quyết liệt hơn nữa
Tại Nghị quyết số 50/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2022, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, đề xuất phương án điều chuyển kế hoạch vốn năm 2022 của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đến ngày 31/3 chưa phân bổ hết cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương khác đã có dự án và có nhu cầu bổ sung vốn. Người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương, địa phương chậm phân bổ kế hoạch vốn chịu trách nhiệm kiểm điểm tập thể, cá nhân liên quan mà không có lý do khách quan, bất khả kháng; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4/2022.
Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính kiểm tra, đôn đốc tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, báo cáo Chính phủ hàng tháng, đề xuất các giải pháp xử lý kịp thời để bảo đảm mục tiêu đề ra.
Ngoài việc thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổng hợp bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn nước ngoài giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 đối với các dự án ODA đã có đủ điều kiện, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 307/CĐ-TTg ngày 8/4/2022 về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài.
Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương quyết liệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại Công điện số 126/CĐ-TTg ngày 12/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; các nghị quyết chỉ thị, văn bản của Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2022...
Đặc biệt, Bộ Tài chính lưu ý các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ theo quy định tại Thông tư số 15/2021/TT-BTC ngày 18/2/2021 quy định về chế độ và biểu mẫu báo cáo tình hình thực hiện, thanh toán vốn đầu tư công, đề xuất giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Vẫn còn một số đơn vị chưa gửi báo cáo định kỳ tình hình giải ngân
Đến thời điểm này, Bộ Tài chính mới nhận được báo cáo định kỳ tình hình giải ngân tháng 3/2021 của 14/51 bộ, cơ quan trung ương và 46/63 địa phương.
Các bộ, cơ quan trung ương bao gồm: Bộ Quốc phòng; Đài Truyền hình Việt Nam; Ban Quản lý Làng Văn hóa Du lịch các Dân tộc Việt Nam; Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ngân hàng Phát triển Việt Nam; Đài Tiếng nói Việt Nam; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Đài Truyền hình Việt Nam; Tòa án Nhân dân tối cao; Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; Bộ Công thương; Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; Bộ Ngoại giao.
Các địa phương bao gồm: Hà Giang, Tuyên Quang, Điện Biên, Lạng Sơn, Yên Bái, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Cạn, Phú Thọ, Lai Châu, Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hưng Yên, Nam Định, Hà Nam, Hải Dương, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu, Hậu Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang.