Giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, cần có quy trình rà soát năng lực cán bộ điều hành

i với vấn đề giao kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu cho rằng, việc giải ngân còn thấp, do đó, cần có quy trình rà soát năng lực cán bộ điều hành.

Sáng 6/7, tiếp tục kỳ họp thứ 7, HĐND TP Hà Nội thảo luận tại hội trường về: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022 của thành phố; tình hình triển khai và tiến độ công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố...

Đại biểu Phạm Đình Đoàn - Tổ đại biểu huyện Mê Linh. Ảnh: KTĐT

Thảo luận tại hội trường, đối với vấn đề giao kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Phạm Đình Đoàn (Tổ đại biểu huyện Mê Linh) cho rằng, việc giải ngân còn thấp, do đó, cần có quy trình rà soát năng lực cán bộ điều hành.

Liên quan đến việc triển khai công tác đấu giá quyền sử dụng đất của Thành phố, đại biểu đề nghị cần làm rõ kết quả đấu giá so với kế hoạch về cả số lượng và số tiền thu để đánh giá mức độ thực hiện.

Đồng thời, phải làm rõ vì sao có quận, huyện đấu giá đất đạt kết quả đạt cao trong khi có quận, huyện đạt kết quả thấp, thậm chí là 0%.

Đại biểu Phạm Quang Thanh (Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn) đánh giá 6 tháng đầu năm 2022, Thành phố có nhiều tín hiệu đáng mừng, lạc quan khi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội vẫn tăng trưởng khá; các chỉ tiêu cân đối lớn đều đảm bảo.

Đại biểu Phạm Quang Thanh - Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn. Ảnh: KTĐT

Đặc biệt, 6 tháng đầu năm được sự quan tâm T.Ư, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quốc hội thông qua Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Đây được kỳ vọng sẽ là 2 động lực lớn để tạo điều kiện phát triển Thủ đô trong dài hạn.

Nêu một số tồn tại được chỉ ra trong báo cáo, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Phạm Quang Thanh cho rằng, công tác phối hợp giữa các phòng, ban, đơn vị trên địa bàn Thành phố chưa thực sự hiệu quả. Đây là điểm nghẽn lớn dẫn đến nhiều bất cập, chậm trễ, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Thành phố.

Do đó, đại biểu đề nghị cần tăng cường sự phối hợp, cải thiện trình, quy rõ trách nhiệm và cải cách thủ tục liên quan việc ra quyết định để việc thực hiện các nhiệm vụ của Thành phố tốt hơn.

Đề cập đến vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Phạm Quang Thanh đánh giá, 6 tháng đầu năm tỷ lệ giải ngân thấp và phần lớn do nguyên nhân chủ quan như: quy trình, thủ tục đầu tư, GPMB, dịch bệnh… Do đó, cần có giải pháp, điều hành linh hoạt hơn để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công phục vụ việc phát triển chung Thành phố.

ĐB Trịnh Xuân Quang- Tổ đại biểu Thanh Xuân. Ảnh: KTĐT

Phát biểu thảo luận, đại biểu Trịnh Xuân Quang (tổ Thanh Xuân) cho rằng, khi Thành phố cơ bản kiểm soát được dịch bệnh đã bước sang giai đoạn phục hồi phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội. GRDP tăng trưởng quý II cao 7,79%; xuất khẩu và tiêu dùng nội địa phát triển mạnh.

Nêu vấn đề công tác đấu giá đất để thu ngân sách địa phương còn chậm…, đại biểu Trịnh Xuân Quang cho rằng Thành phố đã xác định tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về chính sách pháp luật, những nút thắt cần phải tháo gỡ trong xác định giá đất khởi điểm, song nhiều đơn vị tư vấn e ngại.

Nguyên nhân sâu xa là từ những vướng mắc về chính sách pháp luật, phương pháp xác định giá. Thành phố đã có nhóm các giải pháp, trong đó có kiến nghị T.Ư sửa đổi các chính sách đất đai...

Đại biểu cho rằng đây là những đề xuất trúng và đúng. Đồng thời đề nghị, trong Quý III/2022, Thành phố tập trung hiện thực hóa những đề xuất này để đảm bảo hiệu quả thu ngân sách cho Thành phố.

Minh Chí

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/giai-ngan-von-dau-tu-cong-con-thap-can-co-quy-trinh-ra-soat-nang-luc-can-bo-dieu-hanh-post202679.html