Giải ngân vốn đầu tư công năm 2024: Yêu cầu phát huy tính chủ động
Đầu tư công và giải ngân vốn đầu tư công được xác định là động lực của tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh một số động lực quan trọng khác bị thuyên giảm hoặc tăng thấp. Kết quả giải ngân nguồn vốn này năm 2023 đã có bước tiến đáng ghi nhận nhờ sự vào cuộc chủ động từ cấp vĩ mô đến cả hệ thống, các cơ quan, đơn vị, đầu mối hữu quan. Đó là bàn đạp để phát huy trong năm 2024.
Kết quả đáng ghi nhận
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, ước thanh toán vốn đầu tư công của cả nước đến hết ngày 31-1-2024 (thời hạn cuối giải ngân kế hoạch vốn năm 2023) đạt 93,12% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, dù thấp hơn chút ít so với mục tiêu đề ra nhưng vẫn thể hiện rõ sự nỗ lực liên tục và có hiệu quả của các cấp, ngành.
Ngay từ đầu năm 2023, Chính phủ đã xác định, đầu tư công là động lực phát triển, phải phấn đấu giải ngân ở mức cao nhất. Những chuyển biến rõ nét trong giải ngân càng đáng ghi nhận hơn khi số vốn đầu tư công được giao năm 2023 tăng hơn khoảng 25% so với năm 2022. Một số đơn vị đạt kết quả tích cực là Ngân hàng Nhà nước; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Quốc phòng; các tỉnh Quảng Ngãi, Long An, Đồng Tháp, Cà Mau…
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, đến tháng 12-2023, mức giải ngân của Bộ đạt khoảng 90% kế hoạch và dự kiến hết niên độ đạt trên 95%. Để thúc đẩy giải ngân vốn cho các dự án, Bộ đã giao chi tiết kế hoạch và điều chỉnh linh hoạt qua 10 đợt, điều chuyển vốn từ dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ tốt; xử lý cán bộ nhũng nhiễu, gây khó khăn cho nhà thầu trong quá trình thanh toán... Vì vậy, kết quả giải ngân hằng tháng của Bộ luôn duy trì ở mức cao hơn bình quân chung cả nước.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn 63/115 đầu mối, bộ, ngành và địa phương có kết quả giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn bình quân của cả nước; trong đó nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân rất thấp (12 bộ, cơ quan trung ương chỉ giải ngân được dưới 20% và 2 địa phương dưới 40%).
Hiện tượng kết quả giải ngân nơi cao nơi thấp dù cùng cơ chế, chính sách đã nảy sinh từ lâu mà chưa được khắc phục triệt để. Một số nguyên nhân về cơ chế, chính sách tiếp tục được nhận diện. Đó là quy định về quy hoạch sử dụng đất, trọng tâm là việc xác định nguồn gốc đất; quy định việc tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; cơ chế giao một địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư công các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương và sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác; quy định về trình tự lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công hằng năm; thẩm quyền quyết định thời gian bố trí vốn tại Luật Đầu tư công... Đến nay một số quy định đã được sửa đổi, bổ sung, tuy nhiên có nhiều cơ chế vẫn đang trong quá trình rà soát để sửa đổi nên đã ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Nỗ lực ngay từ đầu năm
Ở thời điểm hiện tại, hầu hết các đầu mối, đơn vị sử dụng vốn đầu tư công đều tăng tốc độ thi công, giải ngân vốn theo tinh thần chủ động “chạy đua với thời gian”. Tất cả đều ý thức hơn trong việc vào cuộc từ đầu năm, cố gắng tranh thủ thời gian nhằm giải ngân vốn đầu tư công ở mức tối đa. Có thể nói ý thức “vượt nắng, thắng mưa” đã và đang ngấm vào cách nghĩ, cách làm trên nhiều công trình, dự án. Đơn cử, ngành Giao thông vận tải tiếp tục đặt mục tiêu phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ giao. Đặc biệt là phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác 2 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Giải pháp mà ngành Giao thông vận tải đề ra là tăng cường kiểm tra hiện trường, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm nguồn cung vật liệu...
Nhìn từ góc độ địa phương, nhiều tỉnh cũng chủ động thực hiện giải ngân ngay từ đầu năm 2024. Chính quyền tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành chỉ thị về việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Theo đó, từng chủ đầu tư phải giải ngân vốn do mình quản lý, theo các mốc thời gian, bảo đảm đến ngày 30-6-2024 phải đạt ít nhất 50% kế hoạch vốn; đến ngày 30-9 đạt 70%; đến ngày 30-11 đạt 90% và đến ngày 31-12-2024 phải đạt 100%. Tỉnh thành lập 5 tổ công tác để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Phát huy hiệu quả đầu tư công, bảo đảm thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, thành phố Hà Nội quán triệt quan điểm chỉ đạo là vốn đầu tư công phải được giao ngay từ đầu năm cho các cơ quan, đơn vị, địa phương; quyết liệt triển khai nhiệm vụ ngay từ ngày đầu, tháng đầu tiên của năm 2024, tránh tình trạng dồn giải ngân vào cuối năm. Trong đó, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; Dự án đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục (giai đoạn 1)... là những công trình lớn, trọng điểm, có tính đột phá và giá trị lan tỏa cao.
Theo Bộ Tài chính, chủ động thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tại các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị, Công điện và văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là yêu cầu đối với các bộ, ngành, địa phương.
Lũy kế giải ngân vốn đầu tư công của thành phố Hà Nội đến hết ngày 31-1-2024 dự kiến đạt khoảng 52.500/57.305 tỷ đồng, tương đương với 91,6% kế hoạch năm 2023 và đạt 111,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Hà Nội sẽ từng bước hoàn thiện việc phân công, phân cấp trong quản lý và phân bổ vốn đầu tư công gắn với thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội” để tăng tính chủ động cho các chủ đầu tư.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú:
Kết quả giải ngân là đáng ghi nhận
Theo tôi, kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 là rất đáng ghi nhận, nhất là xét trong hoàn cảnh nhiều khó khăn, bất cập về cơ chế chưa hoàn thiện, bên cạnh việc thiếu cục bộ nguồn vật liệu. Có thể nói đó là sự cộng hưởng từ chỉ đạo quyết liệt của Trung ương đến việc triển khai ở cơ sở và từng dự án. Đáng nói hơn là số vốn đầu tư công phân bổ cho năm 2023 tăng khá nhiều so với năm 2022. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công đang thật sự là nguồn động lực tăng trưởng, kích đẩy quy mô GDP quốc gia tăng lên.
Năm 2024, Chính phủ, cùng các cấp, ngành, địa phương, chủ đầu tư từng dự án cần tiếp tục triển khai những giải pháp mang tính đồng bộ, phù hợp, cũng như khắc phục những hạn chế, tồn tại để tập trung giải ngân nguồn này càng sớm càng tốt, hướng tới kết quả tối đa. Cần tranh thủ thời gian, cơ hội để triển khai các dự án, bảo đảm tiêu chí về tiến độ - chất lượng - hiệu quả để xã hội có cơ hội thụ hưởng những thành quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ:
Hy vọng năm 2024 sẽ đạt tỷ lệ cao hơn
Dù chưa được như kỳ vọng song kết quả giải ngân vốn đầu tư công của năm 2023 cũng rất đáng ghi nhận bởi lượng vốn được giao đã tăng 25% so với năm 2022. Kết quả trên cho thấy sự nỗ lực, chủ động và trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương trong nhiệm vụ nhiều khó khăn, phức tạp này.
Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nhanh hơn nữa trong năm 2024, tôi cho rằng cần sớm sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan đến các bước thực hiện dự án đầu tư, ngăn chặn tình trạng chồng chéo, vênh nhau, dẫn đến khó áp dụng cho các đơn vị liên quan; lựa chọn nhà thầu bảo đảm tiêu chuẩn về năng lực; đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa nhà thầu, chủ đầu tư và chính quyền địa phương trong quá trình triển khai. Tôi được biết, ngay từ đầu năm 2024, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện giao tổng số vốn đạt tới 632.000 tỷ đồng, tức là gần 97% (đầu năm 2023 tỷ lệ này chỉ đạt hơn 73%). Tôi hy vọng và tin tưởng, với đà này, nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2024 sẽ đạt tỷ lệ cao hơn.
Bà Trần Kiều Anh, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ:
Người dân được hưởng thụ từ các dự án đầu tư công
Qua báo đài, tôi được biết Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề giải ngân vốn đầu tư công. Chính phủ đã thành lập và duy trì các tổ công tác để kiểm tra, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời thành lập các đoàn công tác do thành viên Chính phủ làm trưởng đoàn để làm việc với các địa phương nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Là người dân, tôi rất vui vì thời gian qua nhiều công trình, dự án có nguồn vốn đầu tư công đã được triển khai, từ đó, người dân được hưởng thụ từ những công trình này. Tôi biết rằng, việc giải ngân vốn đầu tư công gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và cũng đang dần được tháo gỡ. Tôi hy vọng rằng, với các giải pháp được đưa ra, cùng sự nâng cao trách nhiệm của các địa phương, đơn vị liên quan, việc giải ngân vốn đầu tư công sẽ được đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới, để người dân ngày càng được hưởng thụ từ các công trình, dự án đầu tư công.
Hiền - Hương ghi