Giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục 'ì ạch'

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên cả nước 7 tháng đầu năm 2022 giảm nhẹ so với cùng giai đoạn năm 2021, dù dịch bệnh đang được kiểm soát khá tốt.

Bộ Tài chính cho biết số giải ngân vốn đầu tư công trên cả nước ở mức 177.827,75 tỉ đồng sau 7 tháng đầu năm 2022, bằng 29,74% tổng kế hoạch vốn được giao cả năm và bằng 32,8% kế hoạch Thủ tướng giao. Tỷ lệ này lần lượt thấp hơn 0,87% và 4,16% so với cùng giai đoạn năm trước.

Theo đó, vốn trong nước giải ngân đạt 173.307,06 tỉ đồng – bằng 30,77% kế hoạch, vốn nước ngoài giải ngân đạt 4.520,69 tỉ đồng – bằng 12,99% kế hoạch.

Việc giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án tiếp tục gặp khó khăn do giá nguyên nhiên liệu, vật liệu tăng cao đột biến, chậm giải phóng mặt bằng. Ảnh minh họa: Bộ Tài chính.

Việc giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án tiếp tục gặp khó khăn do giá nguyên nhiên liệu, vật liệu tăng cao đột biến, chậm giải phóng mặt bằng. Ảnh minh họa: Bộ Tài chính.

Bộ Tài chính dự báo số giải ngân đạt 212.227,28 tỉ đồng tính tới 31-8-2022, bằng 35,49% tổng kế hoạch vốn và bằng 39,15% kế hoạch Thủ tướng giao. Tỷ lệ này vẫn thấp hơn lần lượt 0,59% và 1,45% so với cùng giai đoạn năm trước.

Cũng theo Bộ Tài chính, có 35/51 bộ và 20/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 35%. Trong đó, có 27 bộ và 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20%.

Đặc biệt, một số bộ và cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân rất thấp như Tập đoàn Điện lực Việt Nam với 3,43%, Bộ Y tế với 4,17%.

Lý giải nguyên nhân, báo cáo của 6 tổ công tác của Chính phủ sau khi làm việc với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương cho thấy có 3 nhóm vấn đề chính với khoảng 21 tồn tại, khó khăn vướng mắc thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đã cản trở tiến độ giải ngân.

Nhóm thứ nhất liên quan đến thể chế, chính sách về lĩnh vực đất đai, tài nguyên – môi trường, ngân sách nhà nước (NSNN) và công sản, xây dựng, đấu thầu, đầu tư công.

Nhóm thứ hai liên quan đến tổ chức triển khai thực hiện, bao gồm công tác lập kế hoạch đầu tư vốn NSNN; các cấp, các ngành và người đứng đầu chưa thực sự vào cuộc.

Nhóm thứ ba là nhóm khó khăn mang tính đặc thù của năm 2022 như giá nguyên, nhiên vật liệu, xăng dầu trong những tháng đầu năm tăng cao, có tình trạng khan hiếm nguồn cung về đất, cát để san lấp mặt bằng.

Ngoài ra, đây là năm thứ hai triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, kế hoạch này mới được Quốc hội thông qua từ tháng 7-2021 nên vốn giải ngân từ đầu năm 2022 chủ yếu là các dự án chuyển tiếp.

Còn các dự án mới thì vẫn đang trong quá trình chuẩn bị, làm thủ tục. Quá trình này thông thường mất khoảng 6-8 tháng, nên phải tới cuối năm mới có thể giải ngân được.

Để thúc đẩy giải ngân đầu tư công trong thời gian tới, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), cho rằng không chỉ cần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến Luật đầu tư công, mà phải quan tâm sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật khác liên quan. Bảo đảm hệ thống pháp luật đồng bộ, rõ ràng, liên tục là điều kiện tiên quyết để thực hiện dự án đầu tư công thuận lợi.

Bên cạnh đó, phải chuẩn bị dự án từ sớm, từ xa, chuẩn bị dự án thật tốt, nghiên cứu và bổ sung quy định về một số hành động được thực hiện trước trong quá trình chuẩn bị đầu tư. Khâu chuẩn bị thực hiện dự án phải làm tốt, bảo đảm tính khả thi, tính sẵn sàng, nhất là về mặt bằng để nếu được phân bổ vốn có thể giải ngân sớm.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết hiện Chính phủ đang tiếp tục nghiên cứu để báo cáo Quốc hội cho phép tách giải phóng mặt bằng thành một dự án độc lập, được thực hiện với các quy định đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tế, tạo thuận lợi hơn cho công tác chuẩn bị, nâng cao tính sẵn sàng và triển khai dự án.

Và để quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư công hiệu quả, tiết kiệm, không lãng phí, đúng mục tiêu, đối tượng, tuân thủ quy định về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn thì cũng cần nhìn thẳng vào những điểm nghẽn đang cản trở, làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Chẳng hạn, chuyện kỷ cương, kỷ luật đầu tư công chưa nghiêm, năng lực chuyên môn của cán bộ các cấp, và trách nhiệm người đứng đầu. Nếu từng điểm nghẽn, hạn chế được giải quyết thì giải ngân đầu tư công sẽ được cải thiện.

Còn Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo tại Nghị quyết số 11 của Chính phủ, Công điện số 126 của Thủ tướng về đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Nghị quyết số 85 của Chính phủ về Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, xử lý ngay những tồn tại, hạn chế, đề cao trách nhiệm người đứng đầu.

Ngoài ra, rà soát đề xuất kịp thời điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, bao gồm việc điều chuyển kế hoạch vốn của các dự án trọng điểm, có tính chất liên vùng, đường ven biển.

Vân Phong

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/giai-ngan-von-dau-tu-cong-tiep-tuc-i-ach-2/