Giải nghĩa lạm phát kỷ lục tại Eurozone

Lạm phát đã nổi lên như một vấn đề chính thách thức các nhà hoạch định chính sách kinh tế trên thế giới. Nhưng khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), nơi tỷ lệ lạm phát đang chạm mức kỷ lục 5%, đã xuất hiện những tín hiệu lạc quan.

Người tiêu dùng châu Âu cân nhắc chi tiêu khi giá thực phẩm tăng vọt

Người tiêu dùng châu Âu cân nhắc chi tiêu khi giá thực phẩm tăng vọt

Lạm phát đến đỉnh

Lạm phát ở 19 quốc gia Eurozone đã lên mức cao kỷ lục vào tháng 12-2021, ở mức 5%, do giá năng lượng và thực phẩm tăng cao.

Tuy nhiên, theo Văn phòng Thống kê của Liên minh châu Âu (Eurostat), ngoại trừ giá năng lượng và thực phẩm, mức tăng của giá dịch vụ lại giảm xuống còn 2,4%.

Báo Indian Express dẫn lời một số nhà kinh tế cho rằng, lạm phát trong Eurozone sẽ sớm đạt đỉnh. Theo ông Bert Colijn, nhà kinh tế cấp cao tại ING Bank, yếu tố lớn nhất là giá khí đốt tự nhiên đã biến động mạnh trong những tuần gần đây. Sự mở cửa trở lại nhanh chóng của nền kinh tế dẫn đến giá nhiên liệu, khí đốt và điện năng tăng theo chiều thẳng đứng. Giá các loại nhiên liệu này tại thị trường kỳ hạn cho thấy lạm phát năng lượng có thể đạt đỉnh và sẽ giảm bớt.

Song song đó, dựa trên các cuộc khảo sát và phản hồi từ giới phân tích, thế giới hiện đang ở hoặc gần đến mức tồi tệ nhất của sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Điều đó đồng nghĩa, chuỗi cung ứng sẽ dần trở lại bình thường, hàng hóa lưu kho tăng lên và giá cả sẽ giảm hoặc ít nhất là không tăng vọt nữa. Do vậy, các nhà kinh tế học dự báo lạm phát ở các thị trường lớn sắp đạt đỉnh rồi thoái trào.

Các biện pháp ngoài ngân hàng

Trong bài phát biểu tại Thượng viện Pháp ngày 14-1, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde bày tỏ hy vọng các yếu tố khiến tỷ lệ lạm phát tại Eurozone tăng cao trong những tháng gần đây sẽ giảm bớt trong năm 2022. Bà cho biết sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo rằng khối có thể đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 2% trong trung hạn.

Trước đó, tại cuộc họp của hội đồng quản trị ngân hàng trong tháng 12-2021, các nhà hoạch định chính sách đã nhất trí “từng bước” giảm quy mô chương trình mua trái phiếu của ngân hàng, coi đây là một trong những biện pháp giúp giảm lạm phát tại Eurozone. Chương trình mua tài sản khổng lồ vốn được xem là công cụ chủ chốt để chống khủng hoảng của ECB, với việc giữ chi phí đi vay ở mức thấp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Biến thể Omicron đang diễn biến phức tạp và những ảnh hưởng không dự đoán được của nó đối với nền kinh tế toàn cầu đã khiến các ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất để chống lại lạm phát tăng vọt. Ngân hàng Trung ương Anh tháng trước đã trở thành ngân hàng trung ương đầu tiên của một nền kinh tế tiên tiến tăng lãi suất kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Ông Seth Carpenter, một chuyên gia cấp cao của Morgan Stanley, lạc quan cho rằng, năm 2022 mọi thứ sẽ sớm trở lại bình thường. Chính sách tiền tệ có thể được thắt chặt, nhưng sẽ không siết đến nỗi khiến các nhà đầu tư lo ngại. Còn trong dự báo đưa ra vào tháng 12-2021, ECB cho rằng lạm phát sẽ tăng lên mức hơn 3% trong năm 2022, trước khi giảm trở lại dưới mức 2% theo như mục tiêu của ngân hàng này trong năm 2023.

HẠNH CHI tổng hợp

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/giai-nghia-lam-phat-ky-luc-tai-eurozone-788739.html