Giải nhì: Kỷ lục gia làm túi xách từ bao mì gói

Bằng việc tận dụng vỏ bao bì thực phẩm, thầy Lê Quốc Toàn - Giáo viên mỹ thuật của Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Lý Thường Kiệt (TP. Sóc Trăng) đã tạo ra nhiều chiếc túi xách và những đồ dùng khác; đặc biệt, trong tháng 8 vừa qua, bộ sưu tập túi xách làm bằng bao bì mì gói của thầy Toàn đã được xác lập kỷ lục bởi Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings).

Trở thành kỷ lục gia từ việc tái chế bao mì gói

Đối với nhiều người, bao bì của các loại thực phẩm, như: mì gói, túi cà phê hay các gói snack sau qua sử dụng thường trở thành phế phẩm, không bán ve chai hay tái sử dụng lại được. Tuy nhiên, với thầy Lê Quốc Toàn, những thứ phế phẩm này lại là vật liệu quan trọng để tạo ra nhiều sản phẩm đẹp mắt và có giá trị sử dụng cao. Với sự mày mò sáng tạo và khéo léo, thầy Toàn đã tạo ra 44 chiếc túi xách và ngày 26-8-2018, bộ sưu tập túi xách đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Người thực hiện Bộ sưu tập túi xách tái chế từ bao mì gói đầu tiên và nhiều nhất”.

Một số mẫu trong bộ sưu tập túi xách được làm từ bao mì gói.

Một số mẫu trong bộ sưu tập túi xách được làm từ bao mì gói.

Để làm được bộ sưu tập túi xách có tính thẩm mỹ và giá trị ứng dụng cao, thầy giáo sinh năm 1980 đã dành thời gian rảnh rỗi trong khoảng 4 năm qua để tận dụng bao bì của mì gói để tạo ra từng chiếc túi xách với nhiều kích cỡ khác nhau, như: 30cm x 18cm x 13cm; 30cm x 20cm x 15cm, 20cm x 18cm x 14cm… Theo thầy Toàn, những chiếc túi càng nhỏ càng khó làm vì nhiều chi tiết đòi hỏi sự tỉ mỉ, độ chính xác cao. Để thực hiện một chiếc túi xách tái chế, phải qua nhiều công đoạn, như: chọn bao bì phù hợp với ý tưởng, tiếp theo là vệ sinh, cắt, se bao bì và đan theo kích thước của bản vẽ trước đó. “Công đoạn se từng mảnh bao bì thành cọng để đan được xem là khó nhất vì phải khéo léo để các cọng kết nối với nhau cho vừa vặn, đảm bảo kích thước sau khi sản phẩm hoàn chỉnh. Sau khi đan xong thì may phần ruột túi xách để ghép vào các mảnh bao bì đã được đan và cuối cùng là trang trí thêm cườm, hoa văn… để sản phẩm hợp thời trang và nổi bật” - thầy Toàn chân tình cho biết.

Sản phẩm góp phần bảo vệ môi trường

Thầy Toàn chia sẻ: “Trước đây, trong thời gian còn là sinh viên, tôi có dịp đi thực tế ở nơi làm nghề thủ công bằng lục bình. Tôi nảy ra ý tưởng có thể sử dụng vật liệu khác để tạo ra sản phẩm thủ công nhưng cũng góp phần bảo vệ môi trường. Ấp ủ suy nghĩ này đến khi ra trường đi dạy, nhận thấy ngày càng có nhiều bao bì mì gói thải ra môi trường, phải mất nhiều năm mới bị phân hủy, gây ảnh hưởng đến môi trường sống của con người. Thấy vậy, tôi nhặt vài bao bì mì gói ở căn-tin của trường về vệ sinh sạch sẽ rồi cắt ra và se lại thành cọng để đan tạo hình túi xách”. Để có đủ vật liệu thực hiện, thời gian đầu, thầy Toàn xin bao bì của căn-tin trong trường nhưng với số lượng nhiều, thầy Toàn đặt mua 1kg với giá 20.000 đồng, trung bình 1kg bao bì mì gói sẽ đan được 6 cái túi xách.

Nhớ lại 4 năm trước, khi bắt đầu thực hiện ý tưởng, thầy giáo trẻ cho biết phải bỏ ngoài tai những lời bàn tán của nhiều người, họ nghĩ rằng mình “khùng” vì đi nhặt rác để làm những việc nhỏ nhoi. Tuy nhiên, khi những sản phẩm đầu tay hoàn thành, không chỉ bản thân thầy Toàn phấn khởi mà người khác thấy cũng phải trầm trồ khen ngợi, nhiều người còn khó nhận ra chiếc túi xách có kiểu dáng hợp thời trang, màu sắc nổi bật và đường nét khá tinh xảo lại được làm từ bao bì của mì gói đã bị vứt đi. Cô Phạm Phương Chi - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Lý Thường Kiệt cho biết: “Thầy Toàn có tặng tôi 1 chiếc túi xách. Đến nay tôi đã sử dụng hơn 1 năm, sản phẩm vừa đẹp, bền, thích nghi với thời tiết nắng mưa và có thể chứa đồ vật với trọng lượng từ 2kg đến 3kg”.

Thầy Toàn vinh dự được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Người thực hiện Bộ sưu tập túi xách tái chế từ bao mì gói đầu tiên và nhiều nhất”.

Thầy Toàn vinh dự được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Người thực hiện Bộ sưu tập túi xách tái chế từ bao mì gói đầu tiên và nhiều nhất”.

Theo thầy Toàn, nếu những mặt hàng thủ công được làm từ lục bình phải phun sơn bóng hay qua khâu xử lý khác để sản phẩm bắt mắt hơn thì túi xách tái chế từ bao bì nilông lại có sẵn độ bóng, màu sắc lại nổi bật. Trong quá trình sử dụng còn có thể giặt và sấy khô. Nếu các sản phẩm được làm từ lục bình được xem là mặt hàng thân thiện với môi trường thì những chiếc túi xách được đan bằng bao mì gói lại góp phần bảo vệ môi trường.

Mong muốn được đầu tư để phổ biến sản phẩm

Hiện nay, ngoài bộ sưu tập túi xách, thầy Toàn còn tận dụng bao bì bằng nilông của các loại thực phẩm khác để làm hộp đựng đồ, đèn ngủ, bộ bàn ghế đơn giản. Không dừng lại ở đây, thầy giáo với niềm đam mê sáng tạo đồ thủ công này còn đang ấp ủ sẽ thực hiện 1 bộ ghế sofa bằng bao bì mì gói. Từ những sản phẩm đang có, thầy Toàn còn lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường từ việc sử dụng vật liệu tái chế vào việc dạy học cho các em học sinh để thêm phần trực quan, sinh động hơn.

Việc vinh dự ghi tên mình vào Kỷ lục Việt Nam với Bộ sưu tập túi xách từ bao mì gói đầu tiên và nhiều nhất, thầy Toàn mong muốn sản phẩm của mình được quảng bá rộng rãi để có điều kiện thu hút, mời gọi nhà đầu tư đến phát triển sản phẩm. “Do đây là mặt hàng thủ công nên nếu làm số lượng lớn để bán ra thị trường cần có nhà đầu tư hỗ trợ, tôi cũng sẵn sàng truyền nghề để tạo ra đội ngũ lao động có tay nghề từ khâu đan bao bì, may, định hình sản phẩm… để các mặt hàng được ứng dụng rộng rãi ra thị trường, nhất là việc thu hút thị hiếu của khách du lịch nước ngoài” - thầy Toàn vui vẻ cho biết thêm.

Trong quá trình đô thị hóa đã kéo theo sự gia tăng của chất thải sinh hoạt, trong đó có chất thải túi nilông. Các bao bì nilông khi vứt ra ngoài môi trường lại mất rất nhiều năm mới phân hủy, gây ảnh hưởng đến môi trường đất, nước và sức khỏe người dân. Nếu được các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản phẩm tái chế trên sẽ vừa góp phần bảo vệ môi trường vừa tạo ra ngành nghề mới, giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương.

Quốc Kha

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/tac-pham-dat-giai-bao-chi-tinh-soc-trang-nam-2018/giai-nhi-ky-luc-gia-lam-tui-xach-tu-bao-mi-goi-28028.html