Giải Nobel Hòa bình 2021 được trao cho hai nhà báo điều tra

Giải Nobel Hòa bình 2021 đã được trao hôm thứ Sáu (8/10) cho các nhà báo Maria Ressa của Philippines và Dmitry Muratov của Nga vì cuộc đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận ở quốc gia của họ.

"Bà Ressa và ông Muratov đã nhận Giải thưởng Hòa bình vì đã dũng cảm đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận ở Philippines và Nga", Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy phát biểu trong một cuộc họp báo.

"Đồng thời, họ là đại diện của tất cả các nhà báo đứng lên vì lý tưởng này trong một thế giới mà dân chủ và tự do báo chí phải đối mặt với những điều kiện ngày càng bất lợi", bà nói thêm.

Hai nhà báo đoạt giải nobel hòa bình năm 2021 Maria Ressa (trái) và Dmitry Muratov. Ảnh: Twitter/@NobelPrize

Nhà báo Ressa, 58 tuổi, nói với kênh truyền hình Na Uy TV2 rằng cô rất "sốc" và "xúc động" khi nhận được vinh dự, điều mà cô nói sẽ mang lại cho cô và các đồng nghiệp "năng lượng to lớn để tiếp tục chiến đấu".

Năm 2012, Ressa đồng sáng lập Rappler, một công ty truyền thông kỹ thuật số về báo chí điều tra mà cô vẫn đứng đầu, trong khi Muratov là một trong những người sáng lập tờ báo độc lập Novaya Gazeta.

Rappler đã "tập trung sự chú ý chỉ trích vào chiến dịch chống ma túy giết người, gây tranh cãi của chính quyền Tổng thống Duterte", Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy, Reiss-Andersen nói.

Bà Reiss-Andersen cho biết thêm: “Số người chết quá cao khiến cho chiến dịch này giống như một cuộc chiến chống lại người dân của đất nước”.

Nhà báo Ressa và Rappler cũng đã ghi lại cách phương tiện truyền thông xã hội đang được sử dụng để lan truyền tin tức giả mạo, quấy rối đối thủ và thao túng diễn thuyết của công chúng.

Ressa, một cựu phóng viên CNN, người cũng có quốc tịch Mỹ, hiện đang được tại ngoại để chờ kháng cáo về bản án năm ngoái trong một vụ án phỉ báng trên mạng, mà cô phải đối mặt với án tù 6 năm.

Trong khi đó, nhà báo Muratov, 59 tuổi, đã bảo vệ quyền tự do ngôn luận ở Nga trong nhiều thập kỷ, trong những điều kiện ngày càng thách thức.

Năm 1993, ông là người sáng lập Novaya Gazeta và là tổng biên tập của tờ báo này từ năm 1995, nơi có "thái độ phê phán cơ bản đối với quyền lực", Ủy ban Nobel Hòa bình cho biết.

Các đối thủ của Novaya Gazeta đã đáp trả bằng các hành vi quấy rối, đe dọa, bạo lực và giết người.

Kể từ khi tờ báo ra đời, sáu nhà báo của tờ báo đã thiệt mạng, trong đó có Anna Politkovskaya, người đã viết những bài báo tiết lộ về cuộc chiến ở Chechnya.

“Bất chấp những vụ giết chóc và đe dọa, tổng biên tập Muratov vẫn từ chối từ bỏ chính sách độc lập của tờ báo”, bà Reiss-Andersen nói. "Ông ấy đã nhất quán bảo vệ quyền của các nhà báo được viết bất cứ điều gì họ muốn về bất cứ điều gì họ muốn, miễn là họ tuân thủ các tiêu chuẩn nghề nghiệp và đạo đức của báo chí".

Điện Kremlin đã chúc mừng nhà báo Muratov vì giải thưởng cao quý - Ảnh: Reuters

Điện Kremlin chúc mừng Muratov

Sau thông báo hôm thứ Sáu (8/10), văn phòng nhân quyền của Liên Hiệp Quốc đã chúc mừng Ressa và Muratov nhận giải, nói rằng đó là "sự công nhận tầm quan trọng của công việc của các nhà báo trong những hoàn cảnh khó khăn nhất".

Người phát ngôn Ravina Shamdasani nói với các nhà báo tại một cuộc họp ngắn của Liên Hợp Quốc ở Geneva rằng, “Trong suốt những năm qua, chúng tôi đã chứng kiến sự gia tăng các vụ tấn công vào các nhà báo trong các đợt phong tỏa Covid”.

"Tôi nghĩ tôi sẽ nói thay cho Cao ủy (Michelle Bachelet) khi tôi nói lời chúc mừng đến tất cả các nhà báo ngoài kia, những người đang làm công việc của họ để cung cấp thông tin cho chúng tôi và khuếch đại tiếng nói của các nạn nhân ở khắp mọi nơi", Shamdasani nói thêm.

Trong khi đó, Điện Kremlin cũng chúc mừng nhà báo Muratov đã giành được giải thưởng bất chấp việc tờ báo của ông thường xuyên chỉ trích các nhà chức trách Nga.

"Chúng tôi có thể chúc mừng Dmitry Muratov", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên.

"Ông ấy kiên trì làm việc theo lý tưởng của riêng mình, ông ấy cống hiến bằng tài năng và sự dũng cảm", ông Peskov nói.

Giải thưởng năm 2021 là giải thưởng đầu tiên dành cho các nhà báo kể từ khi Carl von Ossietzky người Đức giành được nó vào năm 1935 vì tiết lộ chương trình tái vũ trang bí mật của đất nước Đức sau chiến tranh.

Giải Nobel Hòa bình sẽ được trao vào ngày 10 tháng 12, kỷ niệm ngày mất của nhà công nghiệp Thụy Điển Alfred Nobel, người đã sáng lập giải thưởng trong di chúc năm 1895 của ông.

Phan Nguyên (Theo France24)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/giai-nobel-hoa-binh-2021-duoc-trao-cho-hai-nha-bao-dieu-tra-post160439.html