Giải pháp bảo vệ môi trường từ tái chế rác thải nhựa

Công trình khoa học 'Hoàn thiện công nghệ, thiết bị tái chế rác thải nhựa phục vụ nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng' của TS Trương Ngọc Tuấn cùng cộng sự đã khắc phục một số hạn chế cơ bản của ngành nhựa tái chế, ngăn ngừa tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.

TS Trương Ngọc Tuấn (bên phải) và cộng sự nghiên cứu, thực hiện công trình khoa học. Ảnh: NVCC.

TS Trương Ngọc Tuấn (bên phải) và cộng sự nghiên cứu, thực hiện công trình khoa học. Ảnh: NVCC.

Ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa đang trở thành một trong những vấn đề bức thiết hàng đầu mà các quốc gia trên thế giới phải đối mặt. Việt Nam đã và đang thực thi nhiều chiến lược để giảm thiểu rác thải nhựa và bảo vệ môi trường. Việc lạm dụng sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường, vấn đề ô nhiễm nhựa, gây thiệt hại to lớn cho môi trường sinh thái ở nước ta, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội.

Trước tình hình đó, nhằm khắc phục tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa, TS Trương Ngọc Tuấn (công tác tại tỉnh Thanh Hóa) cùng các cộng sự đã lên ý tưởng, nghiên cứu, hoàn thiện được công nghệ, thiết bị tái chế rác thải màng co PVC và rác thải nhựa PVC, sản xuất sản phẩm nhựa PVC với giá cả cạnh tranh phục vụ nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.

Ông Tuấn cho biết, trong quá trình nghiên cứu sản xuất công trình đã khắc phục các hạn chế cơ bản sau đây của ngành nhựa tái chế. Đơn cử, như không phải tạo hạt nhựa trước khi đưa vào công đoạn thổi ống, hạn chế tối đa nhựa thải, tiêu hao năng lượng là điện năng cũng như nhân công, tránh lãng phí nguyên liệu nhựa trong quá trình tạo hạt. Đồng thời, chất lượng sản phẩm gia tăng đáng kể so với sản phẩm tái chế thông thường trên thị trường không tốt do máy đùn 1 trục vít độ nén và độ chính xác kém.

“Vấn đề đặt ra hiện nay của tái chế rác thải nhựa là làm sao để tận dụng tối đa được lượng rác thải nhựa để tái chế được mà vẫn đảm bảo các yếu tố môi trường, cũng như tiết kiệm tối đa các nguồn năng lượng. Chính vì vậy, công trình khoa học của nhóm có mục đích là hoàn thiện dây chuyền sản xuất để có thể khắc phục được những hạn chế này” - TS Tuấn cho hay.

Theo TS Tuấn, công trình khoa học “Hoàn thiện công nghệ, thiết bị tái chế rác thải nhựa phục vụ nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng” đã góp phần ổn định kinh tế tại địa phương, tạo tiền đề cho việc xây dựng các chính sách khuyến khích phát triển ngành công nghệ tái chế rác thải, kinh tế tuần hoàn và năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, khu vực Bắc miền Trung và phạm vi cả nước. Thành công của công trình nghiên cứu đã từng bước định hình triển vọng mới trong việc biến rác thải thành nguồn nguyên liệu phục vụ cho việc sản xuất các sản phẩm với giá cả cạnh tranh phục vụ ngành xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp đang cung ứng trên thị trường.

"Nhóm tác giả tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các khâu chuyển giao đề tài để đem đến nhiều hiệu quả tích cực hơn với cộng đồng, với xã hội. Chúng tôi cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ về chính sách nhà nước trong xử lý rác thải môi trường, quảng bá, thúc đẩy sử dụng sản phẩm do đề tài nghiên cứu này mang lại" - TS Tuấn cho biết.

Với tính ứng dụng cao, công trình khoa học “Hoàn thiện công nghệ, thiết bị tái chế rác thải nhựa phục vụ nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng” của tác giả Trương Ngọc Tuấn cùng cộng sự đã đạt Giải Nhì Giải thưởng Sáng tạo khoa học và công nghệ Việt Nam năm 2022 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức. Công trình cũng được vinh danh trong danh sách các công trình, giải pháp khoa học công nghệ của Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2023.

Tiến Đạt

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/giai-phap-bao-ve-moi-truong-tu-tai-che-rac-thai-nhua-10273427.html