Giải pháp cân bằng tâm lý trong mùa dịch

Khi thời gian giãn cách xã hội kéo dài, tình hình dịch Covid-19 diễn biến ngày một phức tạp. Người lớn bị mất việc hoặc làm việc tại nhà, trẻ em chuyển sang hình thức học trực tuyến, những tương tác trực tiếp với người ngoài bị hạn chế thì cân bằng tâm lý trở thành vấn đề đáng được lưu tâm.

Tại tọa đàm, các chuyên gia đã thảo luận các vấn đề về tâm lý trong mùa dịch và các giải pháp ổn định tâm lý để vượt qua thời điểm dịch bệnh.

Tại tọa đàm, các chuyên gia đã thảo luận các vấn đề về tâm lý trong mùa dịch và các giải pháp ổn định tâm lý để vượt qua thời điểm dịch bệnh.

Ngày 11/9, tại Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp với Khoa Tâm lý tổ chức tọa đàm “Cân bằng tâm lý và giảm thiểu stress trong mùa dịch”.

Tại tọa đàm, nhiều vấn đề về tâm lý trong mùa dịch và các giải pháp ổn định tâm lý để vượt qua thời điểm dịch bệnh được các chuyên gia đưa ra bàn luận.

Theo TS Trần Thu Hương, Khoa Tâm lý học, Đại học Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), dịch Covid-19 đã làm gián đoạn cuộc sống thường nhật, làm dấy lên nỗi căng thẳng, sợ hãi, lo lắng về những mất mát cả về sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần.

Trong thời gian giãn cách xã hội, con người có thể tự phá vỡ hầu hết các giới hạn, các thói quen thường nhật, lúc bận rộn thì ước có những ngày được tự do, giờ được “tự do trong giới hạn” thì lại thấy áp lực.

Với một người trưởng thành, công việc, gia đình và tương tác xã hội là ba đích đến có tầm ảnh hưởng. Giãn cách làm gián đoạn, ngắt con người khỏi các tương tác xã hội, tạo ra những “khoảng lặng trong các mối quan hệ”.

“Những khoảng lặng này có thể xuất hiện ngay cả trong những mối quan hệ thân thiết nhất, nhưng nếu tận dụng để suy ngẫm, cùng một vấn đề xảy ra, cách tiếp cận tích cực sẽ đưa đến hành động và thái độ lạc quan”, TS. Trần Thu Hương nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, PGS, TS Bùi Thị Hồng Thái, Khoa Tâm lý học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: Các yếu tố gây căng thẳng lớn từ bên ngoài như thiên tai hoặc đại dịch không chỉ tác động đến tâm lý của mỗi cá nhân, làm gia tăng nguy cơ đối với các rối loạn sức khỏe tâm thần như trầm cảm, lo âu, căng thẳng mà còn có thể tác động đến những mối quan hệ mật thiết như vợ - chồng, cha mẹ - con cái.

Giãn cách xã hội thay đổi về hình thức làm việc và học tập có thể tác động đến các mối quan hệ gia đình theo cả hai chiều hướng tiêu cực và tích cực.

Những tác động tiêu cực có thể thấy là cha mẹ và con cái đều có thể trải nghiệm cảm giác mất sự riêng tư do sự hiện diện thường trực của các thành viên khác trong gia đình; cha mẹ có thể cảm thấy mất cân bằng giữa việc chăm sóc con cái, việc học tập của con và công việc của bản thân.

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, trong bối cảnh dịch bệnh, mỗi cá nhân và gia đình có cơ hội suy ngẫm và đánh giá lại các mối ưu tiên trong cuộc sống, công việc, sự nghiệp...; điều này thúc đẩy sự quan tâm, việc thể hiện tình cảm, sự chia sẻ các trách nhiệm chung với các thành viên trong gia đình; có điều kiện để thực hiện các hoạt động thể chất, tăng cường sức khỏe.

PGS, TS Bùi Thị Hồng Thái cũng đưa ra lời khuyên: Nếu đã cố gắng áp dụng các cách thức khác nhau mà người trong cuộc vẫn cảm thấy bế tắc, khó chịu, không cảm nhận được niềm hạnh phúc trong cuộc sống thì hãy tìm kiếm sự trợ giúp của các chuyên gia tâm lý.

Việc có người đồng hành, lắng nghe là điều hữu ích trong tiến trình giảm thiểu những căng thẳng và đưa ra được các quyết định lành mạnh, hiện hữu trong đời sống.

QUỲNH NGUYỄN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/giai-phap-can-bang-tam-ly-trong-mua-dich-664467/