Giải pháp căn cơ, bền vững

Thứ năm tuần trước tôi có việc đến phố Thọ Lão (phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng). Con phố vốn nhỏ hẹp hôm ấy càng chật chội, ách tắc bởi đống rác lớn bên đường. Bị 'chôn chân' giữa nắng nóng, lại phải 'thưởng thức' mùi hôi thối nồng nặc từ đống rác nên người đi đường ai cũng bức xúc, khó chịu...

Thực tế thì chuyện rác thải bị ùn ứ khá phổ biến ở nhiều ngõ phố Hà Nội trong tuần qua. Rất may là đến cuối tuần “nút thắt” đã được tháo gỡ, trả lại sự thông thoáng, mỹ quan cho thành phố.

Bãi rác Nam Sơn hoạt động trở lại, song dư luận vẫn băn khoăn liệu đó đã là giải pháp căn cơ, bền vững hay chưa?

Rác thải và xử lý rác thải luôn là vấn đề nóng của cả thành thị lẫn nông thôn. Không chỉ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng mà Hội An (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng), Quảng Ngãi… cũng nhiều lúc phải đối phó với “khủng hoảng rác”. Đáng nói, dù đã bước sang thập niên thứ ba của thế kỷ XXI nhưng ở nước ta chủ yếu vẫn xử lý rác bằng chôn lấp. Mỗi năm tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt của cả nước là 25 triệu tấn thì chỉ 30% trong số đó được đốt hoặc sản xuất phân hữu cơ, còn lại 70% chôn lấp trực tiếp. Riêng Hà Nội mỗi ngày thải ra 6.500 tấn rác và có hơn 80% được chôn lấp.

Theo các chuyên gia, cứ 1m3 rác chôn xuống đất phát sinh 1,3m3 nước rỉ rác, gây ô nhiễm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân. Trong khi quỹ đất ngày càng hạn hẹp thì việc dành ra hàng chục héc ta để chôn lấp rác cũng là một sự lãng phí không nhỏ.

Nhiều nước trên thế giới từ lâu đã sử dụng công nghệ tiên tiến để biến rác thải thành tài nguyên (phân loại, tái chế thành phân bón, vật liệu xây dựng…, thậm chí đốt rác để phát điện). Trong khi đó nước ta vẫn phổ biến dùng công nghệ lỗi thời, hoặc có triển khai nhưng thiếu đồng bộ, manh mún. “Nút thắt” không hẳn là vấn đề kinh phí, mà do phần lớn người dân vẫn “lạ lẫm” với việc phân loại rác tại nguồn - yếu tố quyết định để biến rác thành tài nguyên!

Nhiều người còn nhớ, năm 2006 Hà Nội đã thí điểm phân loại rác tại nguồn ở 4 phường (dự án 3R, do JICA tài trợ). Theo đó, ngay từ các hộ dân rác đã được phân thành 3 loại: Rác hữu cơ (hoa, rau, quả, thức ăn thừa…) đựng trong thùng màu xanh lá cây; rác vô cơ (xương, cành cây, sành sứ, vải…) đựng trong thùng màu da cam; rác tái chế (giấy, bìa, nhựa, kim loại… để dành bán cho người thu gom).

Sau một thời gian thí điểm, dự án được đánh giá khá hiệu quả, tác động tích cực đến môi trường và ý thức người dân. Với 30% rác thải được tái chế, tính riêng ở 4 phường này lượng rác thải giảm thiểu mỗi năm lên tới 4.680 tấn. Tuy nhiên, khi hết nguồn tài trợ thì mô hình ưu việt này cũng ngừng lại và dần rơi vào quên lãng. Hay dự án thu hồi pin cũ, mặc dù được quảng bá khá rầm rộ nhưng rất nhiều người Hà Nội vẫn giữ thói quen bỏ pin cũ vào túi rác chung. Tháng 11-2018 thành phố Hồ Chí Minh cũng ban hành quy định nếu tổ chức, cá nhân không thực hiện phân loại rác tại nguồn sẽ bị từ chối vận chuyển rác sinh hoạt, thậm chí bị phạt 15 - 20 triệu đồng…, tuy nhiên đến nay việc thực hiện vẫn chưa có nhiều chuyển biến...

Để hạn chế rác thải, giảm thiểu ô nhiễm, hướng tới xây dựng thành phố văn minh, hiện đại và đáng sống thì giải pháp quan trọng đầu tiên là phải thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. Đây là việc không đơn giản, cần có sự vào cuộc của toàn xã hội, từ các cấp chính quyền cho tới các ngành, đoàn thể, đặc biệt là đòi hỏi sự thay đổi trong nhận thức của người dân, hình thành thói quen xả rác văn minh. Cùng với việc tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân, Nhà nước cần sớm ban hành chế tài quy định phân loại rác tại nguồn, đồng thời có chính sách ưu tiên, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các dự án xây dựng nhà máy xử lý, tái chế, biến rác thải thành tài nguyên bằng công nghệ tiên tiến, hiện đại, không gây hại cho môi trường. Đó là giải pháp căn cơ để có được môi trường sống trong lành, bền vững.

Hà Anh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/973533/giai-phap-can-co-ben-vung