Giải pháp căn cơ
Quy chế tuyển sinh THCS và THPT do Bộ GD&ĐT vừa ban hành đã thống nhất trong toàn quốc nhiều nội dung quan trọng liên quan đến thi vào lớp 10,
Có thể kể đến các nội dung như thời gian làm bài, số môn thi, cách tính điểm, chế độ ưu tiên… Sự thống nhất này không chỉ đảm bảo cụ thể hóa quy định của Luật Giáo dục 2019, phù hợp với tình hình thực tiễn tại các địa phương, giúp đồng bộ, thống nhất với Chương trình GDPT 2018, mà còn góp phần giảm áp lực cho người học.
Thời gian qua, do số lượng học sinh dự thi lớn, số trường THPT trên địa bàn không thể tiếp nhận hết nguyện vọng, nhiều tỉnh/thành tổ chức tuyển sinh lớp 10 bằng hình thức thi tuyển. Phương thức tuyển sinh này tạo nhiều áp lực cho học sinh, phụ huynh và xã hội bởi tính cạnh tranh cao, mỗi tỉnh, thành lại có cách thức tổ chức thi khác nhau.
Chỉ tính riêng số môn thi, có nơi 3 môn, có nơi 4 môn. Với môn thứ 3, thứ 4, có nơi cố định hàng chục năm liền nhưng cũng có nơi mỗi năm một môn khác nhau. Chế độ cộng điểm ưu tiên, xét tuyển thẳng cũng trăm hoa đua nở. Có địa phương chỉ cần có điểm IELTS từ 5.0 là được cộng điểm ưu tiên, thậm chí nghiễm nhiên được xét tuyển thẳng vào lớp 10...
Quy chế tuyển sinh THCS và THPT mới thống nhất kỳ thi tuyển sinh lớp 10 chỉ có 3 môn, quy định chi tiết về chế độ tuyển thẳng, ưu tiên… đã khắc phục được những bất cập trong các kỳ tuyển sinh trước đây. Tuy vậy, những giải pháp kỹ thuật này khó hóa giải trọn vẹn bài toán áp lực cho học sinh, phụ huynh và xã hội, nhất là ở các đô thị lớn, khi cuộc chạy đua vào lớp 10 công lập còn căng thẳng hơn vào đại học.
Bên cạnh những điểm mới theo Quy chế tuyển sinh THCS và THPT, giải pháp căn cơ nhất vẫn là việc xây dựng được nhiều trường THPT đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh; làm tốt công tác phân luồng sau THCS; đặc biệt thực hiện nghiêm minh, chính xác kết quả học tập cấp THCS để việc xét tuyển bằng học bạ diễn ra thuận lợi và công bằng hơn.
Thực tế cho thấy, thời gian qua nhờ số lượng trường THPT cơ bản đáp ứng, số địa phương triển khai tuyển sinh lớp 10 (trừ hệ chuyên) theo hình thức xét tuyển kết quả học tập và rèn luyện cấp THCS có xu hướng tăng. Công thức tính điểm với phương thức tuyển này thường là điểm rèn luyện cộng điểm học tập, chia hai và cộng với điểm ưu tiên (nếu có), việc tuyển diễn ra nhẹ nhàng.
Bà Trương Thanh Nhuận - Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long cho biết, xét tuyển bằng học bạ mang tính ổn định, đánh giá được cả quá trình 4 năm học của học sinh ở cấp THCS. Cách làm này tạo điều kiện để định hướng cho các em có thái độ, tinh thần học tập ở cấp THPT. Bỏ thi tuyển cũng giúp giáo viên, học sinh giảm áp lực thi cử.
Còn theo lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, với hình thức xét học bạ, xét tuyển vào lớp 10 cũng đỡ tốn kém. Một số tỉnh thận trọng hơn thì kết hợp xét tuyển với thi tuyển, công thức tính thường là điểm thi môn Ngữ văn cộng điểm thi môn Toán cộng tổng điểm tính theo kết quả rèn luyện và học tập của 4 năm học cấp THCS và điểm ưu tiên (nếu có). Với hình thức này, học sinh giảm bớt rủi ro hơn khi học 4 năm THCS, kết quả xét chỉ tính trong vài giờ thi.
Hiện, học sinh cả nước được học trọn vẹn Chương trình GDPT 2018 - chương trình hướng đến đánh giá toàn diện năng lực, phẩm chất. Nếu tuyển sinh lớp 10 dựa trên đánh giá kết quả học bạ 4 năm THCS sẽ phù hợp với định hướng đổi mới, hơn việc đánh giá chỉ trên ba môn thi.
Tuy nhiên, muốn xét học bạ hiệu quả, cần thực hiện nghiêm minh, chính xác kết quả học tập THCS thông qua tăng cường kiểm tra, thanh tra các hoạt động giáo dục; kiểm tra, đánh giá học sinh định kỳ. Khi công tác dạy học, đánh giá đảm bảo đúng kết quả học thật ở trường THCS, thì việc thi tuyển vào lớp 10 trường thường với nhiều áp lực như thời gian qua sẽ không còn quá cần thiết.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giai-phap-can-co-post715881.html