Giải pháp căn cơ cho lĩnh vực logistics
Nếu chi phí kho vận (logistics) tại Việt Nam ngày càng giảm xuống thì chi phí sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt sẽ được cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh về tốc độ giao hàng và giá bán sản phẩm trên thị trường nội địa cũng như quốc tế.
Theo đánh giá chung thì chi phí logistics Việt Nam tương đương với 16,8% GDP (số liệu năm 2018), thấp hơn nhiều so với 20,9% (2014). Điều này cho thấy chi phí của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể trong 4 năm.
Tuy nhiên, nếu so sánh với các nước như Trung Quốc (14,5%), châu Âu và Singapore 8,5% trên GDP thì chi phí của Việt Nam vẫn ở mức cao.
Nếu chi phí logistics tại Việt Nam ngày càng giảm xuống trên GDP thì chi phí sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt sẽ được cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh về tốc độ giao hàng và giá bán sản phẩm trên thị trường nội địa cũng như là quốc tế.
Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào kinh tế khu vực và thế giới, độ mở của nền kinh tế rất cao, do đó nhu cầu dự trữ, vận chuyển, xếp dỡ, giao hàng, thanh toán cần đạt đến một trình độ phát triển cao trong 5 - 10 năm tới, từ đó mới có thể đáp ứng sự phát triển nhanh và bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế nước nhà.
Những gì đã đạt được trong lĩnh vực phát triển logistics trong hơn 30 năm qua kể từ năm 1990 bắt đầu có dịch vụ logistics phát triển là những cố gắng đáng khích lệ. Trước hết, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao, từ 11 - 14%/năm, tỷ lệ doanh nghiệp thuê ngoài dịch vụ logistics đạt khoảng 60 - 70% và đóng góp 4 - 5% GDP.
Theo Ngân hàng Thế giới WB, năm 2018, chỉ số năng lực hoạt động của logistics nước ta xếp thứ 39/180 nước, tăng được 25 bậc so với 2016 và vươn lên vị trí cao trong ASEAN, chúng ta chỉ còn đứng sau Singpore và Thái Lan. Trong những năm gần đây, tăng trưởng lĩnh vực này còn phát triển nhanh hơn, bình quân từ 14 - 16%/năm. Tuy nhiên logistics Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế cần phải khắc phục.
Lý do là công tác quy hoạch giữa các ngành, lĩnh vực vẫn còn chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhau, cơ sở hạ tầng giao thông thương mại, công nghệ thông tin còn hạn chế, sự kết nối giữa các nước trong khu vực còn chậm, kết hợp giữa thương mại điện tử và logistics chưa thực sự hiệu quả.
Việt Nam chưa có doanh nghiệp lớn vươn ra tầm khu vực và thế giới để cung ứng đồng bộ các dịch vụ logistics cho các doanh nghiệp toàn quốc, nguồn nhân lực cho hoạt động này chưa đạt yêu cầu.
Để phát triển trong những năm tới, cần có những giải pháp mang tính tổng thể.
Tư tưởng xuyên suốt là phải giảm chi phí về logistics để nâng cao hiệu quả sức cạnh tranh của các doanh nghiệp và của cả nền kinh tế Việt Nam. Phải thành 1 ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn sự phát triển của ngành này với thị trường nội địa, thị trường xuất khẩu một cách đồng bộ, đi đôi với việc phát triển hệ thống giao thông vận tải hiện đại và chuyển đổi số trong lĩnh vực này trong một thời gian gần nhất.
Tạo lập môi trường phát triển bình đẳng và cạnh tranh, công bằng minh bạch cho các thành phần kinh tế và các doanh nghiệp tham gia logistics. Khuyến khích và thu hút việc đầu tư vào lĩnh vực này với lợi thế của Việt Nam về địa lý, biển và cơ sở hạ tầng sẵn có, trước hết là kết nối với các nước trong khu vực ASEAN.
Theo Quyết định 283 QĐ-TTg của Chính phủ về kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ này đến năm 2020 và định hướng 2025, thì đến năm 2025, đóng góp của logistics khoảng 8 - 10% GDP, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ đạt 50 - 60%, tốc độ phát triển 15 - 25%/năm, phấn đấu giảm dần để chi phí logistics sẽ chiếm tỷ trọng khoảng 10 - 15% GDP, xếp theo thứ tự thứ 50 trở lên.
Để đạt được những mục tiêu trên trong những năm tới, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành tập trung hoàn thiện các cơ chế chính sách liên quan đến sự phát triển, đề xuất những chính sách thu hút nguồn lực, cách tiết kiệm và cắt giảm các chi phí, thúc đẩy logistics, phát triển một cách đồng bộ, giao thông đường bộ và biển, hàng không, đường sắt... phục vụ cho từng vùng miền của địa phương.
Đi đôi với đó là những giải pháp tổng thể trong lĩnh vực thuế, phí, hải quan, nhằm nâng cao chất lượng, giảm các chi phí trong hoạt động logistics.
Đề nghị các bộ ngành rà soát lại các quy hoạch, kế hoạch đảm bảo tính đồng bộ, kết nối của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải, phù hợp với các chiến lược và quy hoạch về sản xuất công nông nghiệp, xuất nhập khẩu, chiến lược phát triển kinh tế của các địa phương, xây dựng các trung tâm logistics ở các vùng, miền có nhu cầu; xây dựng các cảng cạn, kho ngoại quan hàng hóa trong một tổng thế thống nhất, cần xác định rõ các dự án ưu tiên đầu tư để có giải pháp huy động nguồn lực hợp lý, đầu tư một cách hiệu quả.
Làm được những vấn đề trên chắc chắn trong 5 - 10 năm tới, logistics Việt Nam sẽ có những bước phát triển cơ bản, nhanh và bền vững, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế của từng địa phương và trong cả nước. Xứng đáng để có một vị trí quan trọng trong cả tổng thể các dịch vụ phục vụ sản xuất kinh doanh cho cả nền kinh tế trong năm 2021 và những năm tiếp theo.
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/giai-phap-can-co-cho-linh-vuc-logistics-1619145846100.htm