Giải pháp căn cơ cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phục hồi, bứt tốc

Quý II/2023 ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có khởi sắc và tăng trưởng, để duy trì được đà này cần sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, doanh nghiệp.

Công nghiệp chế biến, chế tạo dần hồi phục

Theo số liệu từ Tổng Cục Thống kê, 6 tháng năm 2023, tốc độ tăng giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp chỉ đạt 0,44%. Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo các năm trước đây là động lực tăng trưởng kinh tế, nay đạt tốc độ khiêm tốn tăng 0,37%. Nguyên do, theo Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia - Tổng cục Thống kê, bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, sản xuất một số ngành hàng gia công thế mạnh của Việt Nam như: May mặc, da giày, điện tử, đồ gỗ… sụt giảm, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022.

Trong bức tranh không mấy tích cực của sản xuất công nghiệp nửa đầu năm 2023 vẫn có điểm sáng. Quý II/2023, sản xuất công nghiệp được cải thiện, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng nhẹ 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dù chỉ số sản xuất giảm nhẹ 0,4% nhưng giá trị tăng thêm tăng 1,18%.

Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia - Tổng cục Thống kê

Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia - Tổng cục Thống kê

Đáng nói, có 15/24 ngành công nghiệp cấp II thuộc công nghiệp chế biến, chế tạo sản xuất quý II/2023 có xu hướng tốt hơn quý I/2023, đặc biệt một số ngành có thế mạnh về xuất khẩu có chỉ số sản xuất và tăng trưởng tốt hơn. Số doanh nghiệp thực tế tham gia thị trường tăng mạnh ở quý II/2023 với bình quân một tháng có hơn 5,6 nghìn doanh nghiệp gia nhập thị trường, trong khi quý I/2023 giảm 1,1 nghìn doanh nghiệp.

Cùng đó, trong quý II/2023, xuất khẩu một số mặt hàng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chủ lực cũng có xu hướng tốt lên so với quý I/2023. Chỉ số tiêu thụ và tỷ lệ tồn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cải thiện.

Đặc biệt, đánh giá lạc quan của các doanh nghiệp ngành công nghiệp, chế biến chế tạo là điều đáng mừng: 27,5% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý I/2023; 36,7% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 35,8% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.

Về đơn đặt hàng, có 24,9% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng quý II/2023 cao hơn quý I/2023; 38,9% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng ổn định và 36,2% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng giảm.

5 giải pháp trọng tâm

Với tình hình thị trường thế giới chưa ổn định như hiện nay có thể dễ dàng nhận thấy ngành công nghiệp nói chung, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng còn gặp nhiều khó khăn trong nửa cuối năm 2023.

Công nghiệp chế biến, chế tạo dần hồi phục trong quý II/2023

Công nghiệp chế biến, chế tạo dần hồi phục trong quý II/2023

Để ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phục hồi, tiếp tục là động lực tăng trưởng trong các tháng cuối năm, bà Nguyễn Thị Mai Hạnh cho rằng: Cần duy trì, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh; điều hành tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh tạo động lực tăng trưởng; điều hành tỷ giá phù hợp, tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu và an toàn của hệ thống tài chính, ngân hàng; khơi thông dòng vốn và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tạo nguồn vốn cho doanh nghiệp khắc phục khó khăn và đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đẩy mạnh sản xuất, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, nhất là các mặt hàng sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào nội địa để hạn chế nhập khẩu và chủ động nguồn cung. Thường xuyên rà soát để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm...

Hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm hiệu quả; tận dụng môi trường thương mại số đã được hình thành trong thời gian qua, tích cực triển khai đồng bộ và hoàn thiện hệ thống lưu thông giữa các nhà sản xuất, thương mại và tiêu dùng nhằm đẩy nhanh hoạt động tiêu thụ cũng như kiểm soát tốt hoạt động kinh tế.

Đảm bảo nguồn điện ổn định, đáp ứng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hộ cá thể và nhu cầu tiêu dùng của dân cư trong mùa cao điểm nắng nóng.

Các đơn vị sản xuất, kinh doanh cần bám sát thị trường mở rộng hoạt động tìm kiếm khách hàng mới; tăng cường kết nối chuỗi sản xuất - tiêu thụ; cân đối lượng tồn kho và tiêu thụ để bảo đảm dòng tiền cũng như chất lượng sản phẩm, bố trí sản xuất linh hoạt để duy trì hoạt động sản xuất tối ưu.

Hải Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/giai-phap-can-co-cho-nganh-cong-nghiep-che-bien-che-tao-phuc-hoi-but-toc-261119.html