Giải pháp căn cơ cho sản phẩm OCOP

Kỳ họp thứ 12 - HĐND tỉnh khóa X, đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết nhất trí chất vấn 04 nhóm vấn đề và tại phiên chất vấn có 17 lượt đại biểu chất vấn với 17 câu hỏi, 03 lượt đại biểu truy vấn và 19 ý kiến phản ánh của cử tri trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Sở Giao thông và Vận tải, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Kế hoạch và Đầu tư; Chủ tịch UBND tỉnh.

Bánh tét Hai Lý, ấp Trà Cuôn, xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang - sản phẩm OCOP 4 sao.

Bánh tét Hai Lý, ấp Trà Cuôn, xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang - sản phẩm OCOP 4 sao.

Trong lĩnh vực NN-PTNT, đại biểu HĐND tỉnh, cử tri kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến chăn nuôi, trồng trọt, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, các giải pháp góp phần nâng cao chất lượng và tạo ra giá trị sản phẩm OCOP đảm bảo đáp ứng nhu cầu thị trường…

Điệp khúc “trồng rồi chặt, chặt rồi trồng lại”

Đại biểu HĐND tỉnh Nguyễn Văn Khiêm, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh chất vấn Giám đốc Sở NN-PTNT Trần Trường Giang: năm 2023, nông dân trồng lúa rất vui, phấn khởi vì giá lúa tăng cao do gạo nước ta xuất khẩu được nhiều. Nông dân tại huyện Càng Long đã tự phát chuyển sang trồng cây dừa, cây cam, rau màu... Tuy nhiên, tình hình hiện nay thì giá dừa đang có chiều hướng phát triển khá tốt (nhưng thật sự cũng còn bấp bênh vì có lúc giá dừa lên cao, có khi xuống thấp), còn cây cam (đặc biệt là cam sành) người dân đang rất lo lắng vì giá bán rất thấp, bình quân chỉ khoảng 3.000 đồng/kg.

Là lãnh đạo ngành nông nghiệp, xin đồng chí cho biết: có giải pháp gì để giúp nông dân đang trồng cam trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Càng Long nói riêng trước tình trạng giá cam thấp hiện nay? Ngành có khuyến cáo, định hướng gì cho cây trồng trên vùng đất huyện Càng Long thời gian tới giúp người dân an tâm phát triển sản xuất?”.

Trả lời vấn đề này, tại Văn bản số 1244/BC-SNN, ngày 29/12/2023 của Sở NN-PTNT cho rằng, vấn đề đại biểu Nguyễn Văn Khiêm đặt ra là một vấn đề rất thực tế và cũng là một thách thức đặt ra đối với ngành NN-PTNT. Việc người dân tự ý chuyển đổi sản xuất, tự phát “trồng rồi chặt, chặt rồi trồng lại”, đây không phải là vấn đề mới, tuy nhiên cũng chưa bao giờ là vấn đề cũ.

Những năm trước đây, do giá lúa thấp, cộng thêm tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, trồng lúa không có lãi cao, nên một số hộ dân đã tự ý chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng các loại cây trồng khác, đặc biệt là trồng cam, trồng dừa không theo quy hoạch diễn ra cũng tương đối nhiều. Mặc dù ngành chuyên môn và chính quyền địa phương có tích cực tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất theo đúng quy hoạch, nhưng một bộ phận vẫn kiên quyết chuyển đổi. Chính việc này đã dẫn đến một số hệ quả: (1) phá vỡ quy hoạch sản xuất của tỉnh; (2) mất đi diện tích đất trồng lúa thực tế (mặc dù có cho chuyển đổi, nhưng chuyển đổi phải theo vùng quy hoạch); (3) mất cân đối cung cầu hàng hóa, dẫn đến sản xuất không hiệu quả, cụ thể như là trái cam hiện nay.

Đây là một thực tế, một việc đã rồi. Nếu nói về nguyên nhân, thì có nhiều nguyên nhân là do: công tác tuyên truyền, vận động thời gian qua chưa tốt, công tác quản lý nhà nước, xử lý vi phạm trong sử dụng đất không đúng mục đích, chưa nghiêm và nhất là ý thức chấp hành pháp luật về đất đai, quy hoạch sản xuất của một bộ phận người dân chưa tốt.

Đối với vấn đề này, trong thời gian tới, ngành NN-PTNT đề xuất địa phương phối hợp thực hiện một số giải pháp: tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm sản xuất theo đúng vùng quy hoạch. Thường xuyên phối hợp kiểm tra để kịp thời phát hiện ngăn chặn và kiên quyết xử lý những trường hợp cố tình chuyển đổi, sử dụng đất không đúng mục đích, làm phá vỡ quy hoạch sản xuất của tỉnh.

Còn đối với cây cam hiện nay, phần diện tích đã trồng rồi khuyến cáo người dân tạm thời giữ nguyên diện tích (không trồng thêm, không tự ý đốn bỏ), vì hiện nay, thực tế một số hộ cũng tự ý đốn bỏ để trồng cây khác. Về phía ngành chuyên môn sẽ có phối hợp tăng cường công tác xúc tiến mời gọi các doanh nghiệp để thu mua cho nông dân, đồng thời sẽ đề xuất có hỗ trợ các nghiên cứu chế biến cam thành những sản phẩm có thể xuất khẩu mới có thể bền vững được (hiện nay, cam chủ yếu tiêu thụ nội địa).

Về định hướng lâu dài Sở NN-PTNT sẽ phối hợp với các sở, ngành có liên quan và địa phương có tính toán lại kế hoạch sản xuất trên cơ sở dự đoán nhu cầu thị trường và điều kiện thực tế của địa phương, đánh giá lại hiệu quả của kế hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất của tỉnh trong thời gian qua để có định hướng kế hoạch và đề xuất những giải pháp hợp lý trong thời gian tới.

Giải pháp căn cơ cho sản phẩm OCOP

Đại biểu HĐND tỉnh Kiên Thị Minh Nguyệt, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh chất vấn Giám đốc Sở NN-PTNT Trần Trường Giang: qua nghiên cứu báo cáo kết quả đến cuối năm 2023, sản phẩm OCOP phát triển và nâng tổng số được 226 sản phẩm (tại thời điểm báo cáo), góp phần nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho lao động ở nông thôn. Tuy nhiên, để sản phẩm OCOP phát triển bền vững và có chỗ đứng trên thị trường, thấy rằng, cũng còn nhiều vấn đề vướng, khó cần được giải quyết cho sản phẩm OCOP của các chủ thể trên địa bàn tỉnh.

Với vai trò là thành viên Ban Chỉ đạo phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm và qua khảo sát thực tế trên 70 sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh tại địa phương phát hiện các vấn đề cho các nhóm sản phẩm OCOP, từ đó, có đề xuất đến lãnh đạo Sở NN-PTNT quan tâm thêm các vấn đề: (1) thiếu vốn, máy móc; (2) nguồn nguyên liệu chưa đảm bảo cung cấp; (3) thiếu thị trường tiêu thụ rộng lớn, ổn định, có lợi cho các sản phẩm OCOP; (4) thiếu kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, sáng tạo, khả năng cạnh tranh của người lao động trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm OCOP; (5) thiếu đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp hướng dẫn; (6) thiếu sự quan tâm, đồng lòng, hợp tác, liên kết giữa các cơ sở sản xuất OCOP và các tổ chức xã hội.

Với các vấn đề trên, Giám đốc Sở NN-PTNT có giải pháp gì giúp các địa phương cũng như hội đoàn thể cập nhật thông tin để triển khai kịp thời cho các chủ thể OCOP có điều kiện tiếp cận và ứng dụng phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng và tạo ra giá trị sản phẩm OCOP đảm bảo đáp ứng nhu cầu thị trường.

Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở NN-PTNT Trần Trường Giang cho biết: thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TU, ngày 13/4/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh”, UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Trà Vinh đến năm 2025 (tại Quyết định số 2207/QĐ-UBND, ngày 14/11/2022).

Kết quả, đến nay, toàn tỉnh có 299 sản phẩm, trong đó: 03 sản phẩm đạt 5 sao (chiếm tỷ lệ 01%), 08 sản phẩm tiềm năng 5 sao (chiếm tỷ lệ 2,68%, đang chờ Trung ương công nhận), 43 sản phẩm 4 sao (chiếm tỷ lệ 14,4%) và 245 sản đạt 3 sao (chiếm tỷ lệ 81,9%), của tổng số 200 chủ thể (27 công ty, 06 doanh nghiệp, 31 hợp tác xã, 03 tổ hợp tác và 133 hộ kinh doanh). Bên cạnh những kết quả đạt được, Chương trình OCOP vẫn còn một số tồn tại, hạn chế theo như ý kiến đại biểu Kiên Thị Minh Nguyệt đã nhận định.

Để Chương trình OCOP trong thời gian tới đạt hiệu quả tốt hơn và khắc phục được những hạn chế nêu trên, Sở NN-PTNT đưa ra một số nhóm giải pháp: Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về Chương trình OCOP là một trong những giải pháp quan trọng để thu hút sự tham gia của các chủ thể sản xuất, kinh doanh, đồng thời, tạo sự đồng thuận của cộng đồng về mục tiêu, ý nghĩa của chương trình. Cần đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các hội nghị, hội thảo, diễn đàn... để các chủ thể sản xuất, kinh doanh hiểu rõ về Chương trình OCOP, nắm vững quy trình, thủ tục tham gia, từ đó, chủ động đăng ký sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng.

Vụ lúa thu-đông năm 2023 được giá, người dân phấn khởi (Trong ảnh: Lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Tân An, huyện Càng Long thăm trà lúa thu - đông 2023 trên địa bàn xã).

Vụ lúa thu-đông năm 2023 được giá, người dân phấn khởi (Trong ảnh: Lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Tân An, huyện Càng Long thăm trà lúa thu - đông 2023 trên địa bàn xã).

Thứ hai, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ. Cơ chế, chính sách hỗ trợ là yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển Chương trình OCOP. Trong thời gian tới, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ cho Chương trình OCOP, tập trung vào các nội dung: hỗ trợ đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ năng sản xuất, kinh doanh cho các chủ thể tham gia Chương trình OCOP; hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, trang thiết bị, công nghệ sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm OCOP; hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP.

Thứ ba, phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị. Phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị là giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, khuyến khích các chủ thể sản xuất, kinh doanh liên kết với nhau theo chuỗi giá trị, từ khâu sản xuất nguyên liệu đầu vào, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm.

Thứ tư, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nâng cao chất lượng sản phẩm là yêu cầu quan trọng để sản phẩm OCOP có thể cạnh tranh trên thị trường, tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm OCOP theo quy định của pháp luật. Khuyến khích các chủ thể sản xuất, kinh doanh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.

Thứ năm, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm là giải pháp quan trọng để đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước, do đó, sẽ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP thông qua các hình thức, như: tham gia hội chợ, triển lãm, hội nghị, hội thảo...; xây dựng các kênh phân phối, bán hàng trực tuyến...

Sau 01 năm triển khai thực hiện, Sở NN-PTNT dự kiến sẽ tham mưu Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh tổ chức tổng kết năm 2023 về kết quả thực hiện chương trình, từ đó, chỉ ra những khó khăn, hạn chế sát với thực tiễn và tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh xây dựng kế hoạch, giải pháp thực hiện hiệu quả chương trình trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Bài, ảnh: KIM LOAN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/chinh-quyen/giai-phap-can-co-cho-san-pham-ocop-34469.html