Giải pháp căn cơ nào cho câu chuyện bất đắc dĩ phải rút BHXH một lần?
Trong khi nhiều người lao động tự do chắt chiu từng đồng tiết kiệm để được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, thì nhiều người vì khó khăn cùng cực nên phải chọn phương án rút bảo hiểm xã hội, chấp nhận rời bỏ lưới an sinh. Để hướng tới mục tiêu bảo hiểm toàn dân, rõ ràng phải có giải pháp căn cơ cho câu chuyện này.
Dù kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn nhưng anh Đinh Trung Kiên ở khu 8, xã Xuân Viên (huyện Yên Lập – Phú Thọ) vẫn quyết định tham gia BHXH tự nguyện, coi đó như một khoản dự phòng cho tương lai. Anh Kiên cho biết: “Được cán bộ bưu điện tư vấn, tôi hiểu BHXH tự nguyện có nhiều cái lợi, do đó tôi đã tham gia loại hình bảo hiểm này. Tôi mong muốn sau này có được khoản lương hưu, để cuộc sống về già được an nhàn, không phải phụ thuộc vào con cháu”.
Người cố vào hệ thống an sinh, người lại ngậm ngùi ra
Tương tự trường hợp anh Kiên, bà Nguyễn Thị Lựu (Thạch Thất, Hà Nội) năm nay đã 50 tuổi nhưng vẫn quyết định tham gia BHXH tự nguyện với mong muốn sẽ có khoản lương hưu đảm bảo cuộc sống khi về già. “Lúc đầu, tôi cũng cân nhắc mãi nhưng sau khi tìm hiểu thấy được những lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện, tôi đã quyết định tiết kiệm tiền mỗi tháng để tham gia”, bà Lựu cho biết.
Trong khi nhiều người dù có hoàn cảnh rất khó khăn vẫn quyết định chắt chiu từng khoản dành dụm nhỏ để tham gia vào chính sách an sinh, thì nhiều người cũng vì hoàn cảnh khó khăn, bất đắc dĩ lại chọn rời khỏi hệ thống dù đã tham gia được nhiều năm.
Chị Nguyễn Thị Phượng (38 tuổi, trú ở TP Tam Kỳ, Quảng Nam) đã có 18 năm làm nhân viên tại một nhà khách tại đây. Vì lương thấp, cuối năm 2022, chị xin nghỉ việc và ở nhà buôn bán nhỏ, bán hàng trực tuyến.
Sau 18 năm đóng BHXH, chị Phượng tạm ngưng một thời gian để tham khảo ý kiến gia đình, cán bộ ngành bảo hiểm để quyết định đóng thêm 2 năm, sau này có lương hưu hay rút một lần.
Tháng 7 vừa qua, chị Phượng quyết định đến BHXH tỉnh Quảng Nam làm hồ sơ để rút bảo hiểm. Tại BHXH tỉnh Quảng Nam, chị Phượng được cán bộ tư vấn giải thích cặn kẽ thiệt hơn khi muốn hưởng một lần. "Sau khi được tư vấn, tôi về nhà cũng suy nghĩ nhiều lắm. Bàn với chồng con nhiều ngày, nhiều đêm thức trắng để đưa ra quyết định. Hôm nay, tôi quyết định đi nhận BHXH một lần", chị Phượng chia sẻ trong lúc chờ đến lượt làm thủ tục.
Trong khoảng thời gian chờ đó, cán bộ BHXH Quảng Nam tiếp tục tư vấn, thuyết phục chị Phượng cân nhắc khi nhận BHXH một lần. Cuối cùng chị vẫn chốt làm thủ tục để nhận một lần số tiền BHXH đã tham gia được đến 18 năm.
"Cực chẳng đã tôi mới rút bảo hiểm như vậy. Biết là sau này già yếu, không còn sức khỏe thì cần có đồng lương hưu nhưng hiện tôi không còn cách nào xoay xở", chị Phương phân trần.
Chưa biết số tiền chị sẽ nhận là bao nhiêu nhưng cán bộ BHXH Quảng Nam nhận định, trường hợp rút bảo hiểm như chị Phượng thực sự đáng tiếc. Vì chị đã đóng BHXH được tới 18 năm, chỉ tự nguyện đóng thêm vài năm nữa cho đủ điều kiện 20 năm, hết tuổi lao động chị sẽ nhận lương hưu.
Được biết, trong tháng 8 vừa qua, rất nhiều trường hợp đến BHXH tỉnh Quảng Nam để làm thủ tục nhận BHXH một lần. Có lao động vừa nghỉ việc đã muốn nhận BHXH một lần để có tiền giải quyết khó khăn trước mắt. Có lao động đã nghỉ việc ở công ty một thời gian nhưng tìm việc mới chưa được cũng đến làm thủ tục nhận BHXH một lần. Mỗi lao động đến nhận BHXH một lần là một hoàn cảnh bất đắc dĩ khác nhau.
Rút BHXH một lần là thiệt thòi lớn
Theo một báo cáo chung về BHXH một lần ở Việt Nam hiện nay do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện, khoản chi trả bảo hiểm một lần chiếm tỷ trọng lớn trong tất cả khoản rút một lần tại Việt Nam, tăng từ 82% giai đoạn 2013-2016 lên 93% những năm 2016-2019. Năm 2019, khoảng 69% khoản thanh toán bảo hiểm một lần dành cho lao động nữ dưới 35 tuổi. Họ cần khoản tiền này để trang trải chi phí sinh con, nuôi con.
ILO đánh giá khoản rút BHXH một lần nhìn qua có vẻ lớn, hấp dẫn với lao động nhưng có nhiều bất cập. Không ai biết mình sống được bao lâu sau khi nghỉ hưu, có thể là 5 hoặc 30 năm và cũng không biết phải chi bao nhiêu cho đến cuối đời. Nếu không có phương án tiết kiệm, lao động sẽ gặp khó khi về già.
Nhiều người dùng khoản rút BHXH một lần đầu tư kinh doanh, mua nhà mới, cho con du học hoặc du lịch nước ngoài. Nhưng phần lớn tiêu hết rất nhanh, ngay cả với người có kế hoạch tài chính kỹ lưỡng.
ILO dẫn nghiên cứu ở Malaysia những năm 2000 cho thấy, phần lớn lao động rút bảo hiểm một lần để nghỉ hưu sớm đã tiêu sạch khoản này trong 3 năm. Cuối cùng họ phải trông vào khoản trợ cấp xã hội dành cho người nghèo của chính phủ. Và khi đó cả xã hội phải gánh chịu chi phí, gồm những người đang nộp thuế.
Một bất cập nữa là phần lớn lao động rút BHXH một lần trong độ tuổi đi làm khiến Việt Nam đối mặt thách thức kép khi vừa phải mở rộng lưới an sinh, vừa giữ chân họ ở lại hệ thống.
Để giải quyết bài toán rút BHXH một lần, ngoài đưa chính sách trợ cấp gia đình, trẻ em vào Luật BHXH (sửa đổi), ILO khuyến nghị nên mở rộng trợ cấp thất nghiệp. Khi không có hoặc nhận mức trợ cấp thấp, lao động buộc phải tìm nguồn thay thế và nghĩ ngay đến rút một lần. Hiện tỷ lệ hưởng trợ cấp thất nghiệp là 60% nhưng tiền lương làm căn cứ đóng BHXH thấp, tiền trợ cấp lao động nhận được vì thế khá thấp so với chi phí sinh hoạt lẫn thu nhập thực tế.
Làm gì để giữ chân người lao động?
Thống kê tiền lương đóng BHXH của lao động chỉ 5,56 triệu đồng, mức trợ cấp lao động nhận được chỉ 3,4 triệu đồng mỗi tháng. “Tăng dần thời gian chờ dài hơn 12 tháng sau khi nghỉ việc để giảm động lực rút BHXH một lần của lao động như mỗi năm đóng BHXH tăng thêm một tháng chờ".
Ngoài ra, "cần làm tốt hơn chính sách đào tạo nghề, giới thiệu việc làm và tín dụng giúp lao động nhanh tìm việc mới. Tăng các khoản trợ cấp cùng đi dần từng bước hạn chế rút BHXH một lần sẽ không tạo ra cú sốc, khiến lao động dễ chấp nhận thay đổi chính sách hơn. Việc này phải lấy ý kiến lao động, chủ SDLĐ để đảm bảo chính sách nhận được đồng thuận của họ và xã hội đều chấp nhận”, ILO kiến nghị.
Tới cuối năm 2022, kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp ước đạt 59.300 tỷ đồng, dự kiến năm nay tăng lên hơn 62.400 tỷ. Cùng năm, lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng gần 23% so với cùng kỳ, khoảng 983.000 người. Phần lớn lao động chọn nhận tiền trợ cấp, trong khi số được hỗ trợ học nghề chỉ 21.800 người.
Cùng với đó, để hạn chế rút BHXH một lần, Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng đề xuất nghiên cứu bổ sung trợ cấp gia đình, như hỗ trợ học phí, miễn phí tiêm chủng cho con người lao động. Thẩm tra dự án Luật BHXH sửa đổi, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo là Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xem xét chế độ phụ cấp cho con cái người lao động đang đóng BHXH.
Việc bổ sung trợ cấp có thể giúp lao động giảm bớt khó khăn trước mắt khi sinh và nuôi con nhỏ; giữ chân họ ở lại hệ thống an sinh thay vì rút một lần.
Ủng hộ bổ sung trợ cấp gia đình vào Luật BHXH (sửa đổi), ông Giang Thanh Long, giảng viên cao cấp (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) phân tích, phần lớn lao động thu nhập thấp chịu gánh nặng học hành của con cái và chi tiêu trước mắt. Khoản tiền trích đóng BHXH khiến hộ gia đình giảm một phần thu nhập dùng cho chi tiêu, thậm chí dẫn đến “nghèo hóa”.
Trợ cấp gia đình vì vậy có thể cùng giải quyết hai bài toán: Duy trì cho trẻ em đến trường và mở rộng an sinh cho cha mẹ trong tuổi lao động. Khoản trợ cấp này nên tập trung vào nhóm hộ gia đình thu nhập thấp, công việc bấp bênh và con cái đang độ tuổi đến trường ở cấp học thấp bởi nhóm trẻ này có nguy cơ nghỉ học cao nếu gia đình khó khăn. Tiền trợ cấp có thể trực tiếp giảm trừ vào học phí, các chi phí học tập của trẻ và khoản này quay lại hỗ trợ cha mẹ đóng quỹ BHXH, nâng mặt bằng tiền đóng BHXH lên, giúp tăng tiền hưởng chế độ, cải thiện lương hưu sau này.