Giải pháp chặn 'làn sóng' bỏ bệnh viện công
Ngoài mức thu nhập, chính sách đãi ngộ tốt, thì môi trường làm việc thật sự khoa học, thân thiện cũng là yếu tố quan trọng để giữ chân đội ngũ nhân lực y tế công lập
Hơn cả thu nhập, là môi trường làm việc
Tình trạng nhân lực y tế dịch chuyển từ khu vực công sang khu vực tư nhân không phải đến bây giờ mới diễn ra, mà đã có từ rất lâu, song dịch chuyển với số lượng lớn và ồ ạt thì mới chỉ diễn ra từ đầu năm 2021 đến nay. Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2021 đến hết tháng 6/2022, có gần 10.000 nhân viên y tế thôi việc, chuyển việc được địa phương báo cáo. Nhiều chuyên gia lo ngại, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo khủng hoảng nguồn nhân lực của ngành y tế.
Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này do đâu? Có phải chỉ vì lương và thu nhập?
Bác sĩ Trần Văn Phúc (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) cho rằng, môi trường làm việc và thu nhập là 2 lý do chính khiến nhân viên y tế “dứt áo” ra đi. Cụ thể, tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, nhân viên y tế phải làm việc ít nhất 8 - 10 giờ mỗi ngày, trực 24 tiếng vào các ngày thứ Sáu, thứ Bảy; ngày lễ không nghỉ bù theo quy định của pháp luật, nhưng cũng không được tính tiền công làm thêm giờ.
Cũng theo chia sẻ của bác sĩ Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn là bệnh viện hạng I, tiền trực của bác sĩ là 115.000 đồng/ngày. Hầu hết nhân viên y tế chỉ có lương cơ bản. Cơ sở vật chất của Bệnh viện hạn chế, cả Khoa của bác sĩ Phúc sinh hoạt chung tại buồng hành chính diện tích nhỏ, phòng vệ sinh phải dùng chung với bệnh nhân. Trang thiết bị máy móc của Khoa cũ kỹ, lạc hậu, thậm chí kém chất lượng đến mức rất khó khăn để làm chẩn đoán và thực hiện các thủ thuật can thiệp.
Cần giải pháp tổng thể
Trước làn sóng nhân viên y tế ở bệnh viện công nghỉ việc, bỏ việc, TS. Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) chia sẻ, muốn biết được nguyên nhân chính xác của vấn đề này, cần thiết phải có đánh giá tổng thể. Theo đó, cần thống kê số lượng nhân viên y tế nghỉ việc trong cả nước; xác định rõ cán bộ y tế nghỉ việc theo chức danh nghề nghiệp (bác sĩ, kỹ thuật viên hay điều dưỡng viên) ở tuyến trung ương hay tuyến tỉnh; tình trạng chuyển việc diễn ra ở chuyên khoa nào, có phải các chuyên khoa “hot” như: ngoại, giải phẫu thẩm mỹ, sản, răng hàm mặt, hay chỉ ở những lĩnh vực kém hấp dẫn như tâm thần, truyền nhiễm, cấp cứu, chống độc…?
Bên cạnh đó, ngành y tế cần có đánh giá về lứa tuổi của cán bộ, nhân viên y tế nghỉ việc, chuyển việc, nếu ở tuổi 35 - 40 (độ tuổi chững chạc về nghề nghiệp), thì việc họ chuyển đi là đáng lo ngại...
Tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, chuyển việc không chỉ là vấn đề liên quan đến riêng ngành y tế, mà còn tác động lớn đến an sinh xã hội. Nhưng hiện nay, chưa có các nghiên cứu thực tế, nên mới chỉ thấy những giải pháp khá chung chung.
Theo TS. Nguyễn Huy Quang, không chỉ cần thiết phải khảo sát, thống kê về tiền lương, thu nhập của đội ngũ nhân viên y tế, mà cần phải đánh giá cả về môi trường, điều kiện làm việc, mức độ, khả năng làm việc, cũng như tinh thần tận hiến của y, bác sĩ. Bên cạnh đó, còn phải đánh giá mục đích nghỉ việc là để chuyển sang khu vực y tế tư, mở phòng khám riêng, hay vì áp lực mà bỏ việc để tìm công việc khác phù hợp hơn.
“Chỉ khi có thống kê, đánh giá toàn diện, mới có thể thấy được thực trạng, mức độ nghiêm trọng của vấn đề và tìm ra được nguyên nhân, đề ra giải pháp khắc phục”, TS. Nguyễn Huy Quang nói.
Về lâu dài, giải pháp trọng yếu để giữ chân đội ngũ nhân nhân lực y tế công lập là thu nhập, vị trí hợp lý; tiếp theo là chính sách đãi ngộ tốt; tạo môi trường làm việc thật sự khoa học, thân thiện.
Ngoài ra, theo ý kiến của bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, để giảm hệ lụy dịch chuyển việc của nhân viên y tế, Việt Nam nên học theo mô hình của các nước phát triển. Ở những quốc gia này, hệ thống y tế xây dựng cơ chế để bác sĩ dễ dàng chuyển đổi giữa bệnh viện công và bệnh viện tư. Thông thường, bác sĩ không làm tại một vị trí quá 5 năm, họ ra bệnh viện tư để kiếm tiền rồi trở lại bệnh viện công để nâng cao tay nghề và kiến thức. “Làm được như vậy, thì hệ thống y tế cả công lẫn tư mới giải quyết được bài toán nhân lực và chất lượng”, bác sĩ Phúc nói.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/giai-phap-chan-lan-song-bo-benh-vien-cong-d169664.html