Giải pháp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ĐBSCL tiếp cận nguồn vốn không thế chấp tài sản
Trong khi việc tiếp cận nguồn tín dụng của ngân hàng gặp khó khăn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa nên tìm đến các nguồn tài chính khác phù hợp hơn.
Ngày 18/5, tại TP. Cần Thơ, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp phối hợp tổ chức buổi Hội thảo: “Tiếp cận vốn vay không thế chấp tài sản – Giải pháp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.
Quang cảnh hội thảo
Ông Daniel Fitzpatrick, Giám đốc Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) cho biết, Hội thảo này là một phần của sáng kiến tiếp cận tài chính của USAID LinkSME, một trong các lĩnh vực mà dự án đang giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cải thiện hoạt động và nguồn lực để có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo ông Daniel Fitzpatrick, mặc dù đại dịch COVID-19 cho thấy rõ tính dễ bị tổn thương của tài chính DNNVV, những thách thức mà các công ty này phải đối mặt trong việc tiếp cận các khoản vay không phải là mới.
Đương nhiên có một số lý do cho điều này. Nhưng có một yếu tố thực sự nổi bật là các DNNVV thường thiếu các tài sản mà các ngân hàng ưu tiên làm tài sản thế chấp, chẳng hạn như bất động sản và phương tiện đi lại. Một số ngân hàng coi tài sản thế chấp là yếu tố hàng đầu khi cho vay, các ngân hàng coi hầu hết các yếu tố khác là quá khó giải quyết hoặc đơn giản là không quan trọng…
Theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) tại các DNNVV tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về nhu cầu tín dụng dành cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cho thấy, vấn đề mà DNNVV gặp phải khi tiếp cận với nguồn vốn tài chính thường là:
Về phía các tổ chức tài chính, khả năng đáp ứng các nhu cầu nguồn vốn trung dài hạn cho đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị còn nhiều hạn chế từ phía các Ngân hàng thương mại do nhiều hạng mục đầu tư không được ngân hàng chấp nhận.
Khả năng đáp ứng nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh ngắn hạn từ nguồn vốn vay cũng khá hạn chế do tính chất mùa vụ kinh doanh của các doanh nghiệp, vòng quay vốn dài hơn hẳn so với các doanh nghiệp sản xuất khác.
Các yêu cầu về tính minh bạch, trung thực các số liệu báo cáo tài chính phải được kiểm toán hoặc thông qua báo cáo qua cơ quan thuế.
Bên cạnh đó, các quy định về nhận các loại hình tài sản thế chấp còn thận trọng với nhóm DNNVV, theo đó các tổ chức tài chính chủ yếu nhận các tài sản thế chấp là bất động sản.
Về phía các DNNVV, giá trị đầu tư bằng vốn tự có của doanh nghiệp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thường lớn hơn so với giá trị được ghi nhận do các khoản đầu tư không được ghi nhận đầy đủ, do đó định giá tài sản từ phía các ngân hàng thương mại thấp hơn so với giá trị đầu tư.
Khả năng quản trị tài chính chưa đáp ứng các yêu cầu từ phía các ngân hàng thương mại; thiếu tài sản đảm bảo… Vì vậy, doanh nghiệp phải vay các nguồn vốn bên ngoài với lãi suất cao để bổ sung vốn kinh doanh.
Ông Vũ Văn Tuấn, chuyên gia tư vấn - Dự án USAID Link SME cho rằng, DNNVV đóng góp 45% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước. Gần như tất cả ngân hàng thương mại Việt Nam đều coi DNNVV là khách hàng chiến lược. Nhưng xét về lượng cho vay thì thường doanh nghiệp lớn được cho vay là nhiều.
Hơn 70% DNNVV chưa tiếp cận được tài chính, do nhiều nguyên nhân. Về phía doanh nghiệp, đa số không đáp ứng được điều kiện các khoản vay, không có phương án kinh doanh một cách rõ ràng, báo cáo tài chính chưa rõ ràng, chính xác… cùng với đó là thói quen quản trị chưa được chuyên nghiệp, bài bản.
Trong khi việc tiếp cận nguồn tín dụng của ngân hàng gặp khó khăn thì các doanh nghiệp nhiều khi không biết nguồn, hoặc các sản phẩm tài chính khác nhau, chỉ nghĩ tới ngân hàng mà ko nghĩ đến chỗ khác phù hợp hơn.
“Xu hướng thay đổi về thị trường tài chính mà doanh nghiệp khai thác là các nguồn tiếp cận đa dạng, hơn 10 nguồn khác nhau, công ty cho thuê tài sản, tài chính; quỹ bảo hiểm tín dụng; chính sách hỗ trợ, tài khóa, miễn, giảm, hoãn của Chính phủ hay nhà tài trợ quốc tế… dưới nhiều hình thức khác nhau”, ông Vũ Văn Tuấn chia sẻ.
Ông Tuấn cũng lưu ý, doanh nghiệp nên biết rõ các điều kiện về các tổ chức tài chính khác nhau, như: hồ sơ pháp lý, giấy tờ đăng ký kinh doanh, hồ sơ tài chính, phương án kinh doanh (không phải làm theo kiểu làm cho đủ hồ sơ), quản lý giao dịch, lịch sử tín dụng, không có nợ quá hạn, đáp ứng yêu cầu xếp hạng tín dụng…
Theo ông Hoàng Văn Phúc, Phó Tổng giám đốc Công ty cho thuê tài chính TNHH BIDV - Sumi Trust, có tới 90% doanh nghiệp thuê tài chính để mua sắm thiết bị, vật tư để sản xuất.
Lợi ích cho thuê tài chính là: Mức tài trợ cao, lãi suất hợp lý; tăng vốn lưu động - trường hợp bán tài sản cho bên cho thuê và thuê lại; tận dụng hiệu quả các nguồn vốn khác nhau, không ảnh hưởng tới hạn mức tín dụng ngân hàng; Thời hạn thuê linh hoạt, đa dạng; đảm bảo sử dụng nguồn vốn đúng mục đích; không cần tài sản đảm bảo; kết thúc hợp đồng linh hoạt (mua lại tài sản thuê, trả lại tài sản thuê, hoặc thuê tiếp, và vẫn được trích khấu hao tài sản như trường hợp doanh nghiệp tự mua…).
Trong thời gian qua, BIDV - Sumi Trust đã tài trợ vốn cho nhiều doanh nghiệp trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong việc đầu tư, hiện đại hóa máy móc thiết bị… khi các doanh nghiệp này khó đáp ứng được điều kiện cho vay của các ngân hàng.
Ông Phúc dẫn chứng: “Một công ty nông ngiệp khó khăn về nguồn vốn lưu động vì dịch Covid-19, chúng tôi mua lại máy móc của họ và cho họ thuê lại, chúng tôi mua và tài trợ nguồn vốn lưu động cho họ. Hay một doanh nghiệp xây dựng khác, chuẩn bị tham gia đấu thầu dự án hạ tầng giao thông, đòi hỏi phải có máy móc thiết bị mới, họ cũng tính toán phương án kinh doanh, giải pháp là chúng tôi cho thuê các máy móc này và tài trợ 100% nguồn vốn. Chúng tôi còn đầu tư hệ thống vận tải, kho lạnh cho các doanh nghiệp trong vùng…”.