Giải pháp cho ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam

Sáng nay, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn 'Tái định hình chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu: Nhận diện xu hướng, thách thức và giải pháp cho Việt Nam'.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, cho biết, trong những năm qua, tầm nhìn về một tương lai bền vững và phát triển ngày càng quan trọng trong việc chuyển đổi hệ thống năng lượng. Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển, chuyển dịch năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia như Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nhận thức được tầm quan trọng của năng lượng xanh cho nền kinh tế, Việt Nam đã đưa ra nhiệm vụ cụ thể trong Quy hoạch tổng thể về ngành năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ ban hành ngày 26/7/2023 (Quy hoạch điện VIII). Sự phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã ghi nhận những bước tiến đáng kể, nhờ cơ chế, chính sách khuyến khích của Nhà nước.

“Tuy nhiên, hiện vẫn có những điểm nghẽn pháp lý cần chỉnh sửa trong thời gian tới. Quá trình chuyển dịch năng lượng gắn với phát triển hạ tầng năng lượng, nếu được thực hiện tốt, sẽ thúc đẩy Việt Nam đạt được đồng bộ các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội và môi trường, đáp ứng được tầm nhìn dài hạn của đất nước”, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI phát biểu tại Diễn đàn

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI phát biểu tại Diễn đàn

Tại Diễn đàn, các đại biểu cho biết, mặc dù Chính phủ đã có nhiều chính sách phát triển năng lượng tái tạo, tuy nhiên, nhiều chính sách chưa đồng bộ, chưa đi vào thực tiễn, tạo các điểm nghẽn. Các nhà quản lý, các chuyên gia, doanh nhân Việt Nam và quốc tế đã thảo luận cởi mở, thẳng thắn và trách nhiệm, nhận diện các thách thức như tài chính chưa đủ đa dạng và dài hạn để phù hợp với nhu cầu các cơ chế tài chính mới như tài chính hỗn hợp, trái phiếu và khoản vay xanh hoặc liên kết bền vững và các công cụ nâng cao hiệu quả tín dụng chưa được sử dụng rộng rãi, thủ tục hành chính rườm rà. Các khoảng trống trong chuỗi cung ứng nội địa trong ngành năng lượng mới, sản xuất năng lượng tái tạo...

Toàn cảnh Diễn đàn

Toàn cảnh Diễn đàn

Các diễn giả đã kiến nghị, đề xuất để thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng tại Việt Nam như cần xây dựng cơ chế khuyến khích và mở rộng các sản phẩm tài chính. Nhà nước và các tổ chức liên quan có thể giới thiệu và thúc đẩy các sản phẩm tài chính phù hợp với các dự án năng lượng tái tạo, bao gồm tài chính ưu đãi, tài chính đa phương từ các ngân hàng phát triển đa phương và tài chính hỗn hợp, cùng với sự bảo lãnh từ tín dụng xuất khẩu (ECA) và các cơ chế tài chính khí hậu sáng tạo.

Ông Abhinav Goyal, Giám đốc dịch vụ tư vấn dự án đầu tư cơ sở hạ tầng PwC Việt Nam chia sẻ tại Diễn đàn

Ông Abhinav Goyal, Giám đốc dịch vụ tư vấn dự án đầu tư cơ sở hạ tầng PwC Việt Nam chia sẻ tại Diễn đàn

Bên cạnh đó, Nhà nước có thể cân nhắc tính phù hợp của các cơ chế khuyến khích khác nhau, chẳng hạn như miễn giảm thuế, trợ giá hoặc tài trợ, miễn thuế nhập khẩu, ưu đãi thuế đất hoặc các biện pháp khuyến khích dựa trên hiệu suất cho sự phát triển chuỗi cung ứng. Thúc đẩy quan hệ đối tác để tạo ra các mô hình tài chính cung cấp các tùy chọn đầu tư dài hạn và giảm rủi ro tài chính cho dự án. Đối với thủ tục hành chính, cần đẩy nhanh quá trình thẩm định cho vay từ ngân hàng đối với dự án mới.

Các dự án thuộc cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) tăng cường khung pháp lý để hoàn thiện thị trường điện cạnh tranh, các quy định về DPPA và khuyến khích sự tham gia với các bên liên quan để giải quyết các thắc mắc và đơn giản hóa việc tham gia mô hình DPPA của các nhà phát triển dự án và các đơn vị sử dụng điện lớn. Có các gói ưu đãi cho các công ty đầu tư, sản xuất năng lượng tái tạo, thúc đẩy liên doanh và phát triển chuỗi cung ứng năng lượng mới...

Thu Hòa

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/giai-phap-cho-nganh-nang-luong-tai-tao-tai-viet-nam-273485.htm