Giải pháp cho thành viên thiểu số trong các giao dịch có khả năng tư lợi
Mặc dù pháp luật doanh nghiệp hiện nay có những quy định khá chặt chẽ về giao dịch có khả năng tư lợi, nhưng trên thực tế các thành viên chiếm đa số vốn luôn muốn tìm cách phá vỡ các quy định này của Luật Doanh nghiệp.
Trong trường hợp đó, các thành viên thiểu số phải ứng phó như thế nào để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình?
Yêu cầu tuyên vô hiệu đối với giao dịch có khả năng tư lợi được ký kết trái pháp luật
Giao dịch có khả năng tư lợi là các giao dịch được quy định tại khoản 1 Điều 67, khoản 1 Điều 86 và khoản 1 Điều 162 Luật Doanh nghiệp 2014, tương ứng với quy định dành cho công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty TNHH một thành viên và công ty cổ phần.
Các giao dịch này nhìn chung được thiết lập giữa một bên là chính công ty và một bên là các thành viên, chủ sở hữu, người quản lý công ty hay người có liên quan của những người này. Vì vậy, dẫn đến nguy cơ những chủ thể này dùng các quyền lực, và vị trí sẵn có của họ trong công ty để quyết định việc ký kết hợp đồng, giao dịch với công ty nhằm tư lợi cho cá nhân họ, thay vì phải hành động vì lợi ích của công ty.
Đối với vấn đề này, trước tiên cần khẳng định rằng hiện nay pháp luật không cấm các giao dịch có khả năng tư lợi. Vì như đã phân tích, việc xác định một giao dịch có phải là giao dịch có khả năng tư lợi hay không sẽ dựa trên chủ thể tham gia giao dịch. Nhưng không phải tất cả các giao dịch này nếu xảy ra, đều sẽ dẫn đến hệ quả xấu là trục lợi cho cá nhân, mà trên thực tế vẫn có những giao dịch như vậy được tiến hành một cách trung thực và đem lại lợi ích cho công ty. Vì vậy, thay vì cấm cản, pháp luật doanh nghiệp đề ra các cơ chế để kiểm soát và ngăn chặn những ai có ý định tư lợi trong các giao dịch này.
Một trong những cơ chế này chính là quy định các hợp đồng, giao dịch có khả năng tư lợi nếu được thông qua trái với quy định pháp luật có thể sẽ bị vô hiệu. Theo đó, nếu các thành viên thiểu số không thể thuyết phục được các bên rằng giao dịch đã vô hiệu theo quy định pháp luật để hủy bỏ các giao dịch này, thì họ có thể khởi kiện đến Tòa án yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu. Bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án sẽ là căn cứ chính thức để xác định tính vô hiệu của giao dịch và các bên buộc phải tuân theo.
Tuy nhiên, vấn đề vô hiệu đối với các hợp đồng, giao dịch có khả năng tư lợi được ký kết trái pháp luật, nếu so sánh giữa Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật Doanh nghiệp 2020 sẽ dễ dàng nhận thấy có điểm khác biệt trong cách quy định giữa hai đạo luật này.
Cụ thể, trong khi khoản 3 Điều 67 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định “Hợp đồng, giao dịch bị vô hiệu và xử lý theo quy định của pháp luật khi được ký kết không đúng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, gây thiệt hại cho công ty”; còn khoản 3 Điều 67 Luật Doanh nghiệp 2020 khi đề cập đến vấn đề này đã lược bỏ đi yếu tố “gây thiệt hại cho công ty”. Cách quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020 là hợp lý và phù hợp với thực tiễn hơn.
Chẳng hạn, hiện nay Luật Doanh nghiệp quy định rất rõ rằng thành viên hội đồng thành viên có liên quan đến các bên trong hợp đồng, giao dịch có khả năng tư lợi không được tính vào việc biểu quyết.
Như vậy, nếu một giao dịch được thông qua mà mà sử dụng cả phiếu biểu quyết của thành viên có liên quan, thì hiển nhiên trước tiên sẽ vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật (theo điểm c khoản 1 Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015), chứ không cần phải xét đến yếu tố có thiệt hại xảy ra hay không. Việc xác định thiệt hại vốn là câu chuyện về truy cứu trách nhiệm bồi thường sẽ đặt ra sau đó, chứ không nên được dùng làm căn cứ để xác định hợp đồng, giao dịch vô hiệu.
Yêu cầu bồi thường thiệt hại phát sinh và hoàn trả khoản lợi thu được
Bên cạnh quyền yêu cầu tuyên giao dịch có khả năng tư lợi ký kết trái pháp luật bị vô hiệu, thì cũng cần lưu ý đến quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại phát sinh và hoàn trả khoản lợi thu được.
Theo khoản 3 Điều 67 Luật Doanh nghiệp 2014, trong công ty TNHH hai thành viên trở lên, khi các giao dịch có khả năng tư lợi không được ký kết và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật thì người ký kết hợp đồng, giao dịch, thành viên có liên quan và người có liên quan của thành viên đó phải bồi thường thiệt hại phát sinh, hoàn trả cho công ty các khoản lợi thu được từ việc thực hiện hợp đồng, giao dịch này.
Nhìn qua, có thể thấy quy định như trên đã khá đầy đủ và hợp lý để ràng buộc trách nhiệm của những người tham gia và có liên quan đến các giao dịch có khả năng tư lợi. Tuy nhiên, nếu so sánh với quy định tương ứng của công ty TNHH một thành viên, công ty cổ phần, thì trách nhiệm đặt ra đối với các chủ thể này trong công ty TNHH một thành viên và công ty cổ phần được nhấn mạnh là trách nhiệm “liên đới”.
Khi áp dụng chế định trách nhiệm liên đới, mỗi người có liên quan (dẫn đến giao dịch có khả năng tư lợi trong công ty cổ phần bị thông qua trái pháp luật) đều có thể bị công ty yêu cầu cầu thường tất cả các thiệt hại phát sinh được gây ra bởi họ và những người khác, chứ không chỉ giới hạn trong phạm vi thiệt hại mà họ gây ra.
Chế định về trách nhiệm liên đới như vậy sẽ có sức răn đe và bảo vệ tốt hơn cho quyền lợi của công ty cũng như các thành viên thiểu số. Do đó, thiết nghĩ, trong mô hình công ty TNHH hai thành viên cũng nên bổ sung thêm quy định cụ thể về trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại, hoàn trả các khoản lợi thu tương tự như ở mô hình công ty TNHH một thành viên, công ty cổ phần.
Nhìn chung, việc xảy ra tranh chấp thường là hệ quả không thể tránh khỏi khi một giao dịch có khả năng tư lợi được ký kết trái pháp luật, và không nhận được sự đồng thuận từ các thành viên còn lại trong công ty.
Khi phát sinh tranh chấp, thông thường các bên sẽ luôn ưu tiên đàm phán và thương lượng để tìm cách giải quyết nhanh chóng mà không cần phải trải qua quá trình tố tụng. Tuy nhiên, khi một bên không có thiện chí thương lượng, đặc biệt trong bối cảnh giữa các bên có sự chênh lệch lớn về tỷ lệ % vốn điều lệ nắm giữ, về quyền quản trị trong công ty, thì việc giải quyết tranh chấp bằng con đường tố tụng là khó tránh khỏi.
Trong tình huống đó, khi khởi kiện, thành viên công ty cần lưu ý trình bày tất cả các yêu cầu nêu trên trong Đơn khởi kiện (bao gồm yêu cầu tuyên giao dịch vô hiệu, yêu cầu bồi thường thiệt hại và hoàn trả khoản lợi thu được) để có thể bảo vệ đầy đủ các quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân thành viên cũng như của công ty.