Giải pháp cho thị trường xuất bản là phát triển văn hóa đọc
Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cho rằng bạn đọc chính là thị trường của ngành sách, vì vậy, để phát triển kinh tế xuất bản cần nâng cao văn hóa đọc.
Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng tới nhiều mặt đời sống, ngành sách không phải ngoại lệ. Nhằm trao đổi thẳng thắn những khó khăn, đồng thời đề xuất giải pháp, hội thảo “Trao đổi kinh nghiệm và định hướng phát triển bền vững lĩnh vực xuất bản, in và phát hành trong điều kiện dịch Covid-19” được tổ chức.
Hội thảo do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức chiều 20/10 với hình thức trực tuyến. Chủ trì hội thảo, ông Phạm Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - nói: “Bộ muốn lắng nghe trong điều kiện Covid-19 xảy ra, đơn vị ngành sách có vướng mắc, khó khăn gì, cần trao đổi gì về chính sách hỗ trợ”.
Ngành in thiếu nhân lực, phát hành khó vận chuyển, xuất bản tồn đọng sách
Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) - báo cáo tóm tắt hoạt động xuất bản, in và phát hành trong điều kiện Covid-19. Năm 2020, ngành xuất bản nói chung trên thế giới suy giảm nhiều, xuất bản Việt Nam cũng giảm.
Trong sáu tháng đầu năm nay, ngành sách có nhiều cố gắng với mong muốn lấy lại đà phát triển của những năm trước. Nhưng Covid-19 bùng phát lần thứ tư gây ra nhiều khó khăn: Nguồn cung ứng đầu vào bị đứt gãy (xuất bản thiếu bản thảo, nguyên liệu in tăng cao, có loại giấy tăng giá 60%), phát hành cũng chịu nhiều hệ lụy.
Các đơn vị cố gắng duy trì sản xuất trong trạng thái vẫn phải trả chi phí mặt bằng, vay ngân hàng, trả bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội… Điều đó khiến nguồn lực của các doanh nghiệp bị đẩy đến chân tường.
Đáng quan ngại nhất là sức mua giảm, thị trường thu hẹp. Trong hơn một tháng trở lại đây, một số tín hiệu tích cực nhưng sức mua chưa tăng cao, hiệu quả doanh thu của đơn vị ngành sách chưa đáng kể.
Các doanh nghiệp in gặp khó khăn khi dịch bệnh bùng phát. Đại diện Công ty cổ phần In Công đoàn Việt Nam nêu khó khăn chung của ngành in: Doanh thu giảm mạnh, đơn hàng không có, giá nguyên vật liệu tăng liên tục khiến nhà in không kịp điều chỉnh giá đấu thầu trước đó. Chi phí vận chuyển, vật tư, làm việc ba tại chỗ… đều tăng.
Ông Nguyễn Văn Dòng - Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam - nói: Hai phần ba công suất ngành in nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19 vừa qua (TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai). Trên 80% doanh nghiệp in giảm doanh thu, lợi nhuận. Lĩnh vực in bao bì, in ấn phẩm quảng cáo, in sách báo văn hóa phẩm chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Ngành in thiếu thợ chính, thợ bảo trì, thiếu nguồn cung ứng vật tư, thiết bị, đơn hàng sụt giảm.
75% doanh nghiệp ngành in tỏ ra bi quan về sự phục hồi trong thời gian tới. Lo ngại lớn nhất là sự đứt gãy chuỗi khách hàng. Khoảng 15% khách hàng nước ngoài đã ngưng làm việc với doanh nghiệp in Việt Nam để chuyển sang nước khác. Số lao động rời ngành in đang gia tăng hàng ngày. Một số doanh nghiệp đã đóng cửa, một số ngưng hoạt động vĩnh viễn.
Đại diện lĩnh vực phát hành, bà Phạm Thị Hóa - Phó tổng giám đốc Fahasa - nói tháng 6-9 hàng năm là cao điểm hoạt động của Fahasa, phục vụ sách giáo khoa và văn phòng phẩm. Nhưng năm nay, kinh doanh của Fahasa chịu ảnh hưởng nặng nề, hầu hết nhà sách trên toàn quốc đóng cửa. Công ty chủ yếu kinh doanh trên nền tảng Fahasa.com, phần nào giữ mức doanh thu 25-45%.
Nhu cầu sách giáo khoa tăng cao, lượng đơn hàng quá lớn nhưng thành phố giãn cách nghiêm ngặt, sách không được ưu tiên vận chuyển, có những thời điểm Fahasa dồn ứ hơn 300.000 đơn hàng đã đóng gói trong kho.
Bà Phan Thị Thu Hà - Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ - nói lên khó khăn của giới xuất bản. Từ cuối tháng 5, Covid-19 gây khó khăn cho hoạt động xuất bản trên địa bàn thành phố. Các nhà in hoạt động ba tại chỗ chỉ đáp ứng 30% công suất, không đáp ứng nhu cầu in sách.
Kinh doanh quý III của Nhà xuất bản Trẻ sụt giảm nghiêm trọng do các cửa hàng đóng cửa, sách không được coi là thiết yếu nên đơn hàng qua thương mại điện tử không giao được. Hoạt động mua bán bản quyền cũng chịu ảnh hưởng. Hiện nay, Nhà xuất bản Trẻ chủ yếu thực hiện bản thảo đã khai thác trước đó, thiếu kinh phí mua bản thảo mới.
Ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM - ghi nhận vai trò của đơn vị quản lý Nhà nước với hoạt động ngành sách: “Thời gian vừa qua, chúng tôi là người trong tâm dịch, xin ghi nhận vai trò quản lý Nhà nước trong tháo gỡ khó khăn”. Lãnh đạo Cục Xuất bản, In và Phát hành đã có những tác động, giúp thông thương vận chuyển sách giáo khoa, sau này là cho mở cửa lại hoạt động doanh nghiệp xuất bản, cửa hàng sách.
Không chỉ bàn đến khó khăn của ngành sách trong Covid-19, Giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM nói về vấn đề tồn tại lâu nay: “Kinh tế xuất bản yếu kém so với các ngành khác. Doanh thu xuất bản năm 2019 là 2.775 tỷ đồng”. Theo ông Lê Hoàng, con số đó chỉ bằng doanh thu của một doanh nghiệp trong ngành khác.
“Tìm giải pháp nâng cao sức đọc, đẩy mạnh thị trường mới tạo được sự phát triển lâu dài cho ngành sách”, ông Lê Hoàng nói.
Ứng dụng công nghệ, phát triển văn hóa đọc
Bên cạnh khó khăn, đại diện các đơn vị xuất bản, in và phát hành cũng nêu giải pháp, kiến nghị chính sách phù hợp để phát triển trong điều kiện Covid-19.
Ông Đỗ Quang Hưng - đại diện Công ty Cổ phần Giải pháp Minh Đức, chuyên cung cấp thiết bị ngành in - nói dịch Covid-19 không cho phép nhiều nhân viên có thể đi làm trong một cơ sở. Đơn vị của ông có những thiết bị để tối ưu hóa năng lực sản xuất, tăng chất lượng in và giảm nhân lực.
Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam Nguyễn Văn Dòng cho rằng hiện nay, tình hình khống chế dịch bệnh đã tốt hơn, ông kiến nghị Chính phủ, cơ quan quản lý cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động trở lại mà không gặp quá nhiều thủ tục. Ông Dòng đề xuất cơ quan quản lý tạm thời không kiểm tra liên ngành với các doanh nghiệp in để họ tập trung phục hồi sản xuất.
Một số đơn vị ngành sách tìm giải pháp nơi công nghệ, phát triển thương mại điện tử. Bà Nguyễn Kim Thoa - Giám đốc công ty Tân Việt - nói thời gian qua, Tân Việt đầu tư công nghệ, triển khai app bán hàng điện tử. Kênh bán hàng này bắt đầu giúp Tân Việt đạt được thành quả đầu tiên, sẽ được phát huy trong thời gian tới.
Cần nâng cao chất lượng sách, thúc đẩy ấn phẩm giá trị của tác giả trong nước.
Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn
Chia sẻ với khó khăn của các đơn vị ngành sách, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn nói Chính phủ đặc biệt quan tâm tới các giải pháp. Trong tình hình khó khăn như hiện nay, các đơn vị phải mạnh dạn nghiên cứu, đề xuất giải pháp sát với thực tiễn.
Về thị trường xuất bản, ông Phạm Anh Tuấn cho rằng bạn đọc chính là thị trường của ngành sách. Tìm giải pháp để nâng cao văn hóa đọc, làm sao để ngày càng nhiều người đọc sách là giải pháp thúc đẩy kinh tế xuất bản.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng cần nâng cao chất lượng sách. Hiện nay, sách giá trị phần nhiều là dịch, cần thúc đẩy ấn phẩm chất lượng của tác giả trong nước.
Ông Phạm Anh Tuấn nói các đơn vị phải áp dụng công nghệ trong cả khâu quản trị và sản xuất. Qua đại dịch, ta thấy cần đổi mới sản xuất, ứng dụng công nghệ. Ai đồng hành với công nghệ thì chi phí giảm, tăng sức cạnh tranh.