Giải pháp chống dịch Covid-19 tại bệnh viện tâm thần

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, bệnh nhân tâm thần là đối tượng đặc biệt, dễ bị tổn thương và khó quản lý.

Chiều 3/9, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp trực tuyến về công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 và Viện Pháp y Tâm thần Trung ương Biên Hòa.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhận định công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại 2 cơ sở y tế đặc biệt này cần có những giải pháp và bàn luận chuyên sâu để khống chế dịch.

Theo báo cáo, Viện Pháp y Tâm thần Trung ương Biên Hòa phát hiện ổ dịch ngày 19/8. Thời điểm ban đầu, ổ dịch này chỉ có 18 ca. Tính đến sáng nay, viện đã ghi nhận 90 F0. Cơ sở này đã phong tỏa toàn bộ khu nhà A1 - nơi có các ca F0 - và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Qua 14 ngày thực hiện giãn cách tuyệt đối trong đơn vị, viện đã phong tỏa được dịch, các khoa chưa có dịch đều an toàn. Trong 90 F0, một bệnh nhân diễn biến nặng đã được chuyển tới Bệnh viện Đồng Nai và phải thở máy không xâm nhập HFNC. Hiện bệnh nhân vẫn ổn định.

Bốn nhân viên y tế đã phục hồi gần như hoàn toàn, 85 bệnh nhân còn lại hết sốt. Chỉ có 2-3 bệnh nhân thở oxy ngắt quãng do SpO2 thấp.

 Một nhân viên y tế làm việc bên trong khu điều trị Covid-19 của Bệnh viện FV (TP.HCM). Ảnh: Duy Hiệu.

Một nhân viên y tế làm việc bên trong khu điều trị Covid-19 của Bệnh viện FV (TP.HCM). Ảnh: Duy Hiệu.

Trong khi đó, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 phát hiện ổ dịch ngày 26/8. Ban đầu, ổ dịch này có 26 ca. Tính đến sáng nay, bệnh viện ghi nhận 136 F0 và có nguy cơ tiếp tục tăng lên trong những ngày tới.

Cơ sở y tế này đã nhanh chóng phong tỏa 3 khu điều trị có ca dương tính và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Bộ Y tế cũng như Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh Đồng Nai.

Bệnh nhân tâm thần khó tuân thủ biện pháp phòng chống dịch

Báo cáo tại cuộc họp, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 cho biết, hiện cơ sở y tế này còn 1.136 bệnh nhân/1.200 giường bệnh. Trong đó, 102 bệnh nhân không có người thân, không nơi nương tựa và bị bỏ rơi nhiều năm nay.

Hiện tại, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 gặp rất nhiều khó khăn do nguồn nhân lực thiếu, số lượng bệnh nhân nhiều gây quá tải.

Bệnh viện đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ vaccine để tiêm cho bệnh nhân tâm thần đang nằm điều trị nội trú; Hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch, trang thiết bị, vật tư y tế...; Cho phép bệnh viện thành lập Trung tâm thu dung điều trị bệnh nhân tâm thần mắc Covid-19 ngay tại bệnh viện.

Hiện tại, cơ sở này có 50 giường bệnh và sẽ tăng lên quy mô 300-500 giường trong thời gian tới.

Bác sĩ Vũ Văn Thành, Phó giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) Covid-19, Bệnh viện Phổi Trung ương tại Đồng Nai, cho biết với tình hình hiện tại, các cơ sở này cần được tăng cường cho khu vực điều trị bệnh nhân tâm thần mắc Covid-19, thực hiện điều trị phân tầng (3 tầng) ngay tại bệnh viện.

Trong khi đó, tiến sĩ Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, cho rằng cần xét nghiệm diện rộng, đặc biệt ở các khoa nguy cơ cao. Các cơ sở này cũng phải định kỳ xét nghiệm cán bộ y tế, F1.

"Do đặc thù bệnh nhân tâm thần khó tuân theo y lệnh nên các bác sĩ cần theo dõi chặt chẽ tại khu cách ly, thường xuyên kiểm soát nhiễm khuẩn, khống chế ổ dịch tại 5 khoa của Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2", ông Tấn nói.

PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng, Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, phụ trách Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, đề nghị 2 đơn vị trên phải quản lý bệnh nhân tốt hơn, không để hộ đi sang các khoa khác nhau.

Theo PGS Hưng, việc xét nghiệm cần được tổ chức thường xuyên, từ 3 đến 7 ngày, cho bệnh nhân và nhân viên y tế. Đồng thời, bệnh viện cần phối hợp giữa Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, Viện Pháp y Tâm thần Trung ương Biên Hòa và Sở Y tế Đồng Nai chặt chẽ hơn nữa.

"Chúng ta cần xây dựng hướng dẫn điều trị Covid-19 cho bệnh nhân tâm thần và cơ sở pháp lý tiêm vaccine Covid-19 cho bệnh nhân tâm thần do họ không có người giám hộ", ông Hưng đưa ý kiến.

Ông Hưng cũng đề xuất Bộ Y tế cần thiết lập chủ động tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 đơn nguyên điều trị Covid-19 để sẵn sàng trong trường hợp khu vực phía Bắc có ca dương tính là bệnh nhân tâm thần.

Theo tiến sĩ Nguyễn Thanh Hà, Phó cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế, 2 đơn vị trên có những đặc thù riêng về người bệnh. Do đó, dịch vụ chăm sóc cần sàng lọc, phân tách vùng. Các đơn vị cũng cần kiện toàn, rà soát mô hình các tầng điều trị, lên phương án chuyển bệnh nhân lên ICU trong tình trạng khó kiểm soát.

Sẽ thành lập Trung tâm điều trị bệnh nhân tâm thần mắc Covid-19

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, để tăng cường công tác phòng chống dịch ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương đạt hiệu quả, ngoài việc tiếp tục chỉ đạo bệnh viện về chuyên môn, đảm bảo tiếp nhận, cấp cứu, điều trị, kiểm soát nhiễm khuẩn tại đây, các Bệnh viện nói chung đều phải xây dựng theo mô hình chia 2 khu vực.

Do đặc thù của bệnh nhân tâm thần, các biện pháp thông thường như cách ly, phân luồng, 5K khó thực hiện. Việc sinh hoạt cho nhóm bệnh nhân này cũng cần sự quan tâm, đồng hành của tất cả đơn vị thuộc Bộ Y tế.

Ông Khuê khẳng định Bộ Y tế ủng hộ chủ trương thành lập Trung tâm điều trị bệnh nhân tâm thần mắc Covid-19 tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 và Viện Pháp y Tâm thần Trung ương Biên Hòa.

“Các đơn vị cũng phải tăng cường kết nối với bệnh viện trung ương và địa phương để giữ mạch điều trị, giảm thiểu tử vong, đồng thời bổ sung danh mục kỹ thuật test nhanh, xây dựng kế hoạch để chủ động thực hiện rRT-PCR”, Cục trưởng Khuê nói.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/giai-phap-chong-dich-covid-19-tai-benh-vien-tam-than-post1258800.html