Giải pháp công nghệ và hạ tầng để có đất sạch

Để công nghiệp TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ tiếp tục phát triển, cả chính quyền địa phương và doanh nghiệp đều nỗ lực xây dựng, hoàn thiện hạ tầng, theo kịp với nhu cầu của mở rộng và chuyển đổi sản xuất.

Trong bài 1, VOV đã phản ánh tình trạng quỹ đất công nghiệp ở TP.HCM ngày càng hạn hẹn và ở các tỉnh Đông Nam bộ thì nhiều quy hoạch đất công nghiệp chưa được phê duyệt. Bài 2 với nhan đề “Giải pháp công nghệ và hạ tầng” đề cập những giải pháp trước mắt và lâu dài. Đó là, nhiều nơi mở nhà xưởng cao tầng ở các khu công nghiệp hiện hữu, chọn lọc nhà đầu tư và dự án theo hướng không thâm dụng đất đai.

Song song đó, các địa phương chủ trương giữ lại tối đa diện tích đất công nghiệp tại các khu hiện hữu để tiếp tục quy hoạch phát triển công nghiệp; chuyển đồi mô hình đối với các khu có diện tích nhỏ, nằm xen cài trong các khu dân cư, trung tâm đô thị; không chủ trương chuyển diện tích đất công nghiệp thành đất ở đô thị. Đồng thời, các địa phương trong vùng đều đang quy hoạch thêm các khu công nghiệp.

Nhà xưởng hiện đại và hoàn thiện hạ tầng

Từ năm 2015, TP.HCM đã thí điểm xây dựng nhà xưởng cao tầng ở Khu công nghiệp Hiệp Phước, sau đó mở rộng ở một số khu công nghiệp khác. Đến nay, nhiều doanh nghiệp cũng đã hoạt động ở các khu nhà xưởng cao tầng này, trong đó có cả những doanh nghiệp cơ khí với máy móc nặng. Giai đoạn đầu cũng có những kết quả nhất định, giải quyết khó khăn về mặt bằng cho doanh nghiệp.

Nhà xưởng cao tầng được xem như một giải pháp của TP.HCM. Ông Trần Anh Hào, Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp, Sở Công thương TP.HCM cho biết, đất cho công nghiệp TP khó khăn, hạn hẹp, do đó TP có chủ trương nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Nhà xưởng cao tầng được xem là một giải pháp cho tình trạng thiếu đất công nghiệp ở TP.HCM

Nhà xưởng cao tầng được xem là một giải pháp cho tình trạng thiếu đất công nghiệp ở TP.HCM

Theo ông Hào: "TP học tập kinh nghiệm ở một số quốc gia tiên tiến để nâng cao hiệu quả sử dụng đất công nghiệp. TP tích hợp xây dựng các tòa nhà cao tầng trong khu công nghiệp và cả bên ngoài, đặt nhà máy sản xuất trên các nhà cao tầng nên hiệu quả sử dụng đất công nghiệp của TP rất cao".

Khan hiếm đất sạch, giá thuê đất cao ảnh hưởng đến thu hút đầu tư. Nên nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ cần tận dụng các lợi thế khác như vị trí địa lý, vai trò trong chuỗi sản xuất, cung ứng, chất lượng nguồn nhân lực…để phát triển công nghiệp. Các địa phương cũng cần nỗ lực hoàn thiện và kết nối hạ tầng, trong đó có đường giao thông để đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư.

Tiến sĩ Kinh tế Huỳnh Thanh Điền cho biết: "Mình phải xây dựng hạ tầng công nghiệp bài bản để thu hút nhóm những doanh nghiệp, ngành mà địa phương định hướng. Như ngành sản xuất công nghệ cao, ngành sản xuất công nghệ theo xu hướng mới, kinh tế tuần hoàn, xanh hóa… Khi hạ tầng của mình như vậy thì doanh nghiệp nào đạt các tiêu chí này thì đầu tư vào".

Tỉnh Bình Dương hiện có 33 khu công nghiệp đã được phê duyệt, với tổng diện tích quy hoạch 14.790 ha. Đến nay, Bình Dương đã thành lập 29 khu công nghiệp, với tổng diện tích quy hoạch trên 12.890ha. Trong đó, có 27 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 10.057ha, tỷ lệ lấp đầy đạt gần 92%. Chủ đầu tư các khu công nghiệp đang tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nhanh chóng xúc tiến, thu hút đầu tư các dự án thứ cấp ở các khu công nghiệp còn lại.

Tỉnh Bình Dương giải phóng mặt bằng làm Khu công nghiệp VSIP III với diện tích 1.000 ha

Tỉnh Bình Dương giải phóng mặt bằng làm Khu công nghiệp VSIP III với diện tích 1.000 ha

Vẫn cần thêm đất cho công nghiệp

Theo các địa phương Đông Nam bộ, vẫn cần phải mở rộng quy hoạch, tạo quỹ đất sạch cho công nghiệp để thu hút đầu tư.

Cụ thể như TP.HCM được quy hoạch 5.918ha đất công nghiệp, ngoại trừ các khu đã lấp đầy thì vẫn còn khoảng 1.500ha. Tuy nhiên, phần đất này đang vướng pháp lý và chưa giải phóng mặt bằng xong. Có những khu đã thành lập rồi nhưng chưa hoạt động được do pháp lý hoặc những khu giải phóng mặt bằng còn “da beo”.

Hiện nay, TP.HCM đã trình Chính phủ bổ sung quy hoạch đất Khu công nghiệp Phạm Văn Hai 1 và Khu công nghiệp Phạm Văn Hai 2 với hơn 668 ha. Thành phố đang chờ Chính phủ phê duyệt bổ sung quy hoạch 2 dự án này trong năm nay để tiến hành quy hoạch 1/2000 và làm những việc tiếp theo.

Ông Hứa Quốc Hưng, Phó Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM cho biết: "Đối với quỹ đất quy hoạch mới sắp tới được phê duyệt, TP nhận thức rằng phải hết sức phải chắt chiu từng m2 đất công nghiệp cho giai đoạn tới. Về ngành nghề thu hút, lĩnh vực, định hướng ngành nghề…để giá trị mang lại giá trị gia tăng cho thu hút đầu tư vào khu công nghiệp mang lại phải tăng hơn so với giai đoạn trước đây. Sức đầu tư trung bình thu hút vào các khu công nghiệp, khu chế xuất trước đây 6,23 triệu USD/ha. Chúng tôi đặt mục tiêu sức đầu tư thời gian tới thu hút tiến dần trung bình 15 triệu USD/ha".

Các tỉnh thành Đông Nam bộ hoàn thiện hạ tầng để thu hút đầu tư

Các tỉnh thành Đông Nam bộ hoàn thiện hạ tầng để thu hút đầu tư

Các tỉnh Đông Nam bộ đang quy hoạch thêm hàng ngàn ha đất công nghiệp và đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt. Bình Dương cũng đang quy hoạch thêm một số khu công nghiệp tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh trong giai đoạn 2030, tầm nhìn đến 2050. Theo lãnh đạo tỉnh Bình Dương, việc phát triển công nghiệp đóng vai trò quan trọng nên tỉnh luôn chủ động trong việc lập quy hoạch, xin chủ trương để tránh tình trạng khan hiếm đất công nghiệp.

Bình Phước đã lập quy hoạch tỉnh với diện tích đất công nghiệp khá lớn để đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư. Thế nhưng, vướng mắc hiện nay là chỉ tiêu đất công nghiệp chưa được phê duyệt nên chưa trình Thủ tướng Chính phủ quy hoạch chung của tỉnh.

Bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước kiến nghị các bộ ngành chức năng và Chính phủ sớm xem xét bổ sung quy hoạch đất công nghiệp của tỉnh: "Trong báo cáo giải trình cũng như nhiều lần làm việc, báo cáo với Chính phủ, tỉnh đề nghị Bộ Kế hoạch- Đầu tư, Bộ Tài nguyên- Môi trường xem xét, bổ sung đất công nghiệp cho Bình Phước đến năm 2025 của tỉnh là 7.584 ha; giai đoạn 2025-2030 bổ sung thêm 10.521 ha, cho tổng diện tích đất công nghiệp là trên 18.000 ha".

Để công nghiệp TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ tiếp tục phát triển, cả chính quyền địa phương và doanh nghiệp đều nỗ lực xây dựng, hoàn thiện hạ tầng, theo kịp với nhu cầu của mở rộng và chuyển đổi sản xuất. Trong đó, đất cho công nghiệp là một yếu tố quan trọng mà địa phương, doanh nghiệp cần chủ trương, chính sách hỗ trợ từ trung ương. Giải quyết được vướng mắc thiếu đất sạch cho công nghiệp thì mới đặt nền móng được cho việc thu hút đầu tư các dự án mới và cải tạo, chuyển đổi các dự án công nghiệp đã hoạt động./.

Bài 1: Thủ phủ công nghiệp khát đất sạch để thu hút đầu tư

Minh Hạnh-Thiên Lý- Lệ Hằng/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/giai-phap-cong-nghe-va-ha-tang-de-co-dat-sach-post1016465.vov