Giải pháp của người chăn nuôi khi giá vật tư tăng
Trước thực trạng giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng trong khi giá sản phẩm không tăng,... người chăn nuôi hiện đang đối mặt với nguy cơ thua lỗ và đứt gãy chuỗi sản xuất. Do đó, việc thắt chặt chi phí đầu tư, cắt giảm đàn, sử dụng phế phẩm nông nghiệp,... đang là lựa chọn của nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Trang trại chăn nuôi gà của gia đình ông Hoàng Văn Thiết, xã Hoằng Thịnh (Hoằng Hóa).
Từ cuối năm 2020 đến nay, thức ăn chăn nuôi đã có 10 lần điều chỉnh giá liên tiếp, tăng khoảng 40%. Một trong những nguyên nhân khiến giá thức ăn chăn nuôi tăng là do nước ta vẫn chưa chủ động được nguồn nguyên liệu, khoảng 80% các loại nguyên liệu như lúa mì, ngô, đậu tương,... phải nhập khẩu. Giá của hầu hết các loại nguyên liệu này tăng cao do các khu vực trồng nguyên liệu trên thế giới ảnh hưởng bởi thời tiết bất lợi, dịch COVID-19... Ngoài ra, chi phí vận chuyển tăng do giá xăng, dầu tăng và thiếu tàu vận tải biển, container... Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta, tỷ lệ chăn nuôi theo quy mô trang trại, tập trung còn thấp, chủ yếu là chăn nuôi nông hộ, quy mô nhỏ lẻ. Theo tính toán của các hộ chăn nuôi, chi phí thức ăn chiếm từ 65 - 70% trong cơ cấu giá thành sản xuất. Vì vậy, khi giá các loại thức ăn chăn nuôi tăng cao, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người dân, nhất là người chăn nuôi lợn, gia cầm, chủ yếu sử dụng thức ăn công nghiệp; trong khi đó, giá lợn hơi và gia cầm thịt không tăng. Trước thực trạng này, người chăn nuôi đang xoay xở tìm cách thích ứng phù hợp để giảm thiểu rủi ro. Ông Hoàng Văn Thiết, xã Hoằng Thịnh (Hoằng Hóa), cho biết: Hiện nay, 1 bao cám 25 kg có giá trung bình khoảng 300 nghìn đồng, tăng hơn 50 nghìn đồng/bao so với cuối năm 2020. Với giá thức ăn liên tục tăng như hiện nay, gia đình đã phải giảm số lượng đàn xuống khoảng 10 nghìn con gà thay vì nuôi hơn 20 nghìn con gà như trước đây”. Bên cạnh đó, để cắt giảm chi phí, ông Thiết ưu tiên sử dụng các loại thức ăn sẵn có tại địa phương như ngô, lúa,... phối trộn để làm thức ăn cho gà.
Đối với người chăn nuôi lợn, bên cạnh việc giá thức ăn chăn nuôi tăng cao thì tâm lý còn lo sợ ảnh hưởng của dịch bệnh nên chỉ dám nuôi cầm chừng, không tăng đàn để tránh thua lỗ... Trước khó khăn đó, người chăn nuôi đã chủ động giảm đàn và đang hướng đến là thành lập các tổ hợp tác, HTX, phát triển chuỗi liên kết để bảo đảm sản lượng tiêu thụ, cũng như ổn định giá bán; đồng thời, tiếp cận với các quy trình kỹ thuật chăm sóc và phòng, chống dịch bệnh nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Các hộ chăn nuôi lợn thực hiện tái đàn theo mô hình an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; ứng dụng khoa học - kỹ thuật để giảm chi phí sản xuất.
Dự kiến giá thức ăn chăn nuôi thời gian tới vẫn tiếp tục tăng, vì vậy, bên cạnh sự chủ động của người chăn nuôi, ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường cập nhật thông tin cho người dân về tình hình chăn nuôi và thị trường các sản phẩm chăn nuôi; trên cơ sở quy hoạch các vùng chăn nuôi, khuyến khích người dân phát triển các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn gắn với bảo vệ môi trường, tiêu thụ sản phẩm. Từng bước hình thành mối liên kết giữa người chăn nuôi với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích hình thành các nhóm hộ, tổ hợp tác, HTX chăn nuôi gắn với giết mổ, chế biến để tạo nên sự ổn định về giá cả, sản phẩm và tạo thương hiệu cho sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn. Bên cạnh đó, các địa phương cần phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi để hướng dẫn người dân sử dụng cám gạo, ngô, sắn... bảo quản rơm, ủ rơm, ủ xanh các loại cây làm thức ăn cho gia súc, để tận dụng hết các phụ phẩm nông sản tại chỗ, giảm tỉ lệ sử dụng thức ăn công nghiệp.