Giải pháp cung ứng hàng hóa thiết yếu đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh COVID-19
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã chủ động chuẩn bị các phương án đảm bảo nguồn hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho người dân trong mọi tình huống của dịch bệnh; đặc biệt trong điều kiện nếu phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã chủ động chuẩn bị các phương án đảm bảo nguồn hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho người dân trong mọi tình huống của dịch bệnh; đặc biệt trong điều kiện nếu phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Sở Công Thương đã xây dựng phương án “Đảm bảo cung ứng, lưu thông hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân ứng phó với dịch COVID-19 trong trường hợp thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn tỉnh” nhằm chủ động đảm bảo cung ứng kịp thời các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân, tránh đứt gãy trong cung ứng, lưu thông hàng hóa. Lượng hàng hóa được tính toán chuẩn bị đáp ứng cho tổng số dân 1,78 triệu người, trong một tháng tương ứng với khoảng 14 nghìn tấn gạo; 18 nghìn tấn thịt, cá, thủy hải sản; 27 nghìn tấn rau, củ, quả; 21,5 triệu quả trứng. 192 chợ đầu mối, chợ dân sinh; 5 siêu thị, 65 cửa hàng tiện ích (VinMart, MinMart, Trung tâm nông sản sạch) và hàng nghìn cửa hàng tạp hóa kinh doanh các mặt hàng thiết yếu tại các địa phương đảm bảo nguồn cung ứng đủ hàng hóa cho nhu cầu của người dân trong tỉnh. Về khâu vận chuyển, để tránh gây ách tắc hàng hóa cục bộ do yêu cầu giãn cách hạn chế việc di chuyển, Sở Công Thương đã chủ động đề ra 8 giải pháp điều tiết, cung ứng hàng hóa gồm: thông tin thị trường, thông tin tuyên truyền; bán hàng hỗ trợ; chia tần suất đi chợ; tăng cường bán hàng trực tuyến; ưu tiên các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu; thúc đẩy sản xuất nuôi trồng nông sản thực phẩm; hỗ trợ bình ổn thị trường. Phát huy vai trò các tổ COVID-19 cộng đồng tại các thôn, xóm hỗ trợ người dân mua sắm hàng hóa thiết yếu; khuyến khích người dân chủ động sản xuất nông sản, thực phẩm, hàng công nghệ phẩm tại địa phương; hỗ trợ bình ổn thị trường cho các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa cung ứng cho người dân trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp. Sở Công Thương theo dõi diễn biến thị trường để điều tiết hàng hóa. Thiết lập đầu mối tiếp nhận thông tin của các địa phương để phối hợp điều tiết, cung ứng hàng hóa; ký cam kết với các đơn vị cung ứng hàng hóa thiết yếu để chủ động nguồn hàng cũng như phương án vận chuyển và tổ chức các gian hàng lưu động trong trường hợp khẩn cấp. Chủ động phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh lân cận để có kế hoạch luân chuyển, cung ứng hàng hóa khi cần thiết. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh phát huy tinh thần vì cộng đồng, cùng chính quyền triển khai kịp thời các giải pháp ổn định thị trường, không để đứt gẫy nguồn cung, đáp ứng tối đa nhu cầu của người dân. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin thúc đẩy mua bán hàng trực tuyến.
Cùng với các giải pháp của Sở Công Thương, các địa phương đã chủ động lên phương án cung ứng, lưu thông hàng hóa và phòng, chống dịch bệnh tại các chợ dân sinh. Huyện Giao Thủy từng phải thiết lập các khu phong tỏa, cách ly y tế phòng chống dịch COVID-19 khi phát sinh ca bệnh vào tháng 7-2021 tại xã Giao An. Ngay khi thiết lập khu cách ly, UBND huyện đã chỉ đạo địa phương, doanh nghiệp chủ động cung ứng hàng hóa thiết yếu (lương thực, thực phẩm, thuốc men, hàng công nghệ phẩm…) tới các khu phong tỏa, cách ly y tế. UBND các xã, thị trấn chỉ đạo Ban quản lý (Tổ tự quản) chợ và các hộ tiểu thương kinh doanh hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trên địa bàn tổ chức các điểm bán hàng mới (tạm thời, lưu động, dã chiến) để cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cho người dân tại khu vực phong tỏa, cách ly y tế. Tổ công tác COVID-19 cộng đồng tại địa phương hỗ trợ người dân tại khu vực phong tỏa, cách ly y tế trong việc đặt và nhận hàng đảm bảo các quy định về an toàn phòng, chống dịch tại các chốt kiểm soát. Khuyến khích người dân trong khu vực cách ly, phong tỏa có nhu cầu về hàng hóa liên hệ đặt hàng trực tuyến với các hộ kinh doanh bán lẻ thực phẩm, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Thực hiện nghiêm việc triển khai Bản đồ chung sống an toàn với COVID-19 tại các chợ, siêu thị, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện chủ động theo dõi sát tình hình cung cầu, giá cả mặt hàng thiết yếu, mặt hàng có nhu cầu cao để kịp thời có biện pháp chỉ đạo đảm bảo nguồn cung hàng hóa. Tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tiếp tục duy trì các hoạt động thương mại ổn định và liên tục; đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh đảm bảo cung ứng sản phẩm hàng hóa thiết yếu đủ cho tiêu dùng tại chỗ và cung ứng cho các địa phương khác có nhu cầu. Vận động các siêu thị, cửa hàng tiện lợi tổ chức các điểm bán hàng bình ổn giá để hỗ trợ người dân trong khu phong tỏa, cách ly y tế; có phương án dự trữ hàng hóa, đặc biệt là các hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống của nhân dân. Đồng chí Doãn Văn Trí, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho biết: Để đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân, ngoài việc chủ động xây dựng kế hoạch cung ứng hàng hóa, Phòng còn phối hợp với UBND các xã tuyên truyền để người dân không hoang mang, không tích trữ hàng hóa. Hiện trên địa bàn huyện có hàng trăm cửa hàng, đại lý lớn cung ứng hàng hóa thiết yếu. Tại huyện Hải Hậu đã chuẩn bị khoảng 1.000 tấn gạo; 150 tấn thịt lợn; 50 tấn thịt gia cầm, 1.500 quả trứng; 50 nghìn lít dầu ăn; 50 nghìn thùng mì tôm và 300 tấn rau, củ, quả… đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của từ 15 đến 6.000 người dân khi phải cách ly tập trung trong thời gian 1 tháng. Ngoài việc chuẩn bị đủ nguồn cung tại chỗ, UBND huyện còn chú trọng chuẩn bị phương án kết nối, hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông, thủy sản sản xuất tại chỗ có nguy cơ ách tắc do ảnh hưởng của dịch bệnh để giảm tối đa thiệt hại.
Bằng những giải pháp quyết liệt, đến thời điểm hiện tại và trong tình huống nếu phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg thì việc cung ứng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trên địa bàn tỉnh đã sẵn sàng phương án đảm bảo, đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, hàng hóa đa dạng, phong phú, không có tình trạng khan hiếm hàng hóa, đầu cơ găm hàng, tăng giá hàng hóa, đảm bảo cho đời sống, sản xuất của nhân dân phát triển./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương