Giải pháp đắc lực cho giảm nghèo

Trong 6 tháng đầu năm, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách, công tác huy động vốn, nguồn vốn ủy thác tại huyện Quảng Ninh, Quảng Bình đều có mức tăng trưởng đáng kể. Chất lượng tín dụng được củng cố, nợ quá hạn chỉ 139 triệu đồng, chiếm 0,03%/tổng dư nợ... Kết quả này phần nào phản ánh bức tranh giảm nghèo sôi động của huyện; đồng thời khẳng định tín dụng chính sách là một trong những giải pháp giảm nghèo đắc lực của cấp ủy chính quyền nơi đây.

Làm sống dậy vùng đất hoang

Bằng nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Quảng Ninh, anh Hồ Minh ở bản Lâm Ninh, xã Trường Xuân đã đầu tư mua bò, trâu, dê núi và giống keo để trồng rừng. Nhờ đó, mỗi năm gia đình thu khoảng 150 triệu đồng và đã thoát nghèo (năm 2018). Đặc biệt, giai đoạn 2017 - 2021, anh được UBND tỉnh Quảng Bình tặng bằng khen vì đã có thành tích trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi.

Tín dụng chính sách - giải pháp đắc lực trong giảm nghèo ở huyện Quảng Ninh. Ảnh: T Ngọc

Tín dụng chính sách - giải pháp đắc lực trong giảm nghèo ở huyện Quảng Ninh. Ảnh: T Ngọc

Cũng như anh Hồ Minh, gia đình ông Trần Văn Thuận ở thôn Kim Sen, trước đây là hộ nghèo của xã Trường Xuân. Nhờ được tham gia các lớp tập huấn về trồng cây ăn quả, ông Thuận quyết định chuyển đổi 1,2ha đất đồi trồng keo sang trồng hồ tiêu; trồng thêm 10ha keo tràm, 8ha thông lấy nhựa, nhiều loại cây ăn quả và nuôi thêm 35 đàn ong lấy mật. Với mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt, sau khi trừ chi phí, mỗi năm ông Thuận thu về gần 200 triệu đồng.

Nguồn vốn chính sách không chỉ làm thay đổi cuộc đời của một cá nhân mà còn biến bản Lâm Ninh, xã Trường Xuân từ một vùng đất hoang nay đã có 52 hộ, với 187 nhân khẩu. Bà con biết vay vốn, mở rộng chăn nuôi, trồng rừng kinh tế và thoát nghèo bền vững. Cả bản hiện có trên 150 con trâu, bò, 231ha rừng kinh tế, nhận bảo vệ 150ha rừng tự nhiên; đồng bào còn nuôi ong lấy mật lên tới hàng chục đàn, mang lại giá trị kinh tế cao… Theo đó, nhiều năm qua, Lâm Ninh là một trong số ít bản của đồng bào Bru Vân Kiều ở xã Trường Xuân luôn đi đầu trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo hiệu quả.

Bản Khe Ngang, nơi có trên 100 hộ người Bru Vân Kiều sinh sống, nay cũng đã khác trước rất nhiều. Nguồn vốn chính sách đã giúp nơi đây mọc lên những ngôi nhà kiên cố, ruộng đồng được sản xuất, canh tác quanh năm, đường giao thông được bê tông phẳng phiu thuận lợi cho người dân đi lại…

Ông Hồ Nam, Trưởng bản Khe Ngang vui mừng nói: “Bản hiện có 16ha lúa nước, 200ha đất rừng, bà con đã biết kết hợp trồng rừng và chăn nuôi. Khe Ngang đã qua rồi thời gian khổ; nhà nào còn đói cái bụng, là do nhà đó không biết cách làm ăn, không có ý chí phấn đấu thôi”.

Cùng với Khe Ngang, Lâm Ninh, các bản có đông đồng bào dân tộc Bru Vân Kiều sinh sống (Khe Dây, Hang Chuồn, Nà Lâm…) đang từng bước thoát nghèo. Theo ông Võ Thành Đồng, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Xuân, tỷ lệ hộ nghèo của xã đang giảm mạnh, đây không chỉ là nỗ lực của cấp ủy đảng, chính quyền, của sự đồng lòng, nỗ lực của người dân, nhất là đồng bào Bru Vân Kiều mà còn nhờ vào sự hỗ trợ kịp thời của vốn tín dụng chính sách.

Cấp ủy chính quyền quyết liệt vào cuộc

Trên thực tế, NHCSXH huyện Quảng Ninh đã và đang thực hiện tốt Chỉ thị 40-CT/TW và Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, đã tham mưu cho HĐND, UBND huyện ưu tiên bố trí nguồn từ ngân sách địa phương ủy thác cho NHCSXH số tiền 2.000 triệu đồng, đạt 103% kế hoạch, đưa tổng số tiền Ngân sách huyện chuyển sang lên 7.210 triệu đồng. Đơn vị cũng đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội triển khai các giải pháp, kịp thời đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần thực hiện công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn huyện.

Đến ngày 30.6.2023 công tác huy động vốn đạt của NHCSXH huyện Quảng Ninh đạt 74 tỷ đồng, tăng 9 tỷ đồng so với năm 2022. Trong đó, huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân là 53.617 triệu đồng, tăng 6.166 triệu đồng so với năm 2022; nhận tiền gửi của tổ viên Tổ Tiết kiệm và vay vốn là 20.483 triệu đồng, tăng 2.483 triệu đồng so với năm 2022. Một số đơn vị thực hiện tốt chỉ tiêu như xã Lương Ninh đạt 127,8% kế hoạch năm; Vĩnh Ninh đạt 117,7% kế hoạch năm; An Ninh đạt 115,6% kế hoạch năm; Xuân Ninh đạt 116,6% kế hoạch năm; Hiền Ninh đạt 112,1% kế hoạch năm; thị trấn Quán Hàu đạt 140,5% kế hoạch năm…

Cũng trong 6 tháng đầu năm, tổng dư nợ NHCSXH huyện Quảng Ninh đạt 485 tỷ đồng, tăng 53 tỷ đồng so đầu năm, với trên 8.000 hộ gia đình còn dư nợ. Trong đó, các chương trình cho vay theo Nghị quyết 11 có dư nợ tăng cao như cho vay nhà ở xã hội đạt 62.932 triệu đồng, số khách hàng vay vốn 141 khách hàng; cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là 37.987 triệu đồng, số khách hàng vay vốn 784 khách hàng; cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến là 3.374 triệu đồng, số khách hàng vay vốn 199 khách hàng; cho vay theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26.4.2022 của Chính phủ về hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị là 2.810 triệu đồng, số khách hàng vay vốn 52 khách hàng…

Công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng được NHCSXH và các tổ chức trong mạng lưới đặc biệt quan tâm chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, do đó, chất lượng tín dụng được duy trì ổn định. Đến nay, nợ quá hạn 139 triệu đồng, chiếm 0,03%/tổng dư nợ. Đơn vị cũng đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc huyện ký kết kế hoạch triển khai chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với NHCSXH. Theo đó, Ủy ban Mặt trận tổ quốc cấp huyện, xã đã mở 15/15 tài khoản thanh toán tại NHCSXH.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, NHCSXH huyện cũng đã thực hiện triển khai dịch vụ Mobi Banking cho các tổ chức trong mạng lưới NHCSXH huyện, từ các thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện, Hội đoàn thể các cấp, các Tổ Tiết kiệm và vay vốn cũng như các khách hàng có nhu cầu. Đến 30.6.2023 NHCSXH huyện đã thực hiện mở tài khoản thanh toán và đăng ký sử dụng dịch vụ Mobi Banking cho 380 khách hàng.

Bình Nhi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/giai-phap-dac-luc-cho-giam-ngheo-i338510/