Giải pháp đẩy mạnh phát triển công nghiệp ở Cam Lộ

Trên địa bàn huyện Cam Lộ hiện có 3 cụm công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết, tổng diện tích 150 ha. Tỉ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp đạt khá, có 43 doanh nghiệp với tổng vốn đầu tư 1.506 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 1.400 lao động, đóng góp hơn 50% nguồn thu ngân sách địa phương. Những năm qua, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đóng vai trò to lớn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của huyện Cam Lộ, tạo đầu ra cho các sản phẩm nông sản, góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo và nâng cao mức sống cho Nhân dân. Tuy nhiên, các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện quy mô nhỏ, đầu tư chưa đồng bộ nên chưa thu hút được các nhà đầu tư có tiềm lực, làm 'đầu tàu' dẫn dắt nền kinh tế phát triển.

 Chế biến cao dược liệu cà gai leo mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Cam Lộ - Ảnh: N.T.H

Chế biến cao dược liệu cà gai leo mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Cam Lộ - Ảnh: N.T.H

Trong giai đoạn phát triển mới, với thế mạnh có vị trí địa lý nằm ở cửa ngõ phía Tây và phía Bắc thành phố Đông Hà; có các tuyến giao thông huyết mạch đi qua như: Quốc lộ 1, Quốc lộ 9, đường Hồ Chí Minh, cao tốc Cam Lộ - Túy Loan, Hành lang kinh tế Đông - Tây và nguồn nguyên liệu đa dạng cho phát triển công nghiệp, huyện Cam Lộ xác định phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ lực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động.

Ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến sâu với sản phẩm đồ nội thất gia dụng, ván sàn và các ngành công nghiệp thu hút nhiều lao động, ít ảnh hưởng đến môi trường như lắp ráp máy móc, điện gió, điện mặt trời, chế biến sản phẩm nông nghiệp. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp nông thôn gắn với các sản phẩm của các làng nghề, các sản phẩm OCOP và các loại hình công nghiệp phụ trợ chế biến thực phẩm, cao dược liệu…

Với những nỗ lực cố gắng trong công tác quy hoạch, thu hút đầu tư, bước đầu huyện đã thu hút được một số nhà đầu tư có tiềm lực khảo sát, tìm hiểu, tìm kiếm cơ hội đầu tư như: Tổng Công ty Kotra Việt Hàn và Tập đoàn GBS của Hàn Quốc, Dự án Thủy điện Hướng Sơn - Cam Lộ, Dự án chăn nuôi công nghệ cao tại Cam Tuyền…, đưa Cam Lộ trở thành một trong những điểm đến có tiềm năng và cơ hội đầu tư.

Thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ lực, huyện Cam Lộ cụ thể hóa các giải pháp tập trung nguồn lực đẩy nhanh đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các cụm công nghiệp. Đối với Cụm công nghiệp Cam Thành, hoàn thiện hệ thống cấp, thoát nước, xử lý nước thải nhằm đảm bảo các doanh nghiệp có điều kiện mở rộng, nâng công suất và công nghệ sản xuất, gia tăng giá trị kinh tế và thu hút nhiều lao động.

Mở rộng Cụm công nghiệp Cam Hiếu, hoàn thiện đầu tư hệ thống giao thông các tuyến còn lại, đầu tư hệ thống điện, cấp thoát nước và xử lý nước thải, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện các thủ tục đầu tư kinh doanh. Đối với Cụm công nghiệp Cam Tuyền, hoàn thiện điều chỉnh quy hoạch, huy động ngân sách để đầu tư hệ thống hạ tầng thiết yếu như giao thông trục chính, hệ thống điện, cấp nước và xử lý nước thải; các hạng mục còn lại kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nguồn lực thực hiện.

Đồng thời, huyện tiếp tục quy hoạch các cụm công nghiệp, thương mại, dịch vụ logicstic đón đầu cao tốc Cam Lộ - Túy Loan, gồm: Cụm công nghiệp Cam Hiếu 2 nằm ở phía Tây đường cao tốc, giáp với thị trấn Cam Lộ, diện tích 50 ha, ưu tiên các doanh nghiệp lớn có tiềm lực, đầu tư các ngành nghề chế biến nông sản, lắp ráp máy móc, các ngành công nghiệp ít ảnh hưởng đến môi trường và các ngành công nghiệp phụ trợ, phục vụ cho các hoạt động của các khu dừng nghỉ trên tuyến cao tốc.

Tại cụm công nghiệp này sử dụng ngân sách lập quy hoạch, kêu gọi doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư cơ sở hạ tầng và cùng với huyện để kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp khác tham gia đầu tư vào cụm công nghiệp. Cụm công nghiệp - thương mại - logicstic Cam Hiếu quy hoạch gồm 2 khu vực: Khu vực 1 tại thôn Vĩnh An, xã Cam Hiếu và Khu phố 4, thị trấn Cam Lộ diện tích khoảng 40 ha, ưu tiên các ngành nghề chế biến nông sản, lắp ráp máy móc, các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường; khu vực 2 nằm ở phía Đông đường cao tốc và phía Nam Quốc lộ 9, diện tích khoảng 45 ha, ưu tiên các ngành công nghiệp phụ trợ cho trạm dừng nghỉ, kho bãi hàng hóa, logicstic, khu thương mại, dịch vụ…

Tại Cụm công nghiệp - thương mại - logicstic Cam Hiếu, sử dụng ngân sách lập quy hoạch, đầu tư hạ tầng thiết yếu giao thông, điện và kêu gọi doanh nghiệp đầu tư kinh phí thực hiện giải phóng mặt bằng, san nền, đầu tư các hạng mục phụ trợ khác. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể và các quy hoạch ngành, huyện đẩy mạnh nghiên cứu, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất cao, chất lượng tốt, tuyên truyền và vận động Nhân dân xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo nguyên liệu cho chế biến công nghiệp.

Khuyến khích các doanh nghiệp chế biến ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với nông dân. Hỗ trợ các nguồn lực khuyến công, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để đổi mới dây chuyền sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng các ngành công nghiệp nông thôn, chế biến dược liệu, công nghiệp phụ trợ khác. Xây dựng các chính sách, giải pháp về nguyên liệu, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào để thúc đẩy, nâng cao giá trị sản xuất của các doanh nghiệp đầu tư ngoài cụm công nghiệp.

Bằng các giải pháp đồng bộ về quy hoạch, huy động nguồn lực từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tăng cường thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ pháp lý, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, huyện Cam Lộ phấn đấu tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân thời kỳ 2021-2025 đạt 14%/năm, tổng giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2025 đạt 1.735 tỉ đồng, thu hút khoảng 2.500 lao động, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phượng phát triển nhanh và bền vững.

Khánh Ngọc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=168600&title=giai-phap-day-manh-phat-trien-cong-nghiep-o-cam-lo