Giải pháp đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới ở Triệu Phong

Năm 2010, khi triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Triệu Phong có 3 xã đạt 7 tiêu chí trên tổng số 19 tiêu chí theo quy định, 2 xã đạt 6 tiêu chí, 4 xã đạt 5 tiêu chí, 4 xã đạt 4 tiêu chí, 4 xã đạt 3 tiêu chí, 1 xã đạt 2 tiêu chí. Đến nay, toàn huyện có 14/17 xã đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã nào dưới 16 tiêu chí.

 Người dân thôn Mỹ Lộc, xã Triệu Hòa tích cực chỉnh trang xây dựng nông thôn mới - Ảnh: T.V

Người dân thôn Mỹ Lộc, xã Triệu Hòa tích cực chỉnh trang xây dựng nông thôn mới - Ảnh: T.V

Để triển khai hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), bám sát chỉ đạo của cấp trên, căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương, Văn phòng Điều phối NTM huyện đã xây dựng kế hoạch, đề ra chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, xây dựng nhu cầu kinh phí thực hiện trên địa bàn huyện. Chỉ đạo thành viên là thủ trưởng các phòng, ban, ngành, đoàn thể triển khai thực hiện cơ chế, chính sách liên quan đến xây dựng NTM. UBND các xã, ban quản lý xây dựng NTM xã, ban phát triển thôn đánh giá, xây dựng đề án và tổ chức triển khai xây dựng xã NTM.

Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nội dung, kế hoạch thực hiện chương trình NTM đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn. Các thành viên ban chỉ đạo (BCĐ) trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các ngành, địa phương xây dựng đề án, quy hoạch, kế hoạch thực hiện chương trình xây dựng NTM, đề xuất giải pháp, cơ chế chính sách để thực hiện có hiệu quả chương trình này. Đội ngũ cán bộ từ huyện đến thôn tăng cường trách nhiệm, gần dân, hiểu dân, cùng giúp đỡ Nhân dân bằng nhiều việc làm thiết thực về xây dựng NTM. Triển khai mạnh mẽ phong trào “Quảng Trị chung sức xây dựng NTM” với phương châm “Dân làm, nhà nước hỗ trợ”, “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ”.

Đặc biệt, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của COVID-19, UBND huyện xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp không chỉ về phòng, chống dịch bệnh mà còn duy trì, mở rộng sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thương mại - dịch vụ. Triển khai rà soát chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều theo Nghị định số 07 ngày 27/1/2021 của Chính phủ giai đoạn 2021 - 2025. Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực gắn với ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, từng bước phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế số. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, mỗi năm tạo việc làm mới cho hàng nghìn lao động ở địa phương.

Một trong những lĩnh vực giải quyết việc làm nhiều nhất cho địa phương là công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại- dịch vụ. Hiện nay, Cụm công nghiệp Ái Tử có 11 doanh nghiệp đầu tư dự án, trong đó có 7 dự án sản xuất - kinh doanh ổn định, thu hút trên 500 lao động. Cụm công nghiệp Đông Ái Tử có 5 doanh nghiệp đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động. Hệ thống chợ được nâng cấp, xây dựng và đưa vào khai thác hiệu quả. Hiện toàn huyện có hơn 30 doanh nghiệp, hơn 2.900 hộ kinh doanh cá thể thu hút hơn 10.000 lao động vào làm việc.

Cùng với đó, UBND huyện Triệu Phong đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp nhằm tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp có giá trị trên thị trường. Năm 2021, UBND huyện chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục chuyển đổi và xây dựng triển khai sản xuất cánh đồng lớn ở 53 hợp tác xã với diện tích 1.870 ha. Đẩy mạnh sản xuất lúa theo hướng canh tác tự nhiên tại 4 xã với diện tích 52 ha. Đồng thời tích cực tìm kiếm doanh nghiệp đầu tư sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Phối hợp với Công ty Cổ phần Tổng Công ty thương mại Quảng Trị tiến hành khảo sát sản xuất lúa hữu cơ, lúa VietGAP với diện tích hơn 1.562 ha, phối hợp với nhiều công ty có thương hiệu trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp để sản xuất, gieo trồng các giống lúa có chất lượng cao. Xây dựng mô hình kinh tế trang trại, gia trại sản xuất với cây trồng, con nuôi phù hợp ở từng địa phương. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai xây dựng, thực hiện hiệu quả mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình 2 giai đoạn.

Đối với phát triển lâm nghiệp, huyện Triệu Phong đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học để phát triển một số giống cây thích ứng với biến đổi khí hậu, cho hiệu quả kinh tế cao như cây bạch đàn, keo lai góp phần thúc đẩy việc trồng rừng thâm canh, trồng rừng FSC, đưa năng suất và chất lượng gỗ rừng trồng tăng lên. Đến nay, toàn huyện có 48 hộ trồng rừng tham gia Hội chứng chỉ rừng Quảng Trị, với 479,18 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC…

Với cách làm khoa học, cụ thể nên đời sống của người dân không ngừng được nâng lên, góp phần đẩy nhanh thực hiện xây dựng NTM. Năm 2021, tỉ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn cũ của huyện chỉ còn 2,96%. Các tiềm năng, lợi thế của địa phương được khai thác đóng góp ngày càng nhiều hơn vào tăng trưởng. Thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 57,7 triệu đồng/năm.

Để Triệu Phong đạt chuẩn NTM trước năm 2025, xây dựng 2 - 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động toàn xã hội tham gia xây dựng NTM, đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, thực hiện cơ chế chính sách tài chính và phân bổ đầu tư, phát huy sức mạnh cộng đồng dân cư và vai trò làm chủ của người dân, phân công nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn, UBND các xã tiếp tục phát động phong trào thi đua xây dựng NTM.

Huyện sẽ tổ chức ký cam kết thi đua giữa các xã, đồng thời các xã tự đánh giá khả năng, nguồn lực so sánh với quy chuẩn quốc gia về NTM để có hướng phấn đấu, thời gian thực hiện, thời điểm hoàn thành để đăng ký với BCĐ huyện trên tinh thần phát huy nội lực là chính và chủ động huy động nguồn lực trong cộng đồng dân cư, không vì thành tích hoặc dựa vào yếu tố đầu tư từ phía nhà nước. Dự kiến nguồn lực và khả năng huy động nguồn lực thực hiện chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021- 2025 trên địa bàn huyện Triệu Phong là 384.115 triệu đồng.

Tuấn Việt

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=165243&title=giai-phap-day-manh-xay-dung-nong-thon-moi-o-trieu-phong