Giải pháp đẩy nhanh đầu tư công trong nông nghiệp

Phân dạng, phân nhóm cùng với những chỉ đạo quyết liệt, giao ngay vốn ngay từ khi nhận được vốn, giải ngân vốn đầu tư công trong ngành nông nghiệp đang và sẽ đạt những kết quả khả quan.

Khu vực lòng hồ công trình thủy lợi Krông Pách Thượng có nguy cơ làm ngập lụt hàng trăm hộ dân xã Cư San, huyện M' Đrắk, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Anh Dũng - TTXVN

Khu vực lòng hồ công trình thủy lợi Krông Pách Thượng có nguy cơ làm ngập lụt hàng trăm hộ dân xã Cư San, huyện M' Đrắk, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Anh Dũng - TTXVN

Phân dạng, phân nhóm cùng với những chỉ đạo quyết liệt, giao ngay vốn ngay từ khi nhận được vốn, giải ngân vốn đầu tư công trong ngành nông nghiệp đang và sẽ đạt những kết quả khả quan, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp. Việc hoàn thành giải ngân vốn năm 2023 của ngành dường như trong tầm tay.

Năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao 9.852 tỷ đồng; trong đó vốn trong nước 8.052 tỷ đồng, vốn nước ngoài 1.800 tỷ đồng. Ngay từ tháng 1/2023, Bộ đã phân bổ 100% kế hoạch vốn cho các dự án để triển khai thực hiện.

Năm 2023, các dự án cơ bản trong ngành nông nghiệp đã bắt đầu triển khai thi công, công tác chuẩn bị kỹ thuật các dự án được chuẩn bị kỹ, có đánh giá, lường trước các khó khăn, vướng mắc gặp phải nên triển khai thi công sẽ thuận lợi, tiến độ thực hiện, giải ngân có thể đẩy mạnh ngay từ đầu năm.

Điều này đã được thể hiện khi quý I/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải ngân được 14%, cao hơn trung bình cả nước. Dự kiến đến hết tháng 4/2023, Bộ sẽ giải ngân đạt trên 23%; trong đó vốn trong nước sẽ đạt 25,8%; vốn ODA đạt 12%.

Để được kết quả giải ngân trên, ông Nguyễn Hải Thanh - Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng công trình cho biết, ngay từ tháng 2, Bộ trưởng đã thực hiện việc giao ban về xây dựng cơ bản để nắm bắt tình hình, khả năng thực hiện của năm nay cũng như những năm tiếp theo của giai đoạn này. Dựa trên những số liệu, thực tế, lãnh đạo Bộ có chỉ đạo điều hành trực tiếp và điều chỉnh linh hoạt.

Nhằm thúc đẩy công việc được giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phân loại các dự án để có sự chỉ đạo, giám sát sát sao. Loại 1 là dự án chuyển tiếp của giai đoạn trước; trong đó có 3 dự án lớn là dự án hồ chứa nước Cánh Tạng (tỉnh Hòa Bình), Dự án hồ chứa nước Bản Mồng (tỉnh Nghệ An) và dự án hồ chứa nước Krông Pách Thượng (tỉnh Đắk Lắk). Loại 2 là các dự án đang đấu thầu, thi công. Loại 3 là dự án đang chuẩn bị phê duyệt và sẽ đấu thầu vào cuối năm nay.

Theo ông Nguyễn Hải Thanh, từ việc phân loại này Bộ đã nhìn nhận, đánh giá trên cơ sở việc đăng ký phấn đấu của các chủ đầu tư để đưa ra các mốc nhận định.

Hiện các dự án đã đấu thầu, như nhiều dự án ở Đồng bằng song Cửu Long đang có tiến độ giải ngân rất tốt.

Với nhóm dự án chuyển tiếp, ông Nguyễn Hải Thanh cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên báo cáo tiến độ với Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách và làm việc với các địa phương.

Đặc biệt là dự án hồ chứa nước Krông Pách Thượng, tỉnh Đắk Lắk phải thực hiện di dời với số lượng dân rất lớn. Nhưng tỉnh đã quyết liệt thực hiện, quyết tâm cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để chặn dòng trong tháng 3 vừa qua. Với tiến độ chặn dòng này thì việc hoàn thành công trình đầu mối sẽ đúng hẹn năm 2023.

Với dự án hồ chứa nước Cánh Tạng và hồ chứa nước Bản Mồng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo trực tiếp. Hiện dự án hồ chứa nước Cánh Tạng đã trình Thủ tướng Chính phủ lần cuối chủ trương đầu tư. Dự án hồ chứa nước Bản Mồng đã có những cuộc họp tháo gỡ khó khăn, đến nay hồ sơ đã được hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ.

Đây là những dự án lớn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kéo dài nhiều năm qua. Nếu các dự án này được tháo gỡ thì sẽ sớm được giải quyết dứt điểm.

Đối với dự án đang chuẩn bị phê duyệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển đã có Nghị Quyết Ban cán sự Đảng Bộ với mốc thời gian chậm nhất trước 30/6/2023 phải hoàn thiện hồ sơ, trình Bộ phê duyệt.

Với dự án không hoàn thiện hồ sơ đúng mốc thời gian sẽ bị dừng lại. Bởi, nếu để chậm trễ hơn trong hoàn thiện hồ sơ thì khả năng hoàn thiện dự án trong trung hạn sẽ rất khó khăn, ông Nguyễn Hải Thanh cho hay.

Đối với dự án đang chuẩn bị phê duyệt, trước đây khó khăn nhất là giải phóng mặt bằng thì nay khó khăn nhất là các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có khoảng 6 - 7 dự án liên quan đến việc các địa phương chưa xong quy hoạch sử dụng đất. Đây là trở ngại đã được lãnh đạo Bộ nhìn ra, được Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn.

Cùng với chờ hoàn thiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, Cục Quản lý xây dựng công trình cũng hoàn thành các hồ sơ về kỹ thuật để khi xong các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng là có sẵn sàng thể thực hiện ngay dự án, ông Nguyễn Hải Thanh cho biết.

Với các dự án ODA, qua đánh giá, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận thấy có 3 dự án gặp nhiều khó khăn; trong đó có 2 dự án về lâm nghiệp về trồng rừng và dự án Quản lý nước tỉnh Bến Tre (JICA 3). Do, dự án Quản lý nước tỉnh Bến Tre liên quan đến vấn đề tăng vốn nên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với Bộ Tài chính để tháo gỡ khó khăn.

Ông Nguyễn Hải Thanh cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục tập trung tháo gỡ nút thắt, nhất là các dự án lớn. Bộ bám sát các đơn vị, tăng cường giao ban trực tuyến, báo cáo tiến độ qua nhóm bằng ứng dụng công nghệ số để có những chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn kịp thời.

Nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị cùng với việc phân dạng, phân nhóm các chủ đầu tư để Bộ có những chế tài nếu không hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đồng thời cũng khen thưởng những đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Không chỉ đảm bảo về giải ngân tốt, ông Nguyễn Hải Thanh cũng cho biết, các đơn vị phải đề cao chất lượng công việc phải đặt lên hàng đầu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có phong trào 5 Nhất: “Chất lượng nhất, tiến độ nhất, hiệu quả nhất, an toàn nhất, tiết kiệm nhất”.

Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho biết, với tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của ngành, ngành cố gắng sẽ giải ngân đạt 100% số vốn đã được giao. Với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ khả năng sẽ hoàn thành kế hoạch và nếu giải ngân tốt Bộ sẽ đề xuất Chính phủ bổ sung thêm vốn.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá, giải ngân đầu tư công trong ngành nông nghiệp cao hơn trung bình toàn quốc. Tuy nhiên, hạ tầng nông nghiệp còn rất yếu kém, nhất là hạ tầng logistics, kho bãi, vùng nguyên liệu… Nếu ngành giải ngân được toàn bộ số vốn Chính phủ đã giao và được thêm bổ sung vốn sẽ là yếu tố rất quan trọng để đưa sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp./.

Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/giai-phap-day-nhanh-dau-tu-cong-trong-nong-nghiep/288602.html