Giải pháp để bứt phá cho 2023

Trong khi chờ tác động tích cực lan tỏa đến Việt Nam thì trong thời gian chờ đợi, TP.HCM cần đặc biệt tập trung vào nội lực của kinh tế TP, trong đó phát huy các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao như là một ngành công nghiệp dịch vụ.

Tại tọa đàm “Báo cáo kinh tế vĩ mô TP.HCM quý IV-2022 và tầm nhìn 2023” do ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) và Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đồng chủ trì vào cuối năm 2022, các chuyên gia đã đưa ra cảnh báo về điểm đáy của một số ngành công nghiệp - kinh tế TP.HCM sẽ tiếp tục diễn ra trong quý I- 2023 và phải đến gần cuối quý II-2023 mới có đà quay lại.

Có ba vấn đề đáng chú ý ở tầm quốc tế - khu vực, đó là tình hình Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn; lạm phát toàn cầu tiếp tục diễn ra; Trung Quốc mở cửa biên giới nhưng tốc độ không thể nhanh vì vừa làm vừa điều chỉnh. Vậy nên tác động tích cực lan tỏa nhanh nhất đến kinh tế Việt Nam nếu có thì cũng phải từ giữa quý II năm nay.

Vì vậy, trong thời gian chờ đợi “đà cũ quay lại” và “tạo đà mới” cần đặc biệt tập trung vào nội lực của kinh tế TP, trong đó phát huy các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao như là một ngành công nghiệp dịch vụ.

Thống kê cuối tháng 1-2023 cho thấy chỉ số sản xuất công nghiệp toàn cảnh giảm 15%. Trong bốn ngành trọng điểm của TP.HCM thì điện tử, cơ khí đều giảm khá mạnh, trong khi hóa dược tăng nhẹ; thực phẩm, đồ uống tăng khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ cũng duy trì mức tăng vì rơi vào mùa lễ tết; các chỉ số du lịch lữ hành, lưu trú ăn uống, bán lẻ hàng hóa đều tăng mạnh. Vì vậy, tìm cách tiếp tục kích cầu các combo “ăn - chơi” - mua sắm; “học hành - sức khỏe” - dịch vụ - tiêu dùng cho hết quý I và sang giữa quý II là cách tạo đà phục hồi khả thi nhất.

Riêng hai mảng học hành - sức khỏe lại cho thấy tính “ăn khớp” với sự chuyển dịch rất đáng chú ý của cơ cấu FDI. Năm qua, đã có sự thu hẹp ở khu vực thâm dụng lao động, hạ nhiệt hoàn toàn ở khu vực kinh doanh bất động sản để tăng sức hút dòng đầu tư vào khu vực giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ với con số tăng gấp sáu lần so với năm 2021 và 1,2 lần so với năm 2019. Cần tận dụng xu hướng chuyển dịch này với các “phản ứng nhanh” để tháo gỡ các điểm nghẽn, tiến hành trao đổi, xúc tiến ở cấp quốc gia - tập đoàn nhằm thu hút dòng FDI 2023-2025 trong bối cảnh mới.

Việc chuyển dịch cơ cấu FDI này cũng kéo theo sự sàng lọc, tái cấu trúc - khai thác nguồn lực lao động, mô hình kinh tế khu công nghiệp, khu chế xuất của TP, trong đó đặc biệt là nhiệm vụ cấp bách đào tạo lao động chất lượng cao tương ứng với nhu cầu sắp tới đang là nhu cầu lớn đặt ra. Một “kỹ năng số tối thiểu” (digital minimum) như quan điểm đề xuất của GS Trần Văn Thọ (Nhật Bản) cần được chuẩn bị bên cạnh việc trang bị năng lực tự học, khả năng tái bồi dưỡng kỹ năng cho thị trường lao động TP.

Bởi nhìn vào bảng kết quả nghiên cứu của Viện Social Life (một tổ chức nghiên cứu độc lập, chuyên về khảo sát lao động) tiến hành khảo sát dự định di cư của người lao động đang làm việc ở TP.HCM, các khu công nghiệp lân cận TP như Bình Dương, Đồng Nai sẽ thấy một xu hướng chuyển dịch lao động dự kiến. Theo đó, có 83,3% vẫn đang ở lại TP.HCM làm việc và có 16,7% đã trở về quê/gần quê để làm việc trong năm 2022 từ sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Trong những người đang ở lại thì chỉ có 39,9% người không có dự định trở về quê làm việc lâu dài, 44,6% người không chắc chắn.

Cần có đáp số cho bài toán lao động đón nhận thời cơ trước làn sóng dịch chuyển khu vực sản xuất ra khỏi một số nước cũng như từ đó định hướng chuẩn cho việc quy hoạch lại các khu công nghiệp, khu chế xuất nói riêng, kinh tế - xã hội TP nói chung trong nhiệm kỳ kế tiếp.

NGUYỄN QUÂN CÁT

Nguồn PLO: https://plo.vn/giai-phap-de-but-pha-cho-2023-post717769.html