Giải pháp để cây công nghiệp chủ lực phát triển bền vững

Có thể khẳng định cây cao su và hồ tiêu là 2 loại cây công nghiệp chủ lực của tỉnh Quảng Trị. Hiện nay trên toàn tỉnhcó trên 19.000 ha cao su, sản lượng mủ 15.000 tấn/năm; trên 2.500 ha hồ tiêu, trong đó có 2.100 ha đã cho thu hoạch.

 Xây dựng vườn tiêu an toàn ở xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh là giải pháp để phát triển bền vững cây hồ tiêu - Ảnh: H.N.K

Xây dựng vườn tiêu an toàn ở xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh là giải pháp để phát triển bền vững cây hồ tiêu - Ảnh: H.N.K

Cây công nghiệp bị thiệt hại do thiên tai

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên thiên tai ngày càng phức tạp. Hạn hán, bão lũ liên tục hoành hành ở khu vực miền Trung trong đó có Quảng Trị. Đặc biệt diện tích cây công nghiệp mà chủ yếu là cây cao su và hồ tiêu bị ảnh hưởng nặng nề. Cơn bão số 10 năm 2017 đã làm gãy đổ trên 3.000 ha cây cao su trên địa bàn tỉnh, trong đó huyện Vĩnh Linh bị thiệt hại gần 2.500 ha. Trận mưa bão trong tháng 10 vừa qua đã làm gãy đổ, bật gốc khoảng 20 ha cây cao su từ 10 - 20 năm tuổi ở xã A Dơi, huyện Hướng Hóa. Tại huyện Cam Lộ có trên 50 ha cao su trong thời kỳ thu hoạch bị gãy đổ, bật gốc với số lượng khoảng 30.000 cây. Diện tích cây cao su bị gãy đổ, bật gốc tập trung chủ yếu ở địa bàn các xã Cam Tuyền, Cam Chính, Cam Nghĩa.

Đợt mưa lũ vừa qua không chỉ gây thiệt hại đối với diện tích cao su mà còn gây thiệt hại đối với nhiều vườn tiêu của người dân trên địa bàn các huyện Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh. Do mưa lớn kéo dài nên hàng trăm héc ta hồ tiêu bị ngập úng dài ngày, thối rễ dẫn đến rụng lá và chết. Tại huyện Cam Lộ nhiều vườn tiêu ở xã Cam Chính, Cam Nghĩa bị ngập úng nặng. Theo thống kê, toàn huyện có trên 200 ha hồ tiêu bị ngập úng, các vườn tiêu bắt đầu vàng lá và chết. Hộ anh Hoàng Văn Dũng ở xã Cam Nghĩa có hơn 500 gốc tiêu bị úng nước. Trong vụ tiêu vừa qua anh Dũng thu hoạch hơn 1 tấn tiêu khô, bán được hơn 55 triệu đồng. Đây chính là nguồn thu nhập chính đối với gia đình nhưng sau đợt mưa lũ vừa qua cả vườn tiêu bị ngập nước dài ngày dẫn đến thối rễ, rụng lá và chết. Phải mất gần 10 năm mới xây dựng được vườn tiêu nhưng bây giờ thấy cây tiêu đang chết dần vợ chồng anh Dũng rất xót xa. Mặc dù người dân đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp tháo úng bằng cách đào rãnh thoát nước quanh vườn nhưng xem ra cây tiêu cũng khó khôi phục trở lại. Ông Nguyễn Thanh Bình ở xã Cam Nghĩa nuối tiếc nhìn vườn tiêu đang chết dần từng ngày, ngậm ngùi chia sẻ: “Tiêu chết làm cho người dân gặp nhiều khó khăn, thậm chí nhiều người lâm vào cảnh nợ nần. Nhưng vấn đề quan trọng mà nông dân lo lắng nhất đó là làm cách nào để khôi phục lại vườn cây cũng như tìm giải pháp để ứng phó lâu dài với những bất lợi của thiên tai. Vì thế, người trồng tiêu mong nhận được sự quan tâm của các cơ quan chức năng hỗ trợ về kỹ thuật, vốn cũng như các loại chế phẩm sinh học để khôi phục lại phần nào diện tích cây hồ tiêu đã bị úng nước”.

Khắc phục nhanh tình trạng ngập úng cho cây tiêu

Tại xã Gio An, huyện Gio Linh trong tổng số 90 ha hồ tiêu trên toàn xã đã có hơn 10 ha bị ngập úng, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người dân. Chúng tôi đến vườn tiêu của gia đình ông Hồ Văn Em ở tại thôn An Nha, xã Gio An, huyện Gio Linh. Thời gian qua do mưa lớn kéo dài, vườn tiêu của ông bị ngập úng không thoát nước được đã làm hàng loạt cây tiêu đang xanh tốt bị rụng lá, rụng quả rồi chết. Ông Em cho biết, ngay từ đầu mùa mưa, ông đã đào các rãnh thoát nước xung quanh vườn nhưng do vườn tiêu nằm ở vùng thấp, nước từ các vườn xung quanh chảy xuống gây ngập úng. Với tình hình thời tiết tiếp tục mưa lớn kéo dài thì gần 200 gốc tiêu còn lại trong vườn cũng sẽ bị chết. Đây là sự lo lắng của không chỉ riêng ông Em mà của hàng trăm hộ trồng tiêu trên địa bàn tỉnh. Nếu mưa lớn kéo dài gây ngập úng sẽ còn dẫn đến nguy cơ xảy ra bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu và lây lan trên diện rộng. Biểu hiện đặc trưng là cây tiêu bị vàng lá, héo úa, rụng lá, rụng quả, gốc cây bị thối đen, dây thân tiêu thâm đen. Đây là căn bệnh phổ biến đối với cây tiêu, đặc biệt là rất dễ xảy ra đối với những vườn tiêu do địa hình thấp trũng, thoát nước kém.

Tại huyện Vĩnh Linh, mưa lớn kéo dài trong thời gian qua đã làm nhiều diện tích cây hồ tiêu bị thiệt hại tập trung ở các xã Vĩnh Giang, Hiền Thành, Trung Nam, Vĩnh Tú… Sau mưa lũ cây tiêu có dấu hiệu sinh trưởng chậm, cây bị vàng rụng lá, rụng quả. Phó Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Vĩnh Linh Lê Thị Hiền Lương cho biết, mưa ẩm cũng là điều kiện hết sức thuận lợi để nhiều đối tượng nấm hại phát sinh, gây hại. Trong thời gian tới nếu nắng lên càng làm cho cây tiêu mau chết héo. Vì thế, trạm đã tăng cường cán bộ về cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn người dân các biện pháp phục hồi và phòng trị bệnh cho cây hồ tiêu như tăng cường thoát nước trong vườn để cây tiêu không bị ngập úng, chặt tỉa gọn cành cây choái tránh không để gió bão gây đổ ngã; hạn chế đi lại trong vườn hồ tiêu và không làm đứt rễ cây. Thường xuyên theo dõi diễn biến các loại dịch bệnh, nếu phát hiện thì phải cách ly và tiêu hủy.

Để hỗ trợ người dân khôi phục vườn tiêu, chính quyền các địa phương trong tỉnh đã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh hướng dẫn người dân các biện pháp phòng và trị bệnh cho cây hồ tiêu trong mùa mưa. Giải pháp trước mắt là chỉ đạo người dân tập trung đào các rãnh thoát nước quanh vườn đối với những vườn đang ngập úng để rút nước nhanh. Hướng dẫn việc thiết kế lại vườn tiêu khi trồng mới đối với những vườn có số cây bị chết nhiều. Hỗ trợ chế phẩm sinh học Tricoderma, các loại thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học để phòng bệnh cho cây hồ tiêu. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều vườn chưa được phòng trừ triệt để, chưa đúng kỹ thuật. Đa số người dân trồng theo hình thức quảng canh, trồng trong vườn nhà nên ngại xử lý thuốc hóa học để diệt sâu bệnh. Mặt khác, vườn tiêu đã lâu năm, trồng xen nhiều loại cây khác như nghệ, gừng, bơ… nên độ ẩm trong vườn cao, thoát nước kém, nước chảy từ vườn này sang vườn khác tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh lây lan phát tán, đó cũng là nguyên nhân chủ quan, ngoài yếu tố thiên tai mà người dân trồng tiêu cần phải quan tâm.

Ứng dụng khoa học công nghệvà chuyển đổi sản xuất

Cao su là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Quảng Trị. Vậy nhưng trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã có hàng trăm héc ta cao su bị gãy đổ do gió mạnh và bão, tập trung chủ yếu ở vùng ven biển, vùng trung du ở các huyện Vĩnh Linh, Cam Lộ, Gio Linh… Xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh là một trong những địa phương ven biển trồng nhiều cao su nhất tỉnh. Địa phương này hiện có 380 ha, trong đó có 360 ha đang cho thu hoạch. Tuy nhiên trong những năm gần đây, diện tích cao su giảm khoảng 10 ha/năm. Nguyên nhân là do cây cao su hay bị gãy đổ khi có gió bão gây thiệt hại nặng nề. Vì vậy, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo người trồng cao su cần tỉa chồi ngang để có đoạn thân cạo mủ thấp từ 2-2,5 m nhằm hạn chế gió bão; đồng thời chặt bỏ bớt cành lá trước khi bão đến, tăng cường trồng và bảo vệ các vành đai chắn gió bão cho các vườn cao su và vành đai rừng phòng hộ ven biển. Tỉnh Quảng Trị phấn đấu đến năm 2030 ổn định 25.000 ha cao su ở các vùng phía Tây xa bờ biển thuộc các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ. Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh cũng khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích cao su già cỗi sang cây trồng ngắn ngày, trong đó chú trọng liên kết trồng cây dược liệu, cây ăn quả...

Huyện Gio Linh và Vĩnh Linh là hai địa phương có nhiều diện tích hồ tiêu bị chết nên về lâu dài ngành nông nghiệp Quảng Trị cần rà soát, đánh giá hiện trạng và quy hoạch lại các vùng trồng hồ tiêu phù hợp để đảm bảo tính hiệu quả, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt là đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, nhất là ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm. Cùng với các ngành chức năng, chính quyền địa phương đã tích cực vận động và hỗ trợ người dân từng bước phục hồi các vườn tiêu cũ, áp dụng các biện pháp canh tác theo hướng hữu cơ, phát triển bền vững. Nhờ vậy, nhiều nơi đã xây dựng được một số mô hình, bước đầu cho thấy có những tín hiệu khả quan, tiêu sinh trưởng tốt, cho nhiều quả, đặc biệt không còn tình trạng bị nhiễm các loại sâu bệnh. Phó Chủ tịch UBND xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh Nguyễn Tấn Thủy cho biết, sau khi triển khai mô hình trồng tiêu an toàn đã trang bị những kiến thức mới về quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, từng bước làm thay đổi tập quán canh tác của người dân chuyển đổi cây trồng, cải tạo đất đai, phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững.

Hiện tỉnh Quảng Trị có hơn 2.500 ha hồ tiêu. Do canh tác theo kiểu cũ nên năng suất bình quân 1 tấn/ha, trong lúc tình hình biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng khó lường nếu không kịp thời đưa ra các nhóm giải pháp khắc phục thì người trồng tiêu sẽ gặp nhiều khó khăn. Thấy rõ điều này, những năm qua, Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị đã đẩy mạnh công tác vận động và phối hợp với các địa phương mở các lớp tập huấn kỹ thuật. Đồng thời thực hiện các chính sách hỗ trợ, giúp người dân trồng, chăm sóc hồ tiêu theo quy trình hữu cơ, an toàn sinh học. Tuy nhiên do mức đầu tư xây dựng mô hình khá lớn nên toàn tỉnh mới triển khai gần 200 ha. Ngoài ra, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã tiến hành 16 lớp tập huấn cho gần 1.000 lượt hộ nông dân tham gia, triển khai 4 mô hình trồng tiêu an toàn tại 3 huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ cho người dân áp dụng học tập. Đến nay, các vườn trong mô hình phát triển rất tốt, không bị ảnh hưởng do úng ngập và sâu bệnh.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị Nguyễn Hồng Phương cho rằng, trong chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, ngành nông nghiệp đã chú trọng việc ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến và chuyển đổi mô hình sản xuất. Trước sức tàn phá của thiên tai, ngành đã khuyến cáo người dân không nên phát triển cây cao su một cách ồ ạt. Ngành đã quy hoạch lại diện tích, tận dụng thời điểm tái canh vườn cây để vận động người dân chuyển sang trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đối với cây tiêu, chú trọng phát triển mô hình trồng tiêu an toàn là hướng đi đúng, đã làm thay đổi tư duy sản xuất, được người dân đánh giá cao. Để nhân rộng mô hình, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND tỉnh và tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ giống, phân bón, chế phẩm sinh học, công nghệ tưới tiết kiệm và tập huấn kỹ thuật. Về lâu dài đề nghị UBND tỉnh có cơ chế chính sách hỗ trợ cho người trồng tiêu khắc phục thiệt hại và ứng phó với thiên tai, dịch bệnh, tập trung chuyển đổi phù hợp diện tích cao su ở những địa bàn an toàn để phát triển 2 loại cây trồng chủ lực theo hướng bền vững.

Hồ Nguyên Kha

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=153819